Hà Nội: Phục vụ bệnh nhân dựa vào... bề ngoài
“Chưa bao giờ những vụ việc liên quan đến y đức lại khiến cho dư luận phải lên tiếng nhiều như trong 2 năm 2011 - 2012”, BS Tô Minh Hương, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội nói.
Y đức xuống cấp đến đâu?
Trong bài tham luận góp ý xây dựng hệ thống quy tắc ứng xử nhằm xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh, BS Tô Minh Hương đã không khỏi trăn trở trước thực trạng y đức một cách trầm trọng như hiện nay: “Không biết có phải do sự phát triển quá mạnh của truyền thông, hay bởi trình độ tri thức của người dân đã nâng cao hay do sự tức nước vỡ bờ của người dân trước thái độ ứng xử quá kém cỏi của rất nhiều nhân viên y tế bao lâu nay mà số vụ xung đột giữa bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và hàng loạt các vụ khiếu kiện thầy thuốc tăng lên một cách đáng kể”.
Cụ thế, đã có hàng loạt các bác sĩ bị người nhà bệnh nhân tấn công ngay tại nơi làm việc, như vụ việc nhân viên cấp cứu bị chửi mắng, đạp vào bụng đến ngất xỉu ngay tại Bệnh viện Bạch Mai diễn ra vào hồi tháng 3/2011. Hay vụ y tá của bệnh viện Việt Tiệp Hải Phòng bị người nhà bệnh nhân tát túi bụi vào mặt... và hàng loạt các màn chửi bới, đuổi đánh hăm dọa khác, thậm chí đến tận nhà bác sĩ để uy hiếp đập phá như vụ việc xảy ra tại Bến Tre.
Theo BS Tô Minh Hương, để xảy ra những sự vụ như trên, một phần không nhỏ là do y đức xuống cấp. Y đức tuy không phải là những hành động to tát, lớn lao, vĩ đại nó đơn giản chỉ đến từ những điều giản dị trong lời nói, hành vi của người thầy thuốc.
Nhiều bác sĩ còn nhìn vào vẻ bề ngoài của bệnh nhân để khám
Ấy vậy nhưng, một bộ phận y bác sĩ lại không làm được điều đó. Họ đối xử và phục vụ bệnh nhân cũng như thân nhân người bệnh nhiều khi không dựa vào tình trạng bệnh, không dựa vào sự nguy cấp đến tính mạng của người bệnh mà dựa vào vẻ bề ngoài của người bệnh - một bộ quần áo đắt tiền, hay đơn giản cũ kỹ; một gương mặt son phấn hay khắc khổ, nghèo khó; mùi nước hoa thơm lừng hay mùi mồ hôi lam lũ...
Lại có những bác sĩ vì lợi ích của bản thân mà dối trá trong chuyên môn, họ có thể chỉ định đẻ thường sang đẻ mổ một cách vô lý. Thậm chí có những bệnh nhân có đầy đủ dấu hiệu lâm sàng để chẩn đoán bệnh không thuộc chuyên khoa của mình nhưng vì lợi nhuận mà nhiều y bác sĩ vẫn giữ bệnh nhân để điều trị cho đến khi bệnh chuyển nặng mới... buông tha.
Đấy là còn chưa kể đến chuyện, “tại các bệnh viện, cơ sở y tế, các y bác sĩ thường rất kiệm lời, thậm chí là chả thèm nhìn bệnh nhân. Khi bệnh nhân có muốn hỏi thêm về bệnh tình của mình, vị bác sĩ nếu không gắt gỏng, nhấm nhẳng thì cũng chỉ vài lời theo kiểu “cứ theo đơn thuốc mà dùng”... chứ đừng mơ đến chuyện bệnh nhân được bác sĩ an ủi, sẻ chia, thông cảm hay động viên”, BS Tô Minh Hương nói.
Vì đâu nên nỗi?
Sẽ là thiếu sót nếu như chỉ phê phán cách hành xử của các y bác sĩ mà quên mất những cống hiến của họ.
TS Nguyễn Việt Nga (Bệnh viện Xanh Pôn) cho rằng, phần lớn các bác sĩ là những người có tâm, có tài, có trách nhiệm. Những phản ứng thái quá chỉ xuất phát trong điều kiện bệnh nhân quá đông trong khi cơ sở vật chất chưa đáp ứng nhu cầu.
Ngoài ra, do áp lực công việc cộng với cường độ làm việc quá cao cũng dễ dẫn đến việc y bác sĩ bị mệt mỏi và khó giữ được thái độ ôn hòa.
Theo ước tính của TS Nguyễn Việt Nga, trung bình một ngày, 1 bác sĩ khám từ 30 đến 50 bệnh nhân thậm chí là 100 bệnh nhân (chuyện này xảy ra khá thường xuyên ở các bệnh viện lớn). Tuy nhiên, nói gì thì nói, những quan ngại về cách hành xử của một bộ phận đội ngũ y bác sĩ hiện nay không phải là không có cái lý của nó.
Bởi chắc hẳn những người làm trong ngành y đều ít nhiều nghe đến câu nói vui mà có phần chua chát của một vị giáo sư rằng, “Mỗi y bác sĩ hãy tự một lần làm bệnh nhân đi, khám bệnh hay nằm trên bàn mổ đi - khi đó chúng ta mới có thể hiểu được tâm trạng và suy nghĩ của bệnh nhân mà chúng ta đối xử”.
Theo BS Tô Minh Hương, mỗi y bác sĩ cần phải được giáo dục lòng thương người, tính nhân bản ngay từ khi tuổi còn thơ và trên ghế giảng đường y khoa.
Mặt khác, việc làm gương của các bậc đàn anh, bậc thầy cũng là một yếu tố quan trọng giúp giảm thiểu tiêu cực trong hành nghề.
Và để đảm bảo hành lang pháp lý, cũng như khuôn khổ hành nghề có đạo đức, chúng ta cũng cần có những quy tắc rõ ràng, việc gì được làm, việc gì cấm trong khi phục vụ người bệnh, trên cơ sở lấy bệnh nhân làm trung tâm.