Dân vẫn thờ ơ với bảo hiểm y tế

Sau 4 năm Luật Bảo hiểm Y tế đi vào cuộc sống (từ ngày 1-7-2009), tỉ lệ bao phủ ngày càng mở rộng nhưng vẫn bộc lộ nhiều bất cập khiến người dân chưa “thiết tha” với loại dịch vụ này.

Theo Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam, đến hết tháng 5-2013, số người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) là 62 triệu, đạt tỉ lệ 68% dân số. Các nhóm đối tượng chính sách (người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em...) đều được cấp thẻ BHYT miễn phí. Năm 2012, người cận nghèo được ngân sách nhà nước hỗ trợ 70% mức đóng BHYT đã tạo điều kiện cho người dân tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ y tế thông qua BHYT. Bên cạnh đó, chất lượng khám - chữa bệnh từng bước được cải thiện, quyền lợi của người có thẻ BHYT ngày được bảo đảm.

Ốm đau mới mua BHYT

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên cho biết tỉ lệ bao phủ BHYT vẫn còn thấp, tính tuân thủ pháp luật về BHYT chưa cao. Khu vực doanh nghiệp mới chỉ có 53% người lao động tham gia BHYT, người thuộc hộ cận nghèo dù đã được ngân sách hỗ trợ 70% mức đóng nhưng cũng chỉ đạt gần 20% tham gia, đối tượng tự nguyện tham gia BHYT đạt 25%...

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, người dân chưa coi BHYT như là “bùa hộ mệnh” của mình mà chỉ khi ốm đau mới tự nguyện tham gia. “Với mệnh giá như hiện nay, gói dịch vụ y tế của chúng ta khá ưu việt. Đó là quyền lợi mà người dân được hưởng nếu chẳng may ốm đau vì các dịch vụ y tế cơ bản sẽ được BHYT thanh toán” - bà Tiến nhấn mạnh.

Dân vẫn thờ ơ với bảo hiểm y tế - 1

Kỹ thuật chụp PET/CT có giá 28 triệu đồng/lần sử dụng đang được BHYT thanh toán 19 triệu đồng

Đại diện Bộ Y tế thừa nhận chất lượng khám chữa bệnh chưa đáp ứng nhu cầu như thủ tục phiền hà, phân biệt đối xử khi khám bệnh bằng BHYT, quá tải ở tuyến trên… là lý do khiến người dân không mặn mà với BHYT. Thống kê cho thấy khám chữa bệnh vượt tuyến, trái tuyến đang tiếp tục tăng lên: Năm 2010 : 3 triệu lượt bệnh nhân, năm 2011: 9 triệu lượt, năm 2012: 11 triệu lượt… Tình trạng này phần nào cho thấy người bệnh thiếu sự tin cậy ở tuyến dưới, buộc phải vượt tuyến dù chỉ được Quỹ BHYT thanh toán 30% viện phí.

Mở rộng quyền lợi người tham gia

Bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT - Bộ Y tế, cho biết những hạn chế của Luật BHYT sẽ được sửa đổi trong thời gian tới. Theo dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật BHYT, trường hợp đóng BHYT liên tục kể từ lần thứ hai trở đi thì thẻ BHYT có giá trị sử dụng nối tiếp với ngày hết hạn lần trước. Với người tham gia không liên tục, thẻ BHYT có giá trị sử dụng sau 90 ngày, kể từ khi đóng BHYT (quy định hiện nay là 30 ngày). Dự thảo cũng bổ sung quy định thanh toán 100% khi số tiền người bệnh cùng chi trả vượt quá 12 tháng lương cơ bản 1 năm đối với người có thời gian đóng 5 hoặc 10 năm.

Cùng với đề xuất mở rộng quyền lợi cho người tham gia BHYT, nội dung người bệnh đi khám chữa bệnh trái tuyến chỉ được BHYT thanh toán tối đa 30% chi phí, thậm chí có thể sẽ không được chi trả, đang được cho là thắt chặt quyền lợi của người bệnh. Hiện nay, khi khám chữa bệnh trái tuyến, người bệnh sẽ được chi trả ở các mức 30%, 50% và 70% chi phí tùy theo loại bệnh viện. Tuy nhiên, theo dự thảo, người bệnh sẽ được chi trả các mức 20%, 40% và 60%. Dự thảo này cũng đề xuất nâng mức đóng BHYT lên 6% lương cơ bản thay vì 4,5% như hiện nay.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam cũng đang lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo quyết định danh mục dịch vụ y tế kỹ thuật cao, chi phí lớn được Quỹ BHYT thanh toán. Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam), cho biết trong dự thảo này, Quỹ BHYT dự kiến sẽ thanh toán cho 144 dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn. So với trước (177 dịch vụ), danh mục này đã loại bỏ một số kỹ thuật không cao, chi phí không lớn và đưa về danh mục dịch vụ kỹ thuật thông thường được BHYT thanh toán.

Theo ông Sơn, từ ngày 1-7, Quỹ BHYT sẽ tăng mức chi trả tối đa từ 42 triệu đồng (xấp xỉ 40 tháng lương tối thiểu) lên 46 triệu đồng (gần 10%) cho một lần sử dụng kỹ thuật cao, tương đương mức tăng lương tối thiểu ở cùng thời điểm.

Nâng chất lượng khám chữa bệnh

Theo lộ trình BHYT toàn dân, đến năm 2015 sẽ có tối thiểu 70% người dân tham gia BHYT và năm 2020 có trên 80% dân số tham gia loại dịch vụ này.

Từ năm 2010 đến nay, Quỹ BHYT đã có kết dư trên 12.000 tỉ đồng. Nguồn thu từ BHYT đã đóng góp khoảng 80% tổng kinh phí phục vụ khám chữa bệnh tại các bệnh viện, góp phần nâng chất lượng khám chữa bệnh cho người dân.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo NGỌC DUNG (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN