Ôm bệnh do tin "bác sĩ"… Google

Sự kiện: Google

Bài thuốc “dân gian”, “gia truyền” trên mạng đều không có chứng cứ khoa học là trị được bệnh.

“Những thông tin hướng dẫn điều trị bệnh theo phương pháp dân gian được đăng tải trên các trang mạng không chính thống đều không có chứng cứ khoa học. Nếu tin và làm theo lời “phán” của những “bác sĩ” (BS) trên mạng thì nguy cơ bệnh tình thêm nặng” - BS Trần Văn Năm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM, khuyến cáo.

Tự trị bệnh theo trang web

Cách đây ba tháng, ông NVH (ở TP.HCM) phát hiện bị tiểu đường type 2 trong lần khám sức khỏe định kỳ. Đang lúc ông H. lo lắng thì có một bà gần nhà rỉ tai: “Trên mạng có giới thiệu bài thuốc trị bệnh tiểu đường type 2 bằng hạt bưởi hay lắm. Người nhà tui sau khi uống nước hạt bưởi một tháng là bệnh giảm hẳn”.

Thế là ông H. quyết định lên mạng tìm hiểu. Sau khi vô Google gõ cụm từ “trị bệnh tiểu đường type 2 bằng hạt bưởi”, ông H. thấy hơn 16.000 kết quả hiện ra. Click vào địa chỉ một trang web, ông H. nhận được thông tin: “Chất nhầy quanh vỏ hạt bưởi có nhiều công dụng quý gồm trị tiểu đường type 2, giảm béo, cầm máu, chống táo bón, kháng khuẩn…”.

Trang web cũng hướng dẫn kỹ cách pha chế: “Cho hạt bưởi vào ly (tối đa 1/3 ly), rót nước đun sôi đã để nguội bớt (khoảng 60-70 độ C), mực nước khoảng 2/3 ly. Ngâm 15 phút, dùng nĩa nhiều răng đánh liên tục khoảng 5- 6 phút rồi gạn lấy nước nhầy cho vào một ly khác. Làm tiếp rồi kiểm tra nếu hạt bưởi hết chất nhầy thì thôi. Uống 50 ml nước nhầy trước bữa ăn 10 phút, ngày ba lần. Dùng liên tục đến khi xét nghiệm đường huyết trở về bình thường thì thôi”.

“Tôi làm đúng theo hướng dẫn nói trên độ hai tháng. Đến tháng thứ ba tôi luôn cảm thấy mệt mỏi, giảm cân nhanh, vết đứt ở tay lâu lành, hay khát nước và đi tiểu nhiều, thường lo âu và cáu gắt vô cớ… Khi có hiện tượng mắt mờ, phù mắt cá chân…, tôi đến bệnh viện và thực sự hoảng hồn khi BS cho biết bệnh tiểu đường của tôi đã chuyển qua biến chứng nặng” - ông H. thở dài.

Ôm bệnh do tin "bác sĩ"… Google - 1

Chưa có chứng cứ khoa học xác định tính hiệu quả của việc châm kim vào ngón tay để trị đột quỵ. Ảnh: Trần Ngọc

Chữa “yếu” thành… “liệt”

Do quan hệ làm ăn nên ông TMP (ở Long An) thường thuốc lá, bia bọt với các đối tác. Cách đây vài tháng, ông P. cảm thấy “bản lĩnh đàn ông” giảm hẳn. Nên khi nghe bạn bè trong lúc “trà dư tửu hậu” kháo nhau có bài thuốc chữa yếu sinh lý bằng gừng tươi và mật ong rất hiệu nghiệm, ông P. vô Google tìm hiểu.

Sau khi gõ cụm từ “chữa yếu sinh lý bằng gừng tươi và mật ong”, ông P. tiếp tục click vào một trang web thì có thông tin sau: “Các hợp chất trong gừng như gingerol, shogaol và zingiberene có tác dụng kích thích mạch máu, tăng cường sự tuần hoàn máu… Do đó gừng được sử dụng như một thực phẩm kích thích tình dục, chữa bệnh yếu sinh lý cho nam giới”.

Trang web hướng dẫn “dùng gừng tươi rửa sạch, cạo vỏ, ép lấy chừng hai muỗng canh nước cốt. Sau đó trộn với lượng mật ong vừa đủ để tạo thành hỗn hợp nước gừng mật ong. Nam giới mắc chứng yếu sinh lý, bất lực nên uống mỗi ngày ba lần. Dùng thường xuyên sẽ có hiệu quả cao”.

“Đều đặn mỗi ngày ba lần, vợ tôi “bào chế” gừng tươi mật ong cho tôi uống. Cả hai vợ chồng thầm mong “bài thuốc” sẽ mang lại tác dụng. Dè đâu tôi luôn rơi vào tình trạng “thằng lớn bảo “thằng nhỏ” không nghe”. Đến bệnh viện, BS cho biết bệnh của tôi đã quá nặng, đáng lý phải đến điều trị sớm hơn thì còn hy vọng…” - ông P. tâm sự.

Chữa đột quỵ bằng… kim may

Mới đây, trao đổi với chúng tôi, bà LTKX (Đồng Nai) cho biết hiện nhiều hộ gia đình chung quanh nơi bà ở truyền nhau một phương thức điều trị đột quỵ bằng kim may. Phương pháp này còn được đăng tải trên mạng để nhiều người cùng biết. Để kiểm chứng, chúng tôi vào Google và gõ cụm từ “chữa đột quỵ bằng kim may”. Quả thật có 560.000 kết quả hiện ra.

Một trang web hướng dẫn như sau: “Khi có người bị đột quỵ không được di chuyển. Hãy giúp bệnh nhân ngồi tại chỗ rồi chích cho máu chảy ra. Nếu có sẵn kim tiêm thì tốt, còn không có thể dùng kim may. Thực hiện các bước sau đây: Hơ kim trên lửa để khử trùng rồi dùng nó để chích 10 đầu ngón tay. Nếu máu không chảy ra được, hãy dùng ngón tay của bạn để nặn ra. Khi tất cả 10 đầu ngón tay đều đã có máu chảy ra, hãy chờ vài phút, nạn nhân sẽ hồi tỉnh. Nếu nạn nhân bị méo miệng, hãy kéo hai tai cho đến khi đỏ lên. Chờ cho đến khi nạn nhân trở lại trạng thái bình thường thì mới chở nạn nhân vào bệnh viện”.

Không có chứng cứ khoa học

Trao đổi với BS Trần Văn Năm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM, ông khẳng định tất cả bài thuốc kể trên đều không có chứng cứ khoa học trị được bệnh.

Đối với “bài thuốc” chữa bệnh tiểu đường type 2 bằng hạt bưởi, BS Năm giải thích: “Bệnh tiểu đường cần phải gặp BS chuyên khoa điều trị sớm để tránh biến chứng. Liên tục uống nước nhầy hạt bưởi kết quả chẳng biết ra sao nhưng kéo dài thời gian khiến bệnh dễ trở nặng, gây nhiều biến chứng”.

Riêng “bài thuốc” trị yếu sinh lý, BS Năm cho biết căn bệnh này có nhiều nguyên nhân gây ra như cao huyết áp, tiểu đường, bệnh mạn tính gây suy nhược và suy mòn cơ thể… “Tùy từng nguyên nhân gây bệnh mà có cách điều trị yếu sinh lý khác nhau. Không thể dùng chung một bài thuốc. Trong khi gừng chỉ có tác dụng kháng viêm, kháng khuẩn, giảm đau, kích thích tiêu hóa… Mật ong có tác dụng cung cấp bổ dưỡng, kháng viêm… Khoa học chưa chứng minh gừng tươi trộn mật ong điều trị được yếu sinh lý. Bệnh nhân quá tin vào “bài thuốc” này sẽ khiến việc điều trị về sau của các BS chuyên khoa gặp khó khăn” - BS Năm khuyến cáo.

Nói tới phương pháp chích ngón tay để chữa đột quỵ, BS Năm lưu ý: “Phương pháp nói trên kéo dài thời gian để bệnh nhân ở nhà, gây nguy hiểm tính mạng. Trong điều trị đột quỵ, thời gian tính bằng phút, bằng giây. Do vậy đưa bệnh nhân đến bệnh viện càng sớm thì khả năng cứu sống bệnh nhân càng cao, ít để lại biến chứng”.

Hầu hết người bệnh mang tâm lý “phước chủ may thầy”, nghe có bài thuốc hoặc phương pháp lạ là tìm kiếm và sử dụng. Do là bài thuốc không chính thống nên không hiệu quả, cuối cùng cũng phải gặp BS chuyên khoa để điều trị nhưng không ít trường hợp đã quá trễ, ân hận suốt đời...

BS. Trần Văn Nam, nguyên Phó Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trần Ngọc (Pháp luật thành phố)
Google Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN