Dịch sốt xuất huyết lại bùng phát

Ghi nhận tại các bệnh viện trên địa bàn TPHCM cho thấy số người đến khám, điều trị SXH đang tăng mạnh.

Số người mắc bệnh sốt xuất huyết nhập viện tại TPHCM đang tăng 35% - 40.

Những cơn mưa xuất hiện liên tục gần đây ở khu vực các tỉnh, thành phía Nam là điều kiện thuận lợi cho bệnh sốt xuất huyết (SXH) bùng phát.  Ghi nhận tại các bệnh viện trên địa bàn TPHCM cho thấy số người đến khám, điều trị SXH đang tăng mạnh.Cán bộ Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM lấy mẫu kiểm tra việc phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết.

Nhiều bệnh nhân đã bị nặng

Bác sĩ Trần Văn Ngọc, Trưởng Khoa Nhiễm A  Bệnh viện Bệnh nhiệt đới - TPHCM, cho biết số người mắc SXH tăng 35%-40% so với tháng trước và chiếm 40% tổng số bệnh nhân vào viện điều trị. Mỗi ngày, khoa tiếp nhận 30-50 bệnh nhân SXH. Hiện bệnh viện có 80 bệnh nhân SXH đang điều trị nội trú, trong đó 10%-20% ở độ nặng. “Những ngày qua, mưa lớn xuất hiện liên tục tạo nên nhiều ao tù, nước đọng khiến muỗi sinh sôi là nguyên nhân chính dẫn đến số ca mắc SXH cao” - bác sĩ Ngọc nhận xét.

Dịch sốt xuất huyết lại bùng phát - 1

Sốt xuất huyết bùng phát do mưa lớn kéo dài

Số liệu thống kê của các bệnh viện nhi cũng cho thấy số trẻ mắc SXH nhập viện đang gia tăng. Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Trưởng Khoa SXH Bệnh viện Nhi Đồng 1, so với các tháng trước, số trẻ tới khám và điều trị SXH đã tăng 10%-20%. Chỉ riêng ngày 29-5, đã có 67 trẻ nằm điều trị SXH. Bác sĩ Trịnh Hữu Tùng, Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp Bệnh viện Nhi Đồng 2, cho hay nếu trong tháng 4, số trẻ tới khám SXH tại bệnh viện khoảng gần 200 ca thì chưa hết tháng 5, con số này đã gần 250 ca. Trong đó, có 158 trẻ phải nhập viện điều trị. Số trẻ mắc SXH điều trị nội trú những ngày qua tại đây đang dao động từ 25 đến 30 ca/ngày.

Theo PGS-BS Nguyễn Tấn Bỉnh, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, trong tuần mới nhất, TP đã ghi nhận thêm 131 người mắc SXH, nâng tổng số ca mắc bệnh này từ đầu năm đến nay lên 3.323. Những địa phương có số ca mắc cao không giảm là quận Bình Tân và huyện Bình Chánh. Còn tính cả khu vực phía Nam, theo Viện Pasteur, trung bình mỗi tuần ghi nhận trên 1.000 ca mắc, nâng tổng số người bị SXH từ đầu năm đến nay lên gần 15.000 (tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2011). Trong đó,  8 trường hợp đã tử vong.

Trong khi SXH đang đe dọa đến sức khỏe trẻ em thì công tác phòng chống tại các quận, huyện của TPHCM lại gặp nhiều khó khăn. Theo ghi nhận của chúng tôi, lực lượng y tế dự phòng của các quận, huyện đều nêu khó khăn với các lý do rất quen thuộc như địa bàn quá rộng, dân cư đông, nhân lực y tế mỏng không kham nổi…

Quen quá hóa chủ quan

Tại quận Bình Tân, nơi thường nằm trong tốp dẫn đầu về số ca mắc SXH của TPHCM, bác sĩ Trần Hùng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng quận, than rằng ngoài những lý do trên, cái khó nhất hiện nay trong việc phòng chống SXH là do quận còn tồn đọng hàng ngàn điểm nguy cơ sinh ra các ổ dịch.

Dịch sốt xuất huyết lại bùng phát - 2

Dịch sốt xuất huyết đang bùng phát lại. (Ảnh minh họa)

Đơn cử như Nghĩa trang TP (phường Bình Hưng Hòa A), nhiều người vẫn sống xen kẽ giữa các ngôi mộ. TP đã và đang di dời nghĩa trang này ra khỏi phường Bình Hưng Hòa A và khi những ngôi mộ này di dời thì để lại hàng loạt ao tù nước đọng, tạo điều kiện lý tưởng cho muỗi sinh nở. Giải pháp lâu nay là bỏ muối vào những vũng nước này để muỗi không sống được nhưng theo bác sĩ Hùng, đây chỉ là giải pháp chữa cháy, về lâu dài cần phải san lấp, không để ao tù nước đọng. Bác sĩ Hùng cho biết đã nhiều lần có văn bản kiến nghị các cấp ngành liên quan nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Năm nào TP cũng bỏ ra hàng tỉ đồng để phòng chống SXH nhưng ngành y tế chỉ triển khai vài ba đợt diệt lăng quăng, diệt muỗi bằng cách phun xịt, thả cá bảy màu. Cách làm này đã quá quen thuộc với cán bộ y tế và người dân. Có ý kiến cho rằng dịch SXH là loại dịch... quen, năm nào cũng xảy ra nên địa phương và người dân chủ quan, đến khi “mất bò mới lo làm chuồng”.

Cục Y tế dự phòng và Môi trường (Bộ Y tế) đánh giá việc thực hiện phòng chống dịch SXH ở một số địa phương vẫn còn mang tính hình thức, chủ quan, thụ động. Thêm vào đó, việc chống dịch theo kiểu “chạy theo đuôi dịch”, xử lý ổ dịch muộn… khiến cho dịch bệnh không giảm mà còn tiếp tục lan rộng với tốc độ nhanh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Thạnh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN