Đau mắt đỏ đang vào đỉnh dịch

Theo BS Hoàng Cương, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Mắt Trung ương, năm nay dịch đau mắt đỏ đến muộn hơn so với mọi năm và đây là thời điểm dịch bùng phát.

Một người bị sẽ lây cho cả nhà?

2h chiều ngày 19/9, tại Khoa khám bệnh, Bệnh viện Mắt Trung ương có hàng trăm người đang chờ khám bệnh đau mắt đỏ. Bệnh nhân đến khám đủ mọi lứa tuổi, bị đau mắt ở mức độ nặng nhẹ khác nhau trong đó có những bệnh nhân trước đó tự ý dùng thuốc chữa trị khiến bệnh biến chứng nặng.

Chị Dương Thị Ngân (35 tuổi, TP Nam Định) cho biết trước đó, cậu con trai 2 tuổi bị đau mắt đỏ, sau đó lây sang vợ chồng chị. Ban đầu, chị tưởng bệnh đơn giản và không ngờ một người trong nhà bị đau mắt sẽ lây bệnh cho cả gia đình. Chị Ngân đã phải nghỉ làm cả tuần nay.

Đang chờ khám tại phòng 403, Khoa khám bệnh, Bệnh viện Mắt Trung ương, anh Nguyễn Văn Hải (Hai Bà Trưng, Hà Nội) kể, đầu tiên anh thấy mắt phải bị đỏ, ra rỉ nhiều, hơi cộm. Anh nghĩ là bụi bay vào mắt nên tự nhỏ nước muối sinh lý và thuốc mắt. Tuy nhiên, bệnh vẫn không khỏi mà con lan sang mắt trái. Lúc này anh Hải mới quyết định đến bệnh viện.

Đau mắt đỏ đang vào đỉnh dịch - 1

Rất đông bệnh nhân chờ khám bệnh đau mắt đỏ tại Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Mắt Trung ương

Cháu Trần Phương Linh (Hoàng Mai, Hà Nội), vừa vào lớp 1 cũng phải nghỉ học hơn một tuần vì bệnh đau mắt đỏ. Mẹ cháu Linh cho biết, chị đã mua thuốc nhỏ mắt cho cháu nhưng bệnh vẫn không khỏi.Chị kể, đầu tiên mắt phải của con hơi đỏ, có gỉ. Sau đó, mắt cháu đỏ rực và đỏ nhiều ở phần lòng trắng mắt phía dưới mí. Những ngày sau, mắt cháu Linh sưng húp, chảy mủ. Thấy con đau nặng quá chị mới đưa đi khám và bác sĩ kết luận cháu Linh bị đau mắt đỏ và biến chứng, nếu để chậm hơn có thể bị ảnh hưởng đến thị lực.

BS Hoàng Cương, Trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, dịch đau mắt đỏ thường xảy ra vào tháng 4-7 hàng năm. Tuy nhiên, năm nay dịch bệnh đến muộn hơn (đầu tháng 9). Hiện nay, trung bình mỗi ngày Khoa Khám bệnh tiếp nhận từ 1.000 đến 2.000 bệnh nhân, trong đó 20% bị đau mắt đỏ.

Bác sỹ Nguyễn Quý Đông, Khoa Mắt, Bệnh viện Bưu điện cũng cho biết, mỗi ngày Khoa tiếp nhận khoảng 20 bệnh nhân đến khám và điều trị bệnh đau mắt đỏ.

Dụi mắt có thể dính virus gây bệnh

Theo BS Cương,  bệnh đau mắt đỏ hay còn gọi là bệnh viêm kết mạc cấp xảy ra do nhiễm virus. Bệnh lây lan nhanh chóng trong cộng đồng. Ban đầu chỉ là mắt cộm, đỏ, ngứa, chảy nước mắt một chút, bệnh nhân vẫn nhìn thấy bình thường, thị lực không suy giảm. Nếu để nặng hơn có thể bị phù mắt đỏ, bệnh nhân có thể có màng trong mắt. Khi người bệnh lấy tay dụi mắt rồi lại cầm  điện thoại, điều khiển máy điều hòa, nắm cửa, bấm vào thang máy…, nếu người khác chạm vào những vật dụng đó rồi lấy tay dụi mắt là đã có thể dính virus gây bệnh. Đây chính là nguyên nhân khiến từ một người trong gia đình, công sở, trường học, …, đau mắt đỏ có thể truyền bệnh cho nhiều người. Nếu một người trong nhà bị đau mắt đỏ, dù có tránh chạm mặt trò chuyện nhưng sau đó họ vẫn có thể lây do virus từ hơi thở bệnh nhân phát tán vào không khí.

Đau mắt đỏ đang vào đỉnh dịch - 2

Bệnh nhân đau mắt đỏ đến Bệnh viện Mắt Trưng ương khám (ngày 19/9) sau khi tự điều trị 1 tuần

Một người bị đau mắt đỏ có thể là nguồn lây trong vòng gần 20 ngày, thậm chí lâu hơn nếu họ đau mắt kéo dài. Và cơ chế truyền virus khi bệnh chưa phát hoặc đã khỏi khiến rất nhiều người bị đau mắt đỏ mà không thể biết mình lây từ đâu.

Theo bác sĩ Cương, bệnh đau mắt đỏ thông thường sẽ khỏi sau 1 tuần. Tuy nhiên, có người mắc với thời gian lâu hơn. Nếu sau 7 ngày, bệnh vẫn không đỡ, bệnh nhân phải đến khám lại. Vì có trường hợp mắt xuất hiện giả mạc, khi đó phải bóc bỏ.

Theo các bác sĩ, dấu hiệu đau mắt đỏ là toàn thân sốt nhẹ, viêm mũi - họng, nổi hạch trước tai. Thông thường khi bị viêm kết mạc -họng -hạch thì virus có thể tấn công cùng lúc ở cả mắt, họng và làm nổi hạch.

Người bệnh sẽ có cảm giác khó chịu, chảy nước ở mắt, sợ ánh sáng, mỗi khi nuốt nước bọt họng lại đau và nổi hạch. Đồng thời vành mi trên, đặc biệt là mi dưới xuất hiện nhiều hột to mọc thành dãy, xuất hiện nhanh và thoái hoá phát triển nhanh trong vòng 6 ngày không để lại sẹo.

Đôi khi bệnh này còn tấn công làm ảnh hưởng đến đường tiết niệu gây tiểu rắt, buốt. Khác với đau mắt đỏ thông thường, bệnh này thường lây nhiễm chủ yếu qua đường hô hấp như ho, hắt hơi vì vậy người bệnh cũng cần phải đeo khẩu trang tránh lây nhiễm cho người khác.

Thường bệnh đau mắt đỏ chỉ diễn ra từ 5-7 ngày, nhưng sau một thời gian nếu không  điều trị kịp thời có thể gây nhiều biến chứng về đường hô hấp như viêm phế quản, viêm phổi… Do đó, khi thấy có triệu chứng bệnh cùng lúc ở mắt, họng và nổi hạch cần đến ngay các cơ sở chuyên khoa về mắt để khám và có cách điều trị kịp thời.

Cách phòng tránh

Bệnh nhân bị đau mắt đỏ không nên pha nước muối loãng để rửa mắt vì nếu nồng độ nước muối không phù hơp có thể gây bỏng rát mắt. Tốt nhất nên sử dụng nước muối sinh lý theo chỉ định của bác sĩ. Người bệnh cần uống nhiều nước, nghỉ ngơi, tránh khói bụi, đeo kính mát giúp mắt bớt kích thích với ánh sáng chói hoặc có thể chườm đá lạnh cho mắt dễ chịu hơn. Ngoài ra, người nhà bệnh nhân không nên dùng chung đồ vật, tránh tiếp xúc với bệnh nhân, không nói chuyện đối diện với người bệnh, rửa mắt bằng nước muối sinh lý hàng ngày, rửa tay bằng xà phòng tiệt trùng.

(BS Hoàng Cương, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Mắt Trung ương

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Bệnh đau mắt đỏ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN