Đồ chơi nhập lậu chứa chất độc nguy hại

Thị trường đồ chơi cho trẻ em luôn sôi động quanh năm. Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường, đồ chơi trẻ em nhập ngoại có mặt khắp ngóc ngách. Từ cổng trường, khu dân cư đến những khu phố lại tràn ngập đồ Trung Quốc. Mẫu mã đẹp, bắt mắt giá thành phải chăng, thế nhưng, chất lượng và độ an toàn của nó đối với trẻ em thì vẫn là một câu hỏi khó cho các bậc phụ huynh.

Băn khoăn nhưng không có nhiều lựa chọn

Dạo qua phố Lương Văn Can, Hàng Mã (Hà Nội), dễ dàng nhận thấy, ở đây chủ yếu bán đồ chơi xuất xứ từ Trung Quốc với đủ mọi chủng loại, mẫu mã, tính năng... đặc biệt màu sắc rất bắt mắt. Giá cả cũng rất phong phú, từ vài chục nghìn cho đến cả triệu đồng/đồ chơi. Tuy nhiên, trước những thông tin về đồ chơi Trung Quốc bày bán trên thị trường có nhiều chất độc hại, nhiều bậc phụ huynh cho biết, họ rất băn khoăn khi chọn đồ chơi cho con mình, nhưng hầu như lại không còn lựa chọn nào khác. Chị H. (Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, chị nghe nhiều đài, báo nói về chất lượng đồ chơi Trung Quốc và bản thân cũng hoài nghi vì mẫu mã, màu sắc rất đẹp, bắt mắt cũng như tính năng... nhưng giá lại phải chăng.

Vì vậy, mặc dù rất “dị ứng” với đồ chơi Trung Quốc, nhưng không còn lựa chọn nào khác, bởi đồ chơi trong nước mẫu mã cũng đẹp nhưng lại không đa dạng và quan trọng là giá khá cao so với hầu bao của chị, vì vậy, mỗi lần tìm đồ chơi cho con là phải xem xét thật kỹ và cố gắng tìm những thứ đồ có phụ đề tiếng Việt để xem hướng dẫn sử dụng. Không có điều kiện và thời gian xem kỹ hàng như chị H., chị Thủy (Thuận Thành, Bắc Ninh) đang dừng xe trước cửa hàng đồ chơi bán ở cổng trường, mua cho con  khẩu súng đạn loại vừa với giá 25.000 đồng và mua cho con gái một túi bóng bay với giá 7.000 đồng. Tôi băn khoăn hỏi chị, có xem xuất xứ của nó không? Chị tặc lưỡi, quê chỉ có thế thôi cô ạ, mua đồ đắt thì không có tiền mà ở quê thì cũng chẳng có đồ đẹp, con em thì chỉ thích thổi bóng bay, mồm ngậm bóng bay suốt ngày.

Đồ chơi nhập lậu chứa chất độc nguy hại - 1

Đồ chơi trẻ em nhập ngoại có mặt khắp ngóc ngách từ cổng trường

Theo ông Trần Minh Dũng - Chánh Thanh tra Bộ Khoa học - Công nghệ, qua kết quả kiểm tra của 39 chi cục đo lường chất lượng các tỉnh, thành phố trong năm 2012 tại 460 cơ sở kinh doanh, buôn bán đồ chơi trẻ em với 26.686 mẫu đồ chơi được kiểm tra, đã phát hiện 10.366 mẫu vi phạm (chiếm 34,9%); 10.428 mẫu không có dấu hợp quy (chiếm 35,1%); 13.722 mẫu không có chứng nhận hợp quy (chiếm 53,5%). Đặc biệt, thú nhún tại Việt Nam, khi đem đi kiểm nghiệm, chuyên gia y tế đã phát hiện nồng độ chất dẻo phthalates trong đồ chơi này cao gấp nhiều lần so với quy định về chất lượng và an toàn sản phẩm.

Mối nguy hại tiềm ẩn

Theo ghi nhận của phóng viên, trên thị trường hiện nay, đồ chơi trẻ em nhập ngoại có mặt khắp ngóc ngách từ cổng trường, khu dân cư đến những khu phố. Mặc dù vậy, chưa ai khẳng định về độ an toàn cũng như chất lượng của đồ chơi này. Bên cạnh đó, nhiều đồ chơi trẻ em được bày bán không có một dòng chữ tiếng Việt hay phụ đề tiếng Việt, chứ chưa nói đến yêu cầu về tem quy chuẩn an toàn.  Cá biệt, có những đồ chơi được đựng trong túi bóng và giập gim, phần bên trên là những dòng chữ Trung Quốc... Vì vậy, việc xác định ngồn gốc cũng như những cảnh báo nguy hiểm cho người sức khỏe người sử dụng là rất khó khăn.

Theo TS. Hoàng Thị Kim Dung, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ hóa học TP. Hồ Chí Minh, Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam, các hợp chất phthalate được sử dụng rộng rãi như chất hóa dẻo để làm mềm các vật liệu dễ vỡ, đặc biệt là một số polyme. Trong số các chất hóa dẻo gốc phthalate thì DOP và DBP là các loại chất hóa dẻo được sử dụng phổ biến nhất trong sản xuất sản phẩm nhựa PVC, PP và PE. Phthalate có thể gây ung thư, hủy hoại thận, phá hủy hệ thống hormon của cơ thể. DOP có tác dụng giống như hormon nữ, vì thế rất có hại cho nam giới và đặc biệt là trẻ em khi cơ quan sinh dục chưa hoàn chỉnh. Nếu bị nhiễm chất này lâu dài, các bé trai có thể bị nữ tính hóa, vô sinh nam, còn trẻ em gái có nguy cơ dậy thì quá sớm...

Trẻ em thì có đồ chơi và được chơi theo sở thích, chúng không thể biết những món đồ chơi đó là tốt hay xấu cho sức khỏe của mình. Các bậc phụ huynh, nhà trường, gia đình và xã hội không thể tiếp tục thờ ơ trong việc lựa chọn đồ chơi cho con em mình. Cần có nhận thức đầy đủ, rõ ràng và thường xuyên nhắc nhở, định hướng cho con em mình chơi đồ chơi bổ ích. Đồng thời tuyên truyền để người bán hàng không vì lợi nhuận mà rước họa cho các em. Bên cạnh đó, các cơ quan lực lượng chức năng cần có biện pháp mạnh kiểm soát thị trường đồ chơi trẻ em tại các cơ sở kinh doanh... Việc cần thiết hơn nữa là tạo ra những sân chơi lành mạnh bổ ích để thu hút các em.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tuệ Nguyễn (Sức khỏe & Đời sống)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN