Hai năm, bác sĩ “ăn” hơn 18.000 tấm phim

Các y bác sĩ đã chia nhau ngân sách của Nhà nước và tiền của bệnh nhân. Ngoài ra, BV Nguyễn Tri Phương còn “đẩy” bệnh nhân đi mổ dịch vụ để thu tiền khi họ thuộc diện mổ cấp cứu.

Nguồn tin riêng của Pháp Luật TP.HCM cho biết Thanh tra TP.HCM đã có báo cáo UBND TP về kết luận thanh tra toàn diện hoạt động của BV Nguyễn Tri Phương, trong đó làm rõ những sai phạm nhiều năm liền tại khoa Chẩn đoán hình ảnh (CĐHA) và Đơn vị mắt mà báo đã từng phản ánh trên số báo ngày 19-11-2012. Ngoài bớt xén phim, hóa chất, vật tư tiêu hao, thanh tra còn làm rõ việc BV đã sai phạm thực hiện mổ dịch vụ, đấu thầu mua thuốc, liên doanh liên kết, tuyển dụng nhân sự…

Được biết UBND TP đã có thông báo đồng ý với kết luận thanh tra này.

Chia chác tiền bệnh nhân

Kết quả thanh tra nêu rõ từ tháng 10-2010 đến tháng 8-2012, trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình, BS Tạ Quang Luyện - Trưởng khoa CĐHA và kỹ thuật viên Nguyễn Hiền Chánh đã làm thất thoát hơn 18.000 tấm phim thô và 135 lọ thuốc cản quang của BV. Tổng số tiền thất thoát là hơn 656 triệu đồng (khác ban đầu BV Nguyễn Tri Phương xác định hai y bác sĩ này làm thất thoát hơn 25.000 tấm phim và 136 lọ thuốc, tổng giá trị phải nộp lại trên 1,3 tỉ đồng, hai cá nhân trên đã nộp đủ cho BV - PV).

Hai năm, bác sĩ “ăn” hơn 18.000 tấm phim - 1

Khoa Chẩn đoán hình ảnh BV Nguyễn Tri Phương. Ảnh: D.Tính

Lý giải về việc làm “thất thoát” phim, hai y bác sĩ trên cho biết vào tháng 10-2010, BV bắt đầu triển khai hoạt động MSCT (hay còn gọi là chụp CT), khoa CĐHA căn cứ vào số lượng phim thực tế đã sử dụng xây dựng định mức tiêu hao vật tư y tế trình lãnh đạo phê duyệt và thực hiện theo định mức. Trong thời gian đầu, hầu hết các kỹ thuật viên và bác sĩ chưa thành thạo trong vận hành máy nên số phim hư nhiều, do đó số lượng phim lãnh và sử dụng phù hợp với định mức. Khi các kỹ thuật viên thành thạo hơn thì lượng phim hư giảm đi, so với định mức thì thừa một số phim chưa sử dụng. Khoa CĐHA đã không báo với lãnh đạo BV mà tự ý bán số phim dư này để mua sắm trang thiết bị phục vụ khoa (hơn 122 triệu đồng). Đến đầu năm 2012, sau khi đã trang bị đầy đủ các vật dụng trong khoa, hai y bác sĩ này bán phim và chia tiền cho nhau.

Cũng theo giải trình của hai y bác sĩ trên, đối với thuốc cản quang, mỗi bệnh nhân chụp CT đóng tiền đủ một lọ thuốc 100 ml. Thực tế sử dụng cho bệnh nhân trung bình 75-85 ml, bệnh nhân từ 80 kg thì sử dụng 85-95 ml. Trong quá trình sử dụng từ tháng 10-2010 đến tháng 8-2012 thì dư… 45 lọ thuốc. Ngoài ra, công ty bán thuốc có tặng 100 lọ, khoa sử dụng 10 lọ trong nghiên cứu, còn dư 90 lọ sử dụng cho bệnh nhân nhưng do khoa có lãnh thuốc từ khoa Dược nên… quên số thuốc này (!). Tuy nhiên, hai y bác sĩ này không có tài liệu chứng minh 90 lọ thuốc là do được tặng. Qua kiểm tra thì thấy 90 lọ thuốc này có số lô trùng với số lô do BV nhập. Như vậy, số lượng thuốc thiệt hại theo kết luận thanh tra tổng cộng là 135 lọ.

“Ăn” cả chất nhầy

Đối với sai phạm tại Đơn vị mắt thuộc Liên chuyên khoa, kết luận thanh tra cho biết từ tháng 1-2009 đến tháng 2-2012, trong quá trình phẫu thuật, BS Lê Thanh Hải - Trưởng Đơn bị mắt đã “tiết kiệm” được 60 lọ chất nhầy (Duovisc), tỉ lệ tiết kiệm 15%, tổng giá trị hơn 35 triệu đồng nhưng không báo cáo với BV mà tự ý đem đi sử dụng (ban đầu BV Nguyễn Tri Phương xác định BS Lê Thanh Hải làm thất thoát 815 hộp chất nhầy, tổng giá trị nộp lại là trên 500 triệu đồng, BS Hải cũng đã nộp lại tiền cho BV).

Lý giải về việc “tiết kiệm” chất nhầy, BS Lê Thanh Hải cho biết vào năm 2009 BV chưa có máy để phẫu thuật phaco mà phối hợp với nhà sản xuất để đặt máy. Đối với chất nhầy, nhà sản xuất đóng gói đủ để sử dụng cho một người. Ban đầu do phẫu thuật chưa thành thạo nên thường sử dụng không đủ. Sau khi tay nghề phẫu thuật thành thạo, lượng chất nhầy nhiều hơn nên có dư. Mỗi ngày phẫu thuật 5-6 bệnh nhân thì không dư nhưng nếu 9-10 ca trở lên thì dư một hộp. Từ tháng 1-2009 đến tháng 2-2012, số lượng chất nhầy dư tối đa khoảng 40-60 lọ?

Thu hồi tiền, xử lý hành chính là xong?

Sau khi phát hiện sự việc, BV Nguyễn Tri Phương cách chức BS Tạ Quang Luyện, Trưởng khoa CĐHA và kỹ thuật viên Nguyễn Hiền Chánh. Hiện BV đã có quyết định điều động ông Chánh về phòng Điều dưỡng làm kỹ thuật viên. BS Tạ Quang Luyện nhận công tác tại phòng Kế hoạch - Tổng hợp. BS Lê Thanh Hải, Trưởng Đơn vị mắt, bị xử lý kỷ luật với hình thức cảnh cáo. Cả ba người đã trả lại số tiền trên.

Hiện BV Nguyễn Tri Phương cũng đã nộp vào tài khoản tạm giữ của Thanh tra TP tổng số tiền hơn 692 triệu đồng theo quyết định thu hồi của Thanh tra TP.

Theo Thanh tra TP, để xảy ra sai phạm trên thì trách nhiệm thuộc về giám đốc BV Nguyễn Tri Phương trong việc quản lý viên chức của mình, ngoài trách nhiệm chính thuộc về ba người này.

“Xét tính chất, mức độ vi phạm của các BS Tạ Quang Luyện, Lê Thanh Hải và kỹ thuật viên Nguyễn Hiền Chánh như kết luận thanh tra để có hình thức xử lý kỷ luật theo đúng quy định của pháp luật” - kết luận của Thanh tra TP kiến nghị UBND TP chỉ đạo Sở Y tế xử lý.

“Đẩy” bệnh nhân cấp cứu đi mổ dịch vụ

Năm 2011-2012, BV Nguyễn Tri Phương triển khai 21 hoạt động dịch vụ. BV triển khai dịch vụ cả trong giờ hành chính, các bác sĩ vừa hưởng lương từ ngân sách vừa hưởng công từ hoạt động dịch vụ. Theo đó, tỉ lệ phẫu thuật, thủ thuật dịch vụ năm 2011 là hơn 8.300 ca trong hơn 15.400 ca (gần 54%); năm 2012 là hơn 9.600 ca trong hơn 20.000 ca (trên 47%). Một số bệnh nhân thuộc diện cấp cứu như viêm ruột thừa, viêm ruột thừa cấp, viêm ruột thừa vỡ, u nang buồng trứng vỡ… nhưng vẫn đưa vào phẫu thuật dịch vụ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Duy Tính (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN