Gặp bác sĩ - tiến sĩ bỏ phố lên rừng

Chồng làm giám đốc một cơ quan nghiên cứu, vợ là bác sĩ nhi khoa nhiều năm công tác ở Hà Nội, bỗng nhiên bỏ phố lên núi rừng Yên Thế làm... nông dân.

Gặp bác sĩ - tiến sĩ bỏ phố lên rừng - 1

BS-TS Trần Tuấn (trái) và tác giả bài viết ở vườn đồi của ông tại Yên Thế. Ảnh: CTV

Thông tin vợ chồng BS-TS Trần Tuấn, người tôi có ấn tượng sâu sắc qua bài phản biện khoa học rất mạnh mẽ và đầy tâm huyết của ông về sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh trình bày tại hội thảo của các đại biểu Quốc hội phía Nam cách đây sáu năm, đã lên ở hẳn trên Yên Thế khiến tôi quan tâm đặc biệt.

Thực tập sinh nông dân

Không thiếu người dân TP có trang trại ở ngoại ô. Nhưng với vợ chồng TS Tuấn thì câu chuyện lại khác. Ông bỏ hẳn Hà Nội về nơi cách trên trăm cây số, sống chính ở đó.

Vợ ông là bác sĩ nhi khoa, nhiều năm làm hồi sức cấp cứu, tốt nghiệp thạc sĩ dịch tễ học lâm sàng từ ĐH Newcastle. Bà từng công tác ở tổ chức Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, giúp tổ chức Chữ thập đỏ Việt Nam thiết lập chương trình đào tạo sơ cấp cứu tại cộng đồng. Cả hai vợ chồng rời tất cả để lên Yên Thế làm vườn, thỉnh thoảng mới về Hà Nội, chắc năm không quá hai lần.

Ông Tuấn đã bước qua tuổi 50, đang độ chín về mặt khoa học. Bạn bè cùng lớp bác sĩ nội trú khóa 10 ĐH Y Hà Nội năm xưa đang ở vào các vị trí lãnh đạo hệ thống y tế đất nước. Ngành y tế đang rất cần có tiếng nói của những nhà khoa học được đào tạo bài bản cả trong nước và quốc tế, hẳn việc về “ở ẩn” của ông có điều gì khác thường?

Quyết tâm mục sở thị thôi thúc tôi từ TP.HCM ra Hà Nội và cặm cụi chạy xe máy hơn trăm cây số để tìm đến nhà ông.

Căn nhà của ông nằm trên đồi cạnh dòng sông Sỏi. Không xa là con đường sắt chạy ngang, trước chuyên phục vụ cho mục đích quân sự, bao năm nay bỏ hoang. Xung quanh núi rừng bao bọc thấp thoáng vài ngôi nhà. “Một vùng đất nghèo, không hấp dẫn các nhà đầu tư” - tôi nghĩ.

Tôi lên Yên Thế vào đúng giờ cơm trưa. Gia chủ đang tiếp đoàn cán bộ Bộ NN&PTNT. Mâm cơm có rượu chuối nhà làm, canh lá ngót, cá trắm kho lá chè, vịt luộc... Tất cả đều từ mảnh vườn rộng hơn nửa hecta, do chính ông bà nuôi trồng. TS Tuấn cho biết TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, nay là Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, cùng đoàn y tế dự phòng tỉnh Bắc Giang cũng vừa ghé thăm. Bữa ăn rộn lên với những tranh luận về thực phẩm organic, đời sống người nông dân, chăn nuôi không cám công nghiệp, cây trồng không bón phân vô cơ, không hóa chất trừ sâu… Tôi dần nhận ra một phần duyên cớ “bác sĩ lên rừng”.

Tôi mở đầu rằng liệu ông nghĩ sao khi mọi người tiếc công học tập, nghiên cứu bao năm của vợ chồng ông, giờ lên rừng núi quanh quẩn với gà vịt, cây cỏ? Ông thành thực: “Những cái học, làm trước đây chỉ để phục vụ cái bây giờ! Nghiên cứu vấn đề y tế, xã hội rất cần cái nhìn thấu hiểu đời sống nông dân. Bao năm nay, cái đáng học đầu tiên ở đất nước 70% nông dân này là hiểu cho đúng về nông dân, nghề nông, đời sống nông thôn thì đã học đâu. Bây giờ chúng tôi làm thực tập sinh nông dân!”.

Ông Tuấn kể: “Lúc đó vợ tôi đã nói thế này, anh không nên đi dự hội nghị khoa học, hội thảo... nữa bởi nếu người ta định làm thật thì chỉ nghe một lần là họ đã tiếp thu. Thay vào đó, anh về đây với mảnh vườn này, với thời gian ở đây, thực nghiệm đi, rồi anh ngồi viết sách và phân tích, hướng dẫn sức khỏe cho người dân thực hiện, trước tiên là vận động cho làng xóm làm trước. Không dùng hóa chất trừ sâu, phân bón vô cơ mà anh làm tốt cái vườn này, người dân sẽ đến tìm hiểu chứ không cần hội thảo gì cả. Người dân thấy tốt thì sẽ thay đổi”.

Bác sĩ đi tìm giải pháp cải cách nông nghiệp

BS-TS Trần Tuấn kể: Năm 2006-2007, Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD), nơi ông công tác, triển khai một nghiên cứu về tình hình ngộ độc ở trẻ em, theo đặt hàng của Bộ Y tế và UNICEF - Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc. Sau một năm nghiên cứu, ông kết luận thực trạng sử dụng hóa chất trừ sâu, phân bón vô cơ, chất kích thích... trong trồng trọt, chăn nuôi, bảo quản chế biến thực phẩm, nghiêm trọng hơn báo chí phản ánh nhiều. Thanh tra, kiểm tra của hệ thống nhà nước kiểu theo phong trào đánh trống bỏ dùi như hòn sỏi ném xuống ao bèo. Tình trạng này được ông tóm tắt một câu ngắn gọn: “Dân nghiện, đất nghiện, nước thoái hóa”. Dân nghiện vì dân biết cả! Biết thuốc trừ sâu là độc hại, cám công nghiệp khiến vật nuôi dễ bị bệnh, phân bón vô cơ làm chai đất... Đã dùng thì ngày càng phải tăng liều, tăng chi phí nhưng “không dùng thì lấy gì mà ăn?”, hỏi đâu ông cũng nhận được một câu trả lời như vậy.

Vậy là quýt làm, cam chịu. Phân bón, thuốc trừ sâu nhập càng nhiều thì bệnh viện càng ùn ùn người bệnh. “Phải phá vỡ vòng xoắn nghiện ngập này. Đấy là giảm nghèo, đấy là chăm sóc sức khỏe dự phòng, không ngồi chờ ngành nông nghiệp được” - ông nhấn mạnh.

Hết xem người dân lại đi thăm các mô hình triển khai về canh tác bền vững. Ông rút ra tất cả mô hình đã và đang triển khai như quản lý dịch hại tổng hợp - IPM hoặc mô hình rau sạch, rau hữu cơ của Trường ĐH Nông nghiệp ở Đông Anh, Thanh Trì, Từ Liêm... trước sau đều thất bại. Ông giải thích: “Một khi đã lấy mục đích kiếm lãi làm đầu, đã đưa hóa chất, phân vô cơ vào sử dụng, dù là sử dụng theo hướng dẫn thì tình trạng nghiện không thể xóa bỏ”. Phải tìm đường canh tác hoàn toàn phi hóa chất. “Không thể chống được tình trạng các bệnh như đái đường, béo phì, cao huyết áp, suy thận, ung thư, rối nhiễu tâm trí trẻ em... gia tăng hiện nay nếu không dứt khoát nói “không” với kiểu canh tác tàn phá môi trường. Chả lẽ mình là thầy thuốc, lại là người chuyên về y tế dự phòng, biết rồi mà lại thụ động chịu chết vì ngộ độc?” - ông Tuấn bộc bạch.

Thế là vợ chồng ông quyết định rời phố… đi làm nông dân. Nghe thật lạ đời nhưng đó là sự thật.

Ngồi với ông trọn một buổi giữa rừng núi mênh mông, thời gian trôi vội. Mặt trời đã lặn khuất đâu mất. Con đường về quanh co, lầy lội men theo bờ ruộng làm chiếc xe chao đảo. Nải chuối chín thơm do ông tặng lủng lẳng trước baga. Tôi trộm nghĩ ở cái rừng núi cằn cỗi này lại có vợ chồng ông bác sĩ - tiến sĩ “khùng” dám lên ở. Nhưng cũng có những người còn “khùng” hơn khi mỗi cuối tuần lại lái xe lên đây nhờ ông tư vấn chính sách y tế, nông nghiệp. Những người “khùng” như vợ chồng ông chắc có một không hai! 

“Tác hại của cách làm hiện tại trong nông nghiệp đã và đang đe dọa sự tồn tại của chính chúng ta. Đổi mới cách nhìn, tạo lại phương thức canh tác, gắn giữa nông nghiệp với y tế là một cách nhìn mới về sức khỏe và nông nghiệp - đưa hai ngành này đi tiên phong theo mục tiêu “Sức khỏe sinh thái”. Nông dân thế kỷ 21 phải là nông dân trí thức, đặt mục tiêu hàng đầu của nông nghiệp là dự phòng bệnh tật cho mình và cho cộng đồng, không chỉ làm đủ ăn, có lãi. Tôi học làm nông dân là vì lẽ đó.”

BS-TS TRẦN TUẤN

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Duy Tính (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN