Dịch hạch: Ăn thịt chuột có nhiễm bệnh?
Ở Việt Nam, bệnh dịch hạch đa số ghi nhận phát triển vào mùa khô, phù hợp với mùa phát triển của chuột và bọ chét.
Yếu tố dịch tễ rất quan trọng
BSCKI. Nguyễn Thanh Trường - Trưởng khoa Nhiễm D - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Tp.HCM cho biết, để chẩn đoán một bệnh truyền nhiễm cần phải dựa vào các yếu tố: dịch tễ, triệu chứng lâm sàng và xét nghiệm.
Ở Việt Nam, bệnh dịch hạch đa số ghi nhận phát triển vào mùa khô, phù hợp với mùa phát triển của chuột và bọ chét.
Trong giai đoạn toàn phát có thể dễ dàng phân biệt vì dịch hạch có hạch sưng to, nóng rất đau. Tuy nhiên trong giai đoạn khởi phát từ ngày thứ 1 đến ngày thứ 3 của bệnh, thì triệu chứng nhiễm trùng, nhiễm độc toàn thân của bệnh này là sốt cao, kèm lạnh run, đau nhức toàn thân, nhức đầu, ói mửa, mệt mỏi...
Khi đó, yếu tố dịch tễ rất quan trọng để xác định bệnh như nguyên nhân mắc bệnh, người bệnh có đến từ vùng đang có dịch bệnh hay không, và tất nhiên để chẩn đoán xác định bệnh thì phải xét nghiệm tìm nguyên nhân. Nếu bệnh nhân có biểu hiện bệnh trong giai đoạn sớm, kết hợp với yếu tố dịch tễ thì nên đến ngay bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị.
Vắc xin ngừa dịch hạch không hiệu quả
BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM cho biết, dịch hạch do trực khuẩn Yesinia pestis gây bệnh, lây truyền sang người qua trung gian bọ chét nhiễm khuẩn.
Ở Việt Nam, bệnh dịch hạch đa số ghi nhận phát triển vào mùa khô, phù hợp với mùa phát triển của chuột và bọ chét. Bọ chét ký sinh trên chuột là trung gian truyền bệnh chủ yếu. Bọ chét hút máu chuột có mang vi khuẩn gây bệnh dịch hạch. Khi bọ chét rời khỏi chuột sang người và cắn người sẽ xảy ra sự lan truyền vi khuẩn và có thể gây bệnh.
Trước thực tế nhiều người dân vẫn ăn thịt chuột thì có mắc bệnh hay không, BS Nguyễn Trí Dũng cho biết, bệnh dịch hạch không lây truyền qua ăn thịt chuột. Tuy nhiên nếu chuột có mang vi khuẩn gây bệnh dịch hạch, người làm thịt chuột có thể bị lây nhiễm qua vết thương trên da trong qua trình tiếp xúc, làm thịt chuột.
Bệnh dịch hạch có nhiều thể lâm sàng khác nhau, như: thể hạch, thể phổi, thể nhiễm trùng huyết... Thể bệnh thông thường là thể hạch, biểu hiện lâm sàng của 1 ca dịch hạch thể hạch trải qua thời kỳ ủ bệnh tù 2 - 5 ngày.
Sau đó bắt đầu xuất hiện các triệu chứng khởi phát với sốt cao đột ngột kèm ớn lạnh hoặc lạnh run, nhức đầu, ói mửa, mệt mỏi sau đó sẽ nổi hạch, thường là hạch vùng bẹn, kế tiếp là hạch nách, hạch cổ, dưới hàm. Hạch sưng to, rất đau, nóng, nếu nhiều hạch thì có thể kết dính thành 1 khối.
Diễn tiến trong vòng 1 tuần hạch có thể hóa mủ và vỡ, chảy ra ngoài, hoặc có thể xơ cứng đóng kén, hoặc có thể tự teo nhỏ lại. Nếu không phát hiện và điều trị sớm, dịch hạch có thể gây những biến chứng nặng dẫn đến tử vong.
Dịch hạch có thể lây truyền qua đường hô hấp như do hít phải những giọt bắn, tiết ra từ người bệnh dịch hạch thể phổi qua ho, hắt hơi, khạc nhổ. Vì thế cần bảo đảm ăn uống hợp vệ sinh, ăn chín nấu sôi; vệ sinh môi trường sạch sẽ. Khi có biểu hiện sốt cao, nghi ngờ bi bệnh, thì phải đến cơ sở y tế ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Hiện nay có vắc xin sống giảm độc lực tiêm dưới da, tuy nhiên hiệu quả chủng ngừa không cao, và chỉ định chủng ngừa bằng vaccine chỉ áp dụng cho những người đi đến vùng có dịch bệnh đang xảy ra.