Cuộc trở về kỳ diệu của bé bị "chôn sống"

Cháu bé bị chôn đã về với sự sống và sống trong vòng tay yêu thương của mọi người gần xa. Đó là cuộc hồi sinh kỳ diệu, để cho ta tin rằng cuộc đời này vẫn còn nhiều điều rất tốt đẹp. Tuy nhiên vẫn còn đó nhiều nỗi trăn trở khi lý giải hành vi người mẹ đem "chôn" con.

Kể từ hôm chính xác tìm được người mẹ của cháu bé Trương Thị Trúc Mai, hai căn nhà của vợ chồng ông bà Trương Văn Bảnh - Đỗ Thị Công và vợ chồng anh Trương Văn Nhân – Lê Thị Cẩm Trúc lúc nào cũng đông đúc người ra kẻ vào. Đến nhà ông Bảnh - bà Công để thăm cháu bé, rồi qua nhà anh Nhân - chị Trúc để thăm người mẹ sinh con hiện đang rất yếu.

Đi qua lại hai ngôi nhà này, nghe người trong cuộc và những người hàng xóm kể câu chuyện trở về từ cõi chết kỳ diệu của bé Trúc Mai, thấy những ký gạo, cân rau, miếng thịt, hộp sữa khi gửi nhà này khi cho nhà kia, hoặc có khi được chia đôi cho cả hai nhà, mới thấy cuộc đời này vẫn còn đầy ăm ắp yêu thương.

Cuộc hồi sinh kỳ diệu của thiên thần nhỏ

Con đường vào xóm Ngã Cái ngoằn nghèo, luồn lách qua nhiều rặng dừa, vườn chuối xanh um. Nhìn quang cảnh cây cối xanh tươi, người ta nghĩ ngay đến một cuộc sống ấm no trù phú. Nhưng không! Ở nơi đó có những cảnh đời thương tâm do cái nghèo, cái khổ bao nhiêu đời qua vẫn còn đeo đẳng.

Con đường đất chạy giữa một bên là hàng cây, một bên là con rạch Rau Răm, nhỏ xíu chỉ chạy lọt một chiếc xe máy. Khi có một chiếc xe máy chạy ngược chiều, chúng tôi phải dừng xe lại, nghiêng xe nép sát vào hàng cây để nhường đường. Từ bao nhiêu đời nay, các cư dân xóm Ngã Cái vẫn sống với nhau trong đùm bọc yêu thương, tối lửa tắt đèn, chia sẻ với nhau từng bó rau, con cá.

Cuộc trở về kỳ diệu của bé bị "chôn sống" - 1

Cháu Trương Thị Trúc Mai đã trở về từ cõi chết (Ảnh: Đặng Vỹ)

Có thể nói trong cuộc giải cứu này, người cứu cháu bé chính là… bà nội của cháu, cụ bà Huỳnh Thị Tư. Đó là một đêm cuối tháng 8 âm lịch (nhằm 02/10), khi cơn bão ở miền Trung chưa tan hẳn. Trời miền Tây sông nước cũng không trăng không sao, ánh đèn điện ở miền quê không đủ soi sáng các lùm cây, sông rạch.

21 giờ, anh Trương Văn Duyên, con của cụ Tư đi mua thuốc lá. Đi ngang qua con đường tối, anh nghe có tiếng con gì ọ ẹ loe ngoe đâu đây. Lần theo âm thanh anh tìm đến một gốc cây mai bên hông ngôi nhà số 258/7, cũng gần bên đường.

Nhìn thấy một vật gì đó cử động và phát ra âm thanh, anh Duyên – vốn tính nhát ma – chạy về kêu mẹ. Bà cụ Tư, năm nay 80 tuổi, không biết chuyện gì nhưng nghe con trai gọi, lập cập chạy ra. Bà đâu biết đó là giây phút định mệnh, chính bà đã cứu được sinh mạng đứa cháu nội của mình từ tay thần chết trong gang tấc.

Đến lúc này anh Duyên và bà cụ mới nhìn thấy rõ, một khuôn mặt cháu bé ló lên mặt đất. Cụ Tư lấy cây, còn anh Duyên dùng tay, hai mẹ con vừa cào, vừa gạt lớp đất bên trên. Đến lúc đôi chân bé lộ ra, bà cụ Tư hoảng quá vội chạy dọc con đường gọi ông Bảnh: “Bảnh ơi Bảnh, có con nít bị chôn nè, ra cứu nó!”. Vợ chông ông Bảnh – Bà Công chạy ra. Bốn người cùng đưa đứa bé lên khỏi mặt đất. Lúc này đứa bé gần như đã ngất lịm, toàn thân tím tái, người đầy máu và nhớt, dây rốn chưa cắt.

Cuộc trở về kỳ diệu của bé bị "chôn sống" - 2

Cháu Mai trong vòng tay thương yêu của cộng đồng gần xa (Ảnh: Đặng Vỹ)

Bà Công quyết định rất nhanh. Ngay lập tức bà ẵm thốc đứa bé, kêu người nhà chạy thẳng ra trạm y tế. Và số phận đã mỉm cười với chau. Cháu bé được bác sĩ cắt dây rốn, vệ sinh và hồi phục sức khỏe. Đó là một bé gái kháu khỉnh, có gương mặt đẹp như thiên thần.

Có một điều ít ai biết đến, trong khi mọi người đang tấp nập cứu và lo cho cháu bé phía trước, thì trong ngôi nhà 258/7, một người phụ nữ ôm gối khóc thầm. Đó là Lê Thị Cẩm Trúc, người mẹ của cháu bé, cũng chính là người đặt đứa bé dưới hốc đất bên gốc cây mai.

Không quá khó để xác định được cha mẹ đứa bé. Trung tá Phan Thanh Hồng, Trưởng Công an phường An Bình, cho biết, ngày hôm sau đó, chị Trúc đã nhận đứa bé là con của mình và chính chị đã đem con đặt xuống chiếc hố cạn và lấp đất, chừa lại phần mặt.

Nợ ngập lút đầu, đói nghèo vây bủa

Trong mấy giờ đồng hồ ở đây, chúng tôi chứng kiến có đến vài chục người ra vô hai căn nhà. Người ở tận Sài Gòn xuống, người ở bên Vĩnh Long sang, chính quyền đoàn thể cử đại diện, và bà con lối xóm qua lại liên miên. Một điều rất lạ lùng là dù Trúc chôn con, nhưng những người hàng xóm, những nơi xa gần đều không một lời trách cứ, mà còn tràn đầy lòng yêu thương.

Trúc hiện còn rất yếu, nằm trong buồng với hai bầu sữa căng cứng, nhức nhối. Trả lời câu hỏi “Vì sao lại dại dột vậy?”, Trúc rơm rớm nước mắt: “Em sợ quá, em lo quá, hồi đó em không còn biết gì nữa. Giờ em hối hận lắm”.

Điều gì làm cho Trúc phải lo sợ đến nỗi phải làm một việc tày đình với con mình? Không có gì khác, đó chính là cái đói, cái nghèo. Người phụ nữ hàng xóm trả lời thay Trúc: “Nó nghèo khổ lắm, nợ nần lút đầu. Nó sự đẻ ra nuôi không nổi”.

Cuộc trở về kỳ diệu của bé bị "chôn sống" - 3

Cán bộ phường An Bình thăm và xem kết quả siêu âm của chị Trúc (Ảnh: Đặng Vỹ)

Chúng tôi rất bất ngờ khi được biết thông tin mới nhất, đến Tết này vợ chồng người phụ nữ này phải dọn ra khỏi nhà. Giá trị của căn nhà này đã bằng số tiền mà vợ chồng Trúc đã vay của người ta nhưng do không trả lãi được.

Ông bà cụ Trương Văn Hai – Huỳnh Thị Tư có 6 người con trai. Trước đây ông bà có 10 công đất (1ha). Sáu đứa con lớn lên, ông bà cắt ra chia cho mỗi đứa một miếng. Trương Văn Nhân là con út, nghèo khổ nhất, được ông bà bán một phần đất xây cho ngôi nhà.

Khi đứa con trai bị bệnh, trong nhà không có một ngàn đồng. Trúc đi vay 2 triệu đồng chạy thuốc cho con. Nhân không có nghề, vườn đất không có, công làm phụ hồ 170.000/ngày nhưng bữa đực bữa cái, không trả được nợ. Dần dà lãi sinh ra nhập vào vốn, lãi lại lớn lên.

Đó là những tháng ngày giật gấu vá vai, đầu xuôi đuôi ngược của đôi vợ chồng. Cứ vay bên này đập cho bên kia, nợ không bớt đi mà ngày càng chất chồng thêm lên. Một người cháu của Nhân cho biết, đến kỳ lấy tiền, chủ nợ không chịu được nữa, vác dao rượt Nhân chạy khắp xóm, còn Trúc bị mắng bị chửi, bị đòi đánh là cảnh thấy thường xuyên.

Biết không thể chai mặt với nợ nần, vợ chồng Trúc quyết định cầm ngôi nhà, tài sản cuối cùng của cha mẹ để lại, đem trả nợ. Căn nhà trị giá khoảng 300 triệu, được cầm với số tiền 130 triệu đồng, lãi phải trả 7%/tháng. Nhưng nào có phải vợ chồng Nhân cầm được trong tay 130 triệu đồng! Cuộc đời bao nỗi trớ trêu, người nghèo càng bị người có tiền bắt chẹt và xâu xé. Người môi giới ngay lập tức lấy 10% tức 13 triệu, quả thật không có cái ăn nào nhẫn tâm hơn. Cộng với lãi suất trả ngay đầu tháng là 9 triệu, tức mất đứt 22 triệu đồng. Vậy là vợ chồng Nhân – Trúc thực sự chỉ cầm được 108 triệu đồng!

Cứ mỗi tháng phải trả 9 triệu đồng, làm gì để có trả? Vậy là lại vay chỗ khác về trả cho phần lãi này. Trúc tiếp tục vay nóng, 4%/ngày, tức 120%/tháng! Hiện số nợ vay này là 5 triệu đồng, vợ chồng è cổ ra trả 200.000/ngày. Còn số nợ của ngôi nhà coi như bỏ luôn, tăng đến đâu thì tăng.

Bà cụ Tư rầu rĩ: “Phải chi tui có cái nhà thì người ta đuổi, nó về ở với tui. Đằng này bây giờ vợ chồng tui cũng chỉ có cái chòi cất nhờ trên đất người ta”. Rồi bà đưa tay quệt nước mắt: “Tổ tiên ông bà tui đang thờ ở nhà nó, sắp tới mất cái nhà nhà biết thờ ở đâu đây?”.

Cuộc trở về kỳ diệu của bé bị "chôn sống" - 4

Vợ chồng Nhân - Trúc đang xem đoạn video và hình ảnh cháu bé do báo Infonet vừa quay đưa sang (Ảnh: Đặng Vỹ)

Gánh cực mà đổ lên non…

“Miền Cần Thơ gạo trắng nước trong, vui niềm vui ấm no cuộc sống…”

“Cần Thơ gạo trắng nước trong / Ai đi đến đó lòng không muốn về”…

Câu hát trên trong bản nhạc “Về miền Tây” của nhạc sĩ Tô Thanh Tùng, hay câu cao dao xưa bên dưới, có lẽ hoặc là đã lùi vào trong quá vãng, hoặc dành cho nơi đâu đó chứ không phải nơi đây! Bởi lẽ, nhìn cuộc sống của đôi vợ chồng Nhân - Trúc, không ai không cám cảnh, ngậm ngùi.

Đến thời điểm này mà đi phụ hồ, nếu không đi nhờ xe ai được thì Nhân phải… cuốc bộ! Không có xe máy đã đành, chiếc xe đạp bị trục trặc không có tiền sửa, đành xếp vào góc. Thời điểm kinh tế sa sút, người ta không xây dựng nhiều, Nhân đi làm bữa đực bữa cái. Bất kể ngày nắng cũng như ngày mưa, vợ chồng đầu tắt mặt tối, ai kêu gì làm nấy để có tiền mua gạo, rồi mua thuốc cho con. Chỉ mua gạo, còn thức ăn kiếm được gì ăn nấy, lâu lâu mới dám mua con cá, miếng thịt loại bầy nhầy.

Đứa con của Nhân cũng biết cha mẹ khổ cực, nó cũng đem hai chiếc đó chặn con suối trước nhà, lâu lâu cũng có được con cá con tôm cải thiện. Còn Trúc thì khi rảnh ra là lội ra đồng mò cua bắt ốc, kiếm rau loanh quanh trong xóm về cho bữa ăn của 5 con người.

Đói. Đói tới mức không có gì ăn, Nhân phải xin gạo của cha mẹ là ông bà cụ Tư nay đã 80 tuổi. Mà ông bà cụ làm gì có gạo. Đó là những khoản gạo được các tổ chức từ thiện giúp đỡ, ông bà cụ nhịn bớt để chia sớt lại cho con, cho cháu nội có miếng cơm.

Đã không biết bao đêm Trúc nằm khóc thầm, trăn trở. Chị trách thân phận mình bọt bèo, nghèo khổ một, mà thương Nhân tới mười. Nhân đã quá cực nhọc vất vả vì vợ vì con. Vì vậy mà khi dính bầu, Trúc đã âm thầm che dấu. Mẹ chồng, mẹ ruột nghi nghi, hỏi, nhưng Trúc gạt phắt đi. "Tui đâu có ngờ. Khi tui hỏi sao lại làm chuyện dại dột vậy, nó nói con không dám nói với ba má. Thấy ba má đã khổ quá rồi, nói ra sợ má buồn sinh bịnh. Con tính để đứa nhỏ cho ai đó cứu được đem đi nuôi, còn con tự tử chết cho xong”, bà cụ Tư ngồi cạnh giường, vừa sửa lại tấm mền đắp lên người Trúc, vừa nói với những người đến thăm đang đứng xung quanh.

Nằm trên giường, Trúc tâm sự rằng chị không hề có ý nghĩ và hành động chôn đứa bé cho nó chết. “Em chỉ lấp phần thân, còn để hở mặt, cho ai lượm được thì nuôi giùm”, Trúc rơm rớm. Theo bà Phạm Thị Giang, cán bộ xóa đói giảm nghèo của phường, có chuyên môn y tế và đã nguyên là cán bộ UB Dân số - Gia đình và Trẻ em cấp quận, có mặt trong buổi hôm ấy, thì bà tin rằng Trúc nói thật.

Bà Giang nói rằng, trong nỗi lo nghèo đói, lại trong cơn đau vượt cạn mà không có ai bên cạnh, thì tinh thần người đàn bà bị khủng hoảng đến không làm chủ được ý nghĩ và hành động, là điều vẫn thường xảy ra. Và lúc không tinh thần khủng hoảng đến độ không còn lý trí để kiểm soát, nên người đàn bà nghĩ sao làm vậy là điều tất nhiên!

Đã 5 ngày qua kể từ hôm sinh cháu bé, người mẹ này vẫn chưa nhìn thấy mặt con. Biết vậy nên chúng tôi mở đoạn video vừa quay bên nhà bà Công cho chị xem. Xem xong đoạn clip dài 2 phút rưỡi, gương mặt người mẹ trở nên thẫn thờ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đặng Vỹ (Infonet.vn)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN