Cứu bệnh nhi bị chân vịt ghe chém gãy xương cánh tay
“Sau bốn ngày điều trị, sức khỏe bệnh nhi NTT (nam, 13 tuổi, ở Cà Mau đã ổn định. Các vị trí xương gãy đã hồi phục, cử động nhẹ”.
Tối 18-12, BS Võ Hòa Khánh, Phó Trưởng phòng Quản lý chất lượng-Vi phẫu tạo hình BV Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM, cho phóng viên biết thông tin trên.
Trước đó, 14 giờ 40 phút ngày 14-12, BV Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM tiếp nhận bệnh nhi T. trong tình trạng nhiều vết thương tầng mặt sau cánh tay, cẳng tay, cổ tay trái.
Kết quả chụp X-quang cho thấy xương tay trái của bệnh nhi T. bị gãy rất nhiều. Ảnh: VÕ KHÁNH
Chưa hết, bệnh nhi còn bị đứt nhiều tầng cơ tam đầu, dập đứt nhiều tầng toàn bộ cơ mặt sau cẳng tay. Bệnh nhi còn bị gãy nhiều tầng xương trụ, trật chỏm quay, gãy xương thuyền, xương cả, xương bàn ngón 4 và 5 tay trái. Người nhà cho biết bệnh nhi đi ghe rớt ngã xuống sông, chân vịt ghe máy cắt vào cẳng tay trái.
Êkíp phẫu thuật gồm các BS Lê Ngọc Tuấn, Trần Công Tường, Nguyễn Thanh Tuệ, Lê Đức Thắng nhanh chóng cắt lọc sạch vết thương, bơm rửa nhiều lần với nước muối sinh lý.
Tiếp theo, các BS nắn trật chỏm quay, cố định chỏm quay bằng kim. Đồng thời kết hợp xương dọc trục xương trụ, bắt vít cố định mỏm khuỷu, nắn xuyên kim cố định cổ tay, xương bàn ngón 4 và 5 tay trái.
Tay trái bệnh nhi T. sau khi phẫu thuật. Ảnh: VÕ KHÁNH
BS Võ Hòa Khánh cho biết thêm bệnh nhi T. may mắn vì chỉ bị vết thương ở mặt sau tay trái. Có nhiều trường hợp bệnh nhi bị chân vịt ghe máy cắt trúng đầu, cổ, ngực…, ảnh hưởng đến tính mạng.
“Chưa hết, nếu vết thương nằm ở mặt trước tay trái thì khả năng cứu được bàn tay rất thấp vì bệnh nhi đưa tới BV Chấn thương Cchỉnh hình quá trễ (19 tiếng)” - BS Khánh nói.
“Đây là rủi ro thường gặp ở vùng sông nước, nhiều ghe thuyền qua lại. Do vậy, cha mẹ cần lưu ý trẻ nhỏ khi đang di chuyển trên ghe, xuồng” - BS Khánh khuyên.