Giới trẻ Nhật Bản chán làm tình

Chuyện gì xảy ra với Nhật Bản khi giới trẻ đã chán quan hệ tình dục? Đó là hệ quả của những tác động xã hội và kinh tế… dẫn đến “hội chứng độc thân”.

Nhật từ lâu đã có sự phân biệt rạch ròi giữa tình yêu và tình dục nhưng dù Nhật nay là một trong những quốc gia châu Á hiếm hoi thoát khỏi những rào cản đạo đức tôn giáo, chuyện làm tình vẫn chẳng khá hơn: thăm dò hồi đầu năm 2013 của Hội kế hoạch hóa gia đình Nhật (JFPA) cho biết 45% thiếu nữ từ 16 - 24 tuổi “không quan tâm chuyện quan hệ xác thịt”. Hơn 1/4 thanh niên Nhật cũng cảm thấy không cần “ăn thịt người”, trong khi năm 2012 không có nhiều trẻ em chào đời, cũng là năm mà số tã dành cho người lớn khỏi… đái dầm lần đầu tiên bán được nhiều hơn so với số dành cho trẻ sơ sinh.

Giới trẻ Nhật Bản chán làm tình - 1

Nữ cố vấn tình yêu - tình dục Ai Aoyama với một nam thân chủ chỉ thích nựng chó

Theo Ai Aoyama, nữ cố vấn về sex và quan hệ nam-nữ ở Tokyo, thế hệ U-40 Nhật không muốn lập quan hệ tình cảm, hàng triệu người không thích hẹn hò làm quen và số người chán làm tình ngày càng tăng. Aoyama giải thích: thế hệ U-40 nay không lao động cần cù như trước, trong khi xã hội có sự chuyển mình sau 20 năm kinh tế sa sút. Giới trẻ còn bị tác động bởi vụ động đất - sóng thần gây rò rỉ phóng xạ năm 2011 nên nam nữ thanh niên không còn tin tưởng vào tình yêu và hôn nhân: nam giới thiếu động lực lập sự nghiệp khi công việc không được bảo đảm ổn định còn nữ giới trở nên độc lập, giàu tham vọng hơn dù vẫn tồn tại những thái độ bảo thủ là “đàn ông là rường cột”, đàn bà chỉ cần ở nhà lo nội trợ, chăm dạy con cái”.

Nơi lao động đòi hỏi cao khiến phụ nữ khó thể thu xếp khéo việc nhà lẫn sự nghiệp, trong khi nếu cả cha mẹ không lao động thì không thể nuôi con. Xã hội Nhật cũng chưa chấp nhận chuyện “sống thử” giữa hai người khác giới chưa hoặc không muốn làm đám cưới.

Giới trẻ Nhật Bản chán làm tình - 2

Nam - nữ thanh niên Nhật ngại đụng chạm da thịt.

Khỏa thân, thu thêm “học phí”Aoyama 52 tuổi, có tên gọi mang nghĩa “tình yêu” theo tiếng Nhật. Bà kể 15 năm trước, bà tự nhận là “Nữ hoàng tình yêu” và bà vẫn quan hệ tình dục đều đặn. “Tình yêu” còn ngẫu hứng khoe vào những năm 1990, bà từng thăm CHDCND Triều Tiên và... bóp tinh hoàn của một vị tướng, nhưng không cho biết vì sao bà được mời qua đó. Ngày nay, Aoyama lo trị “hội chứng độc thân”. Bà nói các thân chủ người thì muốn có một bạn tình, người thích độc thân nhưng rất ít người muốn có một cuộc tình dài lâu và đi đến hôn nhân. Nhưng sức ép mô hình gia đình “chồng đi làm, vợ nội trợ” vẫn tồn tại, khiến các thân chủ bị rối. Họ càng lúc càng chán chuyện quan hệ tình dục, nhất là cư dân sống ở các thành phố lớn.

Vì không có người cùng chia sẻ những mục tiêu dài hạn cho cuộc đời, nhiều thanh niên ưng kiểu “tình ăn liền” tức những cuộc quan hệ tình dục ngắn hạn, hoặc “tự sướng” bằng cách xem phim khiêu dâm qua mạng, “bạn gái” ảo… Hoặc đơn giản hơn, thanh niên ra phố tìm những trò giải trí để “quên” tình yêu, tình dục.

Aoyama kể một nam thân chủ chưa quá 30 tuổi nhưng vẫn còn tân. Anh không thể nào cương dương vật nếu không xem các rô-bô nữ trong một trò game, và bà phải sử dụng các liệu pháp như yoga và thôi miên để giúp anh hiểu rõ cơ chế hoạt động của cơ thể: đôi khi bà lấy thêm “học phí” để bà khỏa thân cùng anh, không phải để làm tình, mà để bà trở thành “giáo cụ trực quan” cho anh hiểu về cơ thể phụ nữ. Aoyama nói nhiều người rất ngại đụng chạm với người khác phái: “Họ nao núng khi tôi chạm vào người họ. Đa số là nam giới, nhưng tôi bắt đầu thấy nhiều phụ nữ trở nên như thế”.

Có thể phân biệt số thân chủ của Aoyama thành những nhóm hikikomori (sống ru rú trong nhà, chẳng giao tiếp với ai) otaku (người lập dị) và parasaito shingurus (độc thân ký sinh trùng , tức những người hơn 30 tuổi vẫn chưa chịu dọn ra khỏi nhà cha mẹ họ). Trong 13 triệu người Nhật chưa lập gia đình và vẫn còn sống với cha mẹ, có khoảng 3 triệu người hơn 35 tuổi.

Gái độc thân, tình công sở

Thanh niên Nhật ưng cuộc sống độc thân hơn, nhất là phụ nữ, vì thành ngữ cổ Nhật có câu “Hôn nhân là nấm mồ của đàn bà” để chỉ những người vợ bị chồng bỏ rơi để chạy theo “bồ nhí”. Ngày nay, hôn nhân là mồ chôn” sự nghiệp khó kiếm được của phụ nữ Nhật. Eri Tomita 32 tuổi đang làm việc ở bộ phận nhân sự của một ngân hàng Pháp, nói thạo tiếng Pháp và có 2 bằng đại học. Cô tránh mọi quan hệ yêu đương để hoàn toàn tập trung cho công việc.

Cách đây 3 năm, một người bạn trai cầu hôn nhưng cô từ chối vì thấy mình yêu công việc hơn. Từ đó, cô không còn thích đề cập chuyện có người yêu. Tomita nói cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp của phụ nữ Nhật sẽ kết thúc ngay khi người ấy lấy chồng: “Sếp sẽ nghĩ bạn sẽ có bầu, mà khi bạn như thế thì bạn sẽ không thể chịu đựng được thời gian làm việc dài dằng dặc, không được có sự linh động nào. Bạn phải xin nghỉ thôi, trở thành bà nội trợ mà không có nguồn thu nhập ổn định. Đó không phải là một lựa chọn hay cho những người phụ nữ như tôi”.

Khoảng 70% phụ nữ Nhật nghỉ việc khi có con đầu lòng, và Diễn đàn kinh tế thế giới xếp Nhật là một trong những quốc gia có sự bất bình đẳng giới tính ở nơi làm việc thấp nhất thế giới. Thái độ xã hội không giúp được gì, khi những người phụ nữ lao động đã có chồng bị gọi là oniyome, tức “vợ quỷ”. Thủ tướng Nhật Shinzo Abe gần đây tuyên bố đã có nhiều kế hoạch tăng cường sự tham gia vào mảng kinh tế của phụ nữ bằng cách cải thiện điều kiện làm việc và hệ thống nhà trẻ cho phụ nữ, nhưng Tomita nói mọi sự cải thiện nên cần theo hướng để cô trở thành một người vợ có việc làm và làm một người mẹ.

Còn hiện tại, cô đang sống vui vẻ, cùng các bạn gái cũng làm việc đi ăn nhà hàng Pháp, Ý, mua “đồ hiệu” và đi nghỉ mát vô tư: “Tôi yêu sự độc lập của mình”. Đôi lúc cô có “tình một đêm” với những người đàn ông cô gặp trong quán bar, nhưng cô nói tình dục không là điều ưu tiên: “Tôi thường được nhiều ông đã có vợ cùng cơ quan gạ gẫm để tạo thành tình công sở. Họ cho rằng tôi độc thân nên khát tình”, rồi cô nhăn mặt nhún vai “Mendokusai”.

“Nói không” với sex

Chữ trên dịch thoát là “Quá rắc rối”, mà cả hai giới tính Nhật thường dùng để nói về nỗi sợ lập quan hệ tình cảm. Với họ, quan hệ này chỉ là một gánh nặng và tốn kém: phải mất nhiều tiền để mua nhà, rồi phải đáp ứng những tiêu chuẩn của chồng và nhà chồng. Niềm tin ngàn đời ở Nhật là lập gia đình là để có con. Viện Dân số và an sinh xã hội Nhật nêu 90% phụ nữ trẻ Nhật chọn lối sống độc thân vì không muốn “è cổ” lãnh cả gánh nặng. Cảm giác ấy cũng hiện hữu nơi nam giới.

Họ không thích là “rường cột”, là “chiến sĩ kinh tế” làm việc quần quật để nuôi vợ con, và họ không tính chuyện thành đạt trên cả hai đường công danh và tình ái, trong bối cảnh kinh tế suy thoái, đồng lương bấp bênh. Satoru Kishino 31 tuổi “quá rắc rối” khi được hỏi vì sao anh không quan tâm chuyện tìm bạn gái: “Tôi đâu giàu để dẫn cô ấy đi chơi và tôi không muốn lãnh trách nhiệm khiến người ta hy vọng các cuộc hẹn hò ấy sẽ dẫn tới hôn nhân”. Giới truyền thông Nhật gọi những người như Kishino là soshoku danshi (“đàn ông ăn cỏ”) ám chỉ người đàn ông không thích có bạn gái và cũng không cần giải quyết sex.

Giới trẻ Nhật Bản chán làm tình - 3

Hai cô gái trẻ này chỉ thích được đàn ông dẫn đi chơi nhưng không cho họ quan hệ tình dục.

“Hội chứng độc thân” nổi lên vài năm trước, khi có bộ phim Otomen (Đàn ông nữ tính) với nhân vật chính là một nhà vô địch võ thuật, dạng “trai ngầu” nhưng anh ta thích nướng bánh ngọt và những vật dụng màu hồng, đan áo cho bầy thú cưng. Kishino là một nhà thiết kế cho một công ty phụ tùng thời trang, không thích đan áo nhưng thích nấu ăn và tình bạn thanh khiết: “Tôi có vài cô bạn xinh nhưng tôi học sống không sex”.

Đối với chính phủ Nhật, “hội chứng độc thân” là một phần thảm họa quốc gia, khi Nhật là một trong những nước có tỷ lệ sinh đẻ thấp nhất thế giới. Nhật hiện có số dân 126 triệu người nhưng dự báo đến năm 2060 sẽ giảm đi 1/3 dân số. Thế hệ 20 tuổi đáng lo nhất: đa số còn quá trẻ để có thể lập kế hoạch cho tương lai. Theo JFPA, các cô gái 20 tuổi hiện có nhiều nguy cơ không lấy chồng, và 40% trong số này sẽ mãi mãi không có con. Kunio Kitamura, lãnh đạo JFPA, đã phải cảnh báo cuộc khủng hoảng dân số này nghiêm trọng đến độ “dân tộc Nhật có thể bị tuyệt chủng”.

Số người độc thân leo đến mức kỷ lục: thăm dò năm 2011 cho biết 61% đàn ông chưa vợ và 49% phụ nữ chưa chồng trong độ tuổi 18-34 không hề có mối quan hệ yêu đương nào, tăng 10% so với 5 năm trước đó. Thăm dò khác nói 1/3 số thanh niên dưới 30 tuổi không hề hẹn hò với người khác phái (không có số liệu về những mối quan hệ đồng giới)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trinh Nhi (Dân Việt/Dòng Đời/Observer)
Sức khỏe sinh sản Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN