Dân nghèo và viện phí

Gánh nặng viện phí đè lên vai người bệnh được hứa hẹn sẽ nhẹ vơi khi ngành y tế đang lấy bảo hiểm y tế toàn dân để chia sớt cho cú sốc viện phí phi mã.

Nhưng liệu người bệnh có thực sự “không bị ảnh hưởng” như lời khẳng định của người đứng đầu ngành y tế hay không khi mà để có được 100% người dân tham gia bảo hiểm y tế phải đợi đến năm 2020.

Sau các tỉnh thành, hôm qua TPHCM, nơi gần 10 triệu dân sinh sống đón lấy tin thành phố này đã thông qua đề án điều chỉnh gần 2.000 dịch vụ chăm sóc y tế vào giữa năm tới áp mức tăng 75% so với khung. Với người dân luôn thường trực nỗi lo cơm áo gạo tiền thì tin này chẳng lấy gì làm vui. Nhưng ở một phía khác, những người trong ngành y tế công ở thành phố này tỏ ra phấn khởi.

18 năm viện phí vẫn giậm chân tại chỗ, không tăng cho đến thời điểm này là câu thường trực mà lãnh đạo các bệnh viện ca thán trong các cuộc họp bàn về điều chỉnh viện phí. Họ có lý bởi từ năm 1995, thời điểm mà mỗi lượt khám bệnh chỉ 3.000-5.000 đồng; tiền giường nằm điều trị theo quy định cũng chỉ từ 4.000-18.000 đồng/ngày đối với bệnh viện hạng 1 và từ 2.500 - 16.000 đồng/ngày đối với bệnh viện hạng 2. Họ có lý bởi có những chi phí mổ xẻ mà mức giá so với thời buổi hiện tại không thể đủ để mua bông băng hay dịch truyền.

Dân nghèo và viện phí - 1

Liệu người bệnh có không bị ảnh hưởng khi viện phí tăng?

Nhưng thoạt nhìn vào những con số này, có lẽ chẳng ai tin nổi sự kham khổ của những người đang ngày đêm làm công việc cứu người. Thực tế, nó lại khác. Đây chỉ là những con số của 10 năm trước.

Mấy năm nay, các bệnh viện ở TPHCM đều bắt tay để thực hiện xã hội hóa y tế, tìm đủ cách “tự cứu” ở nguồn thu từ bệnh nhân. Mức khám thông thường đều đã tăng lên 30 nghìn đồng lượt trong khi khám dịch vụ cũng nhảy lên 60 nghìn đồng/lượt.

Để xóa đi những mức viện phí mà họ gọi là “lạc hậu” ấy, các bệnh viện đổ xô mở khoa dịch vụ, khám dịch vụ, giường dịch vụ, mổ dịch vụ…với mức giá cao hàng chục lần so với loại bình thường. Đương nhiên, dịch vụ thì không có chỗ đứng cho người bệnh nghèo.

Những lời hứa tăng viện phí sẽ tăng chất lượng chữa bệnh được ngành y tế các tỉnh đưa ra cách đây một năm rút cuộc vẫn chưa thấy bức tranh quá tải, người bệnh trong bể khổ mỗi lần đến bệnh viện sáng sủa hơn.

Họ phải trả chi phí điều trị cao hơn, và cái mà họ nhận được là vẫn cảnh chen chúc nhau, nằm ngồi la liệt ở bất kể chỗ nào còn trống, thậm chí bệnh nhân phải chui gầm gường và truyền dịch ở hành lang…Nỗi khổ chồng lên khổ này của người bệnh có được vơi đi khi giá viện phí tăng lên? Câu trả lời vẫn cứ lại phải chờ!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Lâm (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN