Gặp bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai đi vào tâm dịch Đà Nẵng, Hải Dương, Gia Lai

Đó là TS.BS Đỗ Ngọc Sơn - Phó trưởng Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai.

Tối 2/2, sau khi kết thúc cuộc họp giao ban trực tuyến giữa Bộ Y tế với các địa phương có dịch COVID-19, TS.BS Đỗ Ngọc Sơn - Phó trưởng Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai, vội vã rời khỏi phòng giao ban của Bệnh viện Dã chiến số 2 Hải Dương, trở về nhà khách thu dọn hành lý, anh nhận được lệnh lên đường đến ngay Gia Lai.

TS.BS Đỗ Ngọc Sơn - Phó trưởng Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai (bên trái).

TS.BS Đỗ Ngọc Sơn - Phó trưởng Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai (bên trái).

“Tôi nhận được tin nhắn chỉ thị của lãnh đạo lên đường đi Gia Lai, khi cuộc họp giao ban trực tuyến của Bộ Y tế với các địa phương có dịch đang diễn ra. Theo dõi trực tiếp cuộc họp, tôi ý thức được rằng, Gia Lai đang rất cần sự chi viện, là người thầy thuốc mình phải luôn sẵn sàng đến bất cứ nơi đâu khi Tổ quốc cần”, BS Sơn nói.

Theo BS Sơn, đầu tiên phải nói đến chính là sự quyết tâm của những y bác sĩ ở Bệnh viện Bạch Mai, trong đó phải kể đến GS.TS Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc bệnh viện, người vô cùng quan tâm và sẵn sàng giúp đỡ cho những bệnh viện tuyến dưới. Nhờ sự quan tâm và giúp đỡ ấy đã góp phần vào chiến thắng của chúng ta trước đại dịch COVID-19 tại Đà Nẵng.

Bản thân Bệnh viện Bạch Mai cũng đã trải qua việc bị phong tỏa và cách ly, bởi vậy chúng tôi có rất nhiều kinh nghiệm trong công tác phòng chống dịch COVID-19, tôi tin tưởng rằng với sự nhiệt huyết và kinh nghiệm đã có chúng tôi có thể đóng góp phần nào công sức nhỏ bé của mình trong việc thiết lập và xây dựng những bệnh viện dã chiến".

Là người trực tiếp giám sát thiết lập toàn bộ hệ thống Bệnh viện Dã chiến số 2 của Hải Dương trong đợt dịch COVID-19 này, nhìn lại quá trình chống dịch từ Đà Nẵng cho tới Hải Dương, BS Sơn cho biết, khi dịch COVID-19 xảy ra, chắc chắn chúng ta cần phải thiết lập những cơ sở chuyên biệt để phục vụ công tác chống dịch, đó có thể là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW, có thể là một bệnh viện điều trị các bệnh nhiệt đới để điều trị các bệnh nhiễm trùng và cũng có thể là bệnh viện dã chiến để điều trị COVID-19. Việc thiết lập các cơ sở điều trị chuyên biệt là đặc điểm chung cho công tác phòng chống các loại bệnh truyền nhiễm.

Nhờ vào các bệnh viện dã chiến, chúng ta có thể triển khai công tác điều trị cho một nhóm bệnh nhân, khoanh vùng và thu dung những bệnh nhân có nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng, qua đó hạn chế khả năng lây lan của dịch bệnh.

Bệnh viện dã chiến ở Hải Dương và bệnh viện dã chiến ở Đà Nẵng về mặt bản chất, đều là nơi đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho một nhóm bệnh nhân mắc phải các bệnh truyền nhiễm mà cụ thể ở đây là COVID-19, trong những tình huống khẩn cấp.

Khi số lượng bệnh nhân tăng nhanh, các cơ sở y tế trở nên quá tải, đặc biệt là các cơ sở y tế chuyên về bệnh truyền nhiễm, do đó, việc thiết lập các bệnh viện dã chiến là vô cùng quan trọng đối với công tác phòng chống dịch.

Tại Đà Nẵng, dịch COVID-19 bùng phát ngay tại các cơ sở y tế khiến nhiều y bác sĩ nhiễm bệnh thì việc thiết lập một bệnh viện dã chiến phục vụ công tác phòng dịch và điều trị cho các bệnh nhân là vô cùng quan trọng và cấp bách.

Đối với Hải Dương, khi chưa thể xác định chính xác số ca nhiễm trong cộng đồng, chưa xác định được nguồn lây thì bệnh viện dã chiến chính là nơi tiếp nhận số lượng lớn các trường hợp nghi nhiễm để theo dõi, điều trị và sàng lọc.

Theo BS Sơn, để một bệnh viện dã chiến hoạt động tốt thì yếu tố quan trọng nhất chính là con người. Chúng ta cần phải có một đội ngũ y, bác sĩ với trình độ chuyên môn cao, cùng với đó là phải thiết lập được hệ thống điều hành tốt, qua đó để các công tác điều trị, hỗ trợ ăn khớp với nhau.

Nếu như công tác điều trị, hỗ trợ không ăn khớp sẽ dẫn tới tình trạng có những thứ mà người điều trị mong muốn nhưng hệ thống lại không thể cung cấp được hoặc hệ thống quá tải không thể đáp ứng được nhu cầu điều trị.

Do đó, những bệnh viện dã chiến chỉ nên dừng lại ở việc thu dung những bệnh nhân ở mức độ nhẹ, thậm chí không cần điều trị mà chỉ cần theo dõi và cách ly bệnh nhân một cách tốt nhất. Nếu như cần phải điều trị những ca bệnh nặng thì nên chuyển họ tới các trung tâm y tế với trang thiết bị cần thiết đã được thiết lập sẵn, qua đó đảm bảo quá trình điều trị được diễn ra một cách hiệu quả nhất.

“Tôi nghĩ đây là nhiệm vụ không chỉ của riêng tôi mà là nhiệm vụ của bất cứ một công dân Việt Nam nào. Với trách nhiệm của một người thầy thuốc, chúng tôi luôn xác định định đó là nhiệm vụ của mình, chúng ta phải chia sẻ với những khó khăn mà đồng nghiệp của chúng ta đang phải đối mặt, chúng ta phải phục vụ nhân dân, hỗ trợ cho những người đồng nghiệp của mình, đó vừa là trách nhiệm cũng là nghĩa vụ của một người thầy thuốc. Chúng tôi luôn cảm thấy tự hào và vinh dự vì đã đóng góp công sức của mình trong cuộc chiến chống COVID-19.

Đối với Hải Dương, bản thân tôi có những tình cảm vô cùng đặc biệt. Hải Dương là quê hương của thầy tôi, GS. Võ Văn Đính, người thầy của nhiều thế hệ bác sĩ chuyên ngành hồi sức cấp cứu. Lần này khi tới Hải Dương, chúng tôi luôn xác định mình phải trả ơn thầy đã dạy dỗ và để tôi có được ngày hôm nay, vì vậy bản thân tôi luôn tự nhủ mình phải cố gắng hết sức để giúp đỡ cho Hải Dương. 

Đối với khu vực miển Trung, đặc biệt là Gia Lai, khu vực Tây Nguyên nơi mà hệ thống hồi sức cấp cứu vẫn còn thiếu thốn và cần nhiều sự hỗ trợ. Chắc chắn rằng, những đồng nghiệp của chúng tôi ở Tây Nguyên vô cùng khó khăn khi phải đối mặt với đại dịch COVID-19. Tôi tin rằng sự có mặt của tôi và những đồng nghiệp sẽ là một sự đông viên khích lệ vô cùng to lớn đối với những y bác sĩ ở nơi đây, qua đó tôi tin rằng chúng ta sẽ chiến thắng cuộc chiến này một lần nữa”, BS Sơn chia sẻ.

Nguồn: [Link nguồn]

Toàn tỉnh Hải Dương đang cách ly 13.426 người, Đà Nẵng sẵn sàng chi viện

Sở Y tế Hải Dương cho biết, hiện nay toàn tỉnh đang cách ly 13.426 người và đã xét nghiệm được 13.060 mẫu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Anh Văn – Diệu Thu ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN