Hà Nội, TPHCM sốt xuất huyết tăng: Nhiều trường hợp nguy kịch

Số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn TPHCM tuần qua đang có xu hướng tăng nhanh. Các bệnh viện trên địa bàn thành phố hiện điều trị hơn 220 trường hợp mắc SXH, trong đó có nhiều ca diễn tiến nặng. Ngành y tế kêu gọi người dân chủ động thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng, diệt muỗi, tránh nguy cơ nhiễm bệnh.

Nhiều ca bệnh nặng

Sau 3 ngày sốt cao liên tục, bé trai N.C.Đ (2 tuổi, ngụ tại Bình Thuận) có biểu hiện đau bụng, ói, tay chân lạnh được chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố (TPHCM) cấp cứu với chẩn đoán sốc SXH nặng. Theo BS Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng TPHCM, các kết quả xét nghiệm chẩn đoán ghi nhận, bệnh nhi bị tổn thương gan rất nặng, bên cạnh đó trẻ bị tụt huyết áp, suy hô hấp.

Bệnh nhi SXH nguy kịch được điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố Ảnh: BVCC

Bệnh nhi SXH nguy kịch được điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố Ảnh: BVCC

Bác sĩ đã cho bệnh nhi thở máy, điều trị chống sốc tích cực. Tuy nhiên, sau khi nhập viện, bệnh diễn tiến nặng khiến trẻ rơi vào tình trạng rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hoá, xuất hiện hội chứng suy đa cơ quan (tổn thương gan, suy gan, suy thận, tổn thương phổi) khiến trẻ rơi vào hôn mê, nguy cơ tử vong cao. Sau khi hội chẩn, bệnh viện đã tiến hành lọc máu liên tục, điều trị nội khoa liên tục. Sau 3 tuần được điều trị tích cực, hiện bệnh nhi đã qua được cơn nguy kịch.

Thời tiết mưa nhiều tại khu vực Nam bộ thời gian qua đã tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh SXH phát triển. Ngày 21/8, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết, trong tuần qua, toàn thành phố ghi nhận 350 ca mắc bệnh SXH (tăng 19,1% so với trung bình 4 tuần trước). Tính từ đầu năm 2023 đến ngày 19/8, tại TPHCM đã ghi nhận tổng cộng 10.847 ca mắc SXH. Hiện nay, điểm nóng của loại bệnh truyền nhiễm này xảy ra tại Quận 1, huyện Bình Chánh, huyện Nhà Bè.

Ghi nhận đến ngày 21/8, tại hệ thống các bệnh viện trên địa bàn thành phố có 224 bệnh nhân mắc SXH đang điều trị, trong đó có 111 ca là người lớn (có 3 ca phụ nữ mang thai), 113 ca trẻ em. Trong số bệnh nhân mắc SXH, có 141 trường hợp có địa chỉ tại TPHCM, số còn lại được chuyển đến từ các tỉnh thành lân cận.

Qua phân loại bệnh tại các bệnh viện cho thấy, có 19 trường hợp mắc SXH diễn tiến nặng. Hiện có 7 ca điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TPHCM, 5 ca điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố, 1 ca điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, Bệnh viện Nhi Đồng 1 đang điều trị 4 ca, 2 trường hợp còn lại điều trị tại bệnh viện tuyến quận huyện. Đặc biệt, có 5 ca đang thở máy xâm lấn, đều ở tỉnh chuyển lên và đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố.

Những biểu hiện nguy hiểm khi mắc SXH

Theo BS. Phan Vĩnh Thọ, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TPHCM, SXH là bệnh lý nhiễm trùng do vi rút Dengue gây ra, lây truyền từ người bệnh sang người lành qua vật chủ trung gian là muỗi vằn. Đây là một trong 10 mối đe dọa nguy hiểm nhất đối với sức khỏe của người dân trên toàn cầu. Tại Việt Nam, SXH xảy ra quanh năm có xu hướng tăng mạnh và thành dịch trong mùa mưa.

Theo BS. Thọ, SXH thường khởi phát với những biểu hiện sốt cao đột ngột, sốt kéo dài từ 3 đến 7 ngày kèm theo đau nhức toàn thân, đau đầu, đau cơ khớp, chán ăn, nôn ói, đau bụng, xuất huyết dưới da, chảy máu mũi, xuất huyết âm đạo (ở nữ giới). Khi có biểu hiện nghi ngờ, người dân nên đến bệnh viện để được khám theo dõi, điều trị phù hợp.

“Những trường hợp diễn biến nặng thường xảy ra vào cuối ngày thứ 3 đến ngày thứ 6 kể từ khi SXH khởi phát. Người bệnh thường bị đau vùng bụng trên rốn bên phải (đau vùng gan), chảy máu mũi, ói ra máu, li bì hoặc vật vã, tay chân lạnh do sốc gây ra những biến chứng đặc biệt nguy hiểm trên tim mạch, gan, thận, não hoặc xuất huyết tiêu hóa. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh nhân có nguy cơ tử vong” - BS Thọ nói.

BS. Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc HCDC cho biết, theo quy luật hằng năm, bệnh SXH sẽ tăng từ cuối tháng 6 đạt đỉnh dịch vào đầu tháng 10. Năm nay, dịch SXH đang bắt đầu có xu hướng gia tăng. SXH hiện chưa có vắc xin phòng bệnh, tuy nhiên giải pháp đơn giản và hiệu quả nhất cộng đồng có thể chủ động thực hiện là diệt lăng quăng, diệt muỗi, không để muỗi đốt.

Hà Nội tiếp tục là điểm “nóng” sốt xuất huyết

Ngày 21/8, tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho hay, trong tuần qua (từ ngày 11 đến 18/8), trên địa bàn thành phố ghi nhận 996 ca mắc sốt xuất huyết tại 30 quận, huyện, thị xã (tăng 234 ca so với tuần trước đó). Cộng dồn từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội đã có 4.508 ca mắc, trong khi cùng kì năm 2022 chỉ có 1.270 ca. Tuần qua, có thêm 71 ổ dịch tại 20 quận, huyện, thị xã; trong đó dẫn đầu là Hoàng Mai với 13 ổ dịch. Từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội có 326 ổ dịch sốt xuất huyết, hiện còn 129 ổ đang hoạt động.

Theo đánh giá của CDC Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết ở Hà Nội tiếp tục tăng nhanh.

Nguồn: [Link nguồn]

Hà Nội thêm 762 ca sốt xuất huyết, 59 ổ dịch chỉ trong một tuần

Đến nay, Hà Nội đã có 3.512 ca mắc sốt xuất huyết (tăng gấp gần 5 lần so với cùng kỳ năm 2022).

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vân Sơn ([Tên nguồn])
Dịch sốt xuất huyết Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN