Hà Nội: Cháu bé 2 tuổi bị sùi mào gà do nong tách bao quy đầu

Câu chuyện trẻ bị sùi mào gà nghi ngờ do nong tách bao quy đầu ở Hưng Yên vẫn chưa nguôi ngoai thì gần đây, các bác sĩ ở Bệnh viện Đại học Y Hà Nội lại tiếp nhận thêm ca cháu bé 2 tuổi cũng bị sùi mào gà sau nong tách bao quy đầu.

Nghi ngờ do nong tách bao quy đầu 

Theo các bác sĩ, cháu bé là N.A.T hơn 2 tuổi, Hà Nội được bố mẹ cháu bé đưa đi khám ở một phòng khám tư sau đó được giới thiệu vào Bệnh viện Đại học Y Hà Nội để khám.

Bố cháu bé kể thấy con mỗi lần đi tiểu hay khóc ré lên, dương vật phồng lên. Lo sợ con bị làm sao nên bố mẹ cháu đưa con đi khám. Bác sĩ khám cho biết bị hẹp bao quy đầu, có nhiều cặn bẩn và yêu cầu phải nong tách bao quy đầu và làm sạch cho bé tránh hậu hoạ về sau.

Sau khi nong tách bao quy đầu, bố mẹ cháu bé về nhà chăm sóc con rất kỹ nhưng một vài tháng xuất hiện các nụ sùi ở đầu dương vật và miệng lỗ tiểu nên đưa con đi kiểm tra tại phòng khám tai mũi họng – da liễu gần nhà do cháu có cả viêm họng kèm theo. Vì lo lắng nên bố bệnh nhân mới kể cho bác sĩ khám bệnh về quá trình bị bệnh trên.

Qua khám lâm sàng bác sĩ Thọ nghi ngờ sùi mào gà và hội chẩn với đồng nghiệp tại Bệnh viện ĐHY Hà Nội. Bác sĩ đã tư vấn cho gia đình cháu bé và tiến hành làm phẫu thuật để cắt sùi mào gà ở bao quy đầu.

Bác sĩ Nguyễn Đình Liên – Khoa Ngoại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, khi phẫu thuật cho cháu bé rất khó. Dù chỉ là cắt sùi mào gà nhưng đây là ca mổ phức tạp, nhất là thể sùi mào gà mọc ở quy đầu và ăn vào miệng sáo niệu đạo. Nếu không xử lý triệt để thì nguy cơ tái phát và hẹp niệu đạo rất cao. Đặc biệt, sùi mào gà cũng có thể là nguyên nhân gây ung thư dương vật nếu bệnh không được điều trị kịp thời.

Hiện cháu bé đã tạm ổn định nhưng cần theo dõi sát sau phẫu thuật và điều trị hỗ trợ bằng thuốc để tránh tái phát.

Qua đây bác sĩ Liên cũng khuyến cáo nếu bệnh nhân không nên tiến hành cắt bao quy đầu hay cắt u sùi mào gà tại các phòng khám không đảm bảo chất lượng, đặc biệt là không nghe theo các quảng cáo “cắt sùi mào gà bằng Laser ít xâm hại” vì năng lượng Laser không có tác dụng nhiệt cao để diệt vi rút tại các vùng tranh tối tranh sáng (ranh giới lành và còn vi rút).

Hà Nội: Cháu bé 2 tuổi bị sùi mào gà do nong tách bao quy đầu - 1

Hình ảnh sùi mào gà của bệnh nhi 2 tuổi

Bệnh dễ lây nhất là ở trẻ em

Sùi mào gà (Genetal Warts) là một trong những bệnh lây truyền qua đường tình dục hay gặp ở nước ta cũng như nhiều nước trên thế giới. Bệnh do vi rút HPV (Human Papaloma Virus – hay còn gọi là virut gây u nhú ở người) gây nên. Bệnh lây chủ yếu do quan hệ tình dục không an toàn. Tuy nhiên, vi rút này cũng có thể lây qua một số đường tiếp xúc gián tiếp không qua quan hệ tình dục.

Tổn thương cơ bản của bệnh là các sần sùi nhỏ li ti (trông như mào của con gà) có màu hồng nhạt, khu trú ở bộ phận sinh dục. Nhưng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, các tổn thương phát triển nhanh, lan ra xung quanh tạo thành những mảng, khối lớn.

Căn nguyên của bệnh sùi mào gà là vi rút HPV. Đây là loại vi rút có ADN và chỉ khu trú ở da và niêm mạc. Cho tới nay người ta đã xác định được hơn 170 type vi rút HPV khác nhau, trong đó có khoảng 40 type gây bệnh ở bộ phận sinh dục. Các type vi rút khác nhau sẽ gây bệnh ở các vùng da, niêm mạc khác nhau. Ví dụ HPV type 1,4,5,8,41,60,63…gây bệnh hạt cơm ở da, gan bàn tay, bàn chân.

HPV type 6,11,13,16,18,55,66…gây bệnh ở niêm mạc. Đặc biệt type 6, 11 gây bệnh ở bộ phận sinh dục, đây là những type ít có nguy cơ gây ung thư. Tuy nhiên, type 16,18 có nguy cơ cao gây ung thư.

Theo bác sĩ Liên vi rút HPV rất dễ lây. Đường lây dễ nhất là qua tiếp xúc da với da, da với niêm mạc, niêm mạc với niêm mạc.

Thông thường bệnh lây qua đường quan hệ tình dục không an toàn với người bị bệnh. Nhưng sùi mào gà vẫn còn các đường lây khác không qua quan hệ tình dục như sử dụng chung dụng cụ, đồ dùng cá nhân của người có HPV, lây qua đường tự tiêm truyền (một người có virut ở tay có thể lây lan sang các vùng khác trong cơ thể), lây qua can thiệp y tế, dụng cụ y tế không được tiệt trùng, lây qua tiếp xúc (qua hôn, chân tay có nhiễm HPV), lây qua chăm sóc bệnh nhân có thể người chăm sóc lây cho bệnh nhân hoặc ngược lại nếu một trong 2 người bị nhiễm HPV.

Với trẻ nhỏ, sùi mào gà có thể lấy qua đường sinh đẻ. Khi người mẹ bị nhiễm HPV trong thời gian mang thai không được điều trị, lúc đẻ có thể lây cho con. Việc chăm sóc hàng ngày: người chăm sóc có HPV nên có thể lây cho trẻ.

Đặc biệt, qua các trường hợp trẻ nhỏ bị sùi mào gà vừa qua, bác sĩ Liên khuyến cáo việc vệ sinh dụng cụ y tế ở một số cơ sở y tế tư nhân nhỏ lẻ rất đáng báo động. Với trẻ nhỏ, nguy cơ lây qua các thủ thuật y tế nếu các dụng cụ không được tiệt trùng. Đặc biệt, trẻ em do sức đề khám và miễn dịch yếu nên càng dễ bị bệnh nếu bị lây nhiễm HPV.

Thạc sĩ Liên khuyến cáo với những ông bố, bà mẹ có con bị chit hẹp bao quy đầu cần đưa đến các cơ sở y tế uy tín để được tư vấn nếu thực sự phải nong chit hẹp bao quy đầu thì bác sĩ sẽ thực hiện và hướng dẫn cách tiệt trùng, chăm sóc. Còn có những trường hợp bị hẹp bao quy đầu sinh lý thì không cần phải nong tách bao quy đầu.

Khởi tố vụ hàng chục trẻ em bị sùi mào gà ở Hưng Yên

Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án hình sự để điều tra vụ việc hàng loạt trẻ em bị sùi mào gà ở Hưng Yên.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Khánh Ngọc (Infonet)
Hàng loạt trẻ bị sùi mào gà sau khi cắt bao quy đầu Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN