Cứ 10 người Việt có đến 7 người mắc tim mạch, ung thư, đái tháo đường và hô hấp

Cứ 10 người Việt thì có đến 7 người mắc bệnh không lây nhiễm như tim mạch, ung thư, đái tháo đường và hô hấp. Nhóm bệnh này đã trở thành "cơn sóng ngầm" trong cộng đồng, “kẻ sát nhân” thầm lặng gây ra gần 80% ca tử vong tại Việt Nam.

Thực trạng này được các chuyên gia đưa ra tại hội thảo khoa học “Cập nhật những bước tiến mới trong chẩn đoán và điều trị bệnh không lây nhiễm” tổ chức hôm nay (26/7) ở Hà Nội.

80% ca tử vong ở nước ta do có nguyên nhân từ bệnh không lây nhiễm

Trong phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên - Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam nêu rõ, hiện nay trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng đang phải đối mặt với gánh nặng bệnh tật và tỷ lệ tử vong cao do sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm (ung thư, tim mạch, đột quỵ, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính…).

PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên - Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam phát biểu.

PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên - Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam phát biểu.

Tại Việt Nam, số liệu từ Bộ Y tế cho thấy các bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân của khoảng 80% số ca tử vong và chiếm 74% tổng gánh nặng bệnh tật; 70% gánh nặng chi phí điều trị, dịch vụ y tế đều bắt nguồn từ các bệnh không lây nhiễm. Điều đáng lo ngại nữa là tỉ lệ tử vong do bệnh mạch vành và đột quỵ có xu hướng gia tăng, trở thành nguyên nhân chính gây tử vong trong các bệnh không lây nhiễm.

Mặt khác, bệnh không lây nhiễm là có nguyên nhân phức hợp, nhiều yếu tố nguy cơ, không có nguồn gốc nhiễm trùng, khởi phát từ từ, tiến trình bệnh kéo dài, điều trị dai dẳng và để lại hậu quả nặng nề đối với bệnh nhân và xã hội.

Chia sẻ thêm về gánh nặng bệnh tật của bệnh không lây nhiễm, GS.TS Nguyễn Viết Tiến, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Y khoa Quốc gia cho hay, bệnh không lây nhiễm chính là các 'cơn sóng ngầm' với sức khoẻ. 

Các bệnh tim mạch (tăng huyết áp, đột quỵ suy tim...), ung thư (phổi, gan, đại trực tràng, cổ tử cung, vú...), hô hấp mạn tính (COPD, hen phế quản), đái tháo đường (tuýp 2 và các biến chứng) gây nên gánh nặng bệnh tật hàng đầu, nhưng lại có tỷ lệ lưu hành cao.

Đơn cử, với nhóm bệnh tim mạch, hiện ước tính khoảng 25% người trưởng thành ở nước ta bị tăng huyết áp, cùng đó là đột quỵ, suy tim... Các bệnh lý tim mạch đã cướp đi sinh mạng của khoảng 200.000 người/năm. Còn bệnh ung thư mỗi năm có khoảng gần 183.000 ca mắc mới, gây ra hơn 122.000 ca tử vong; bệnh hô hấp mạn tính đang gây ra gánh nặng tàn phế khi ảnh hưởng đến 4,2% người trên 40 tuổi ở nước ta. Đối với bệnh đái tháo đường, hiện tỷ lệ mắc ở người trưởng thành nước ta là khoảng 5,4%.

GS.TS. Nguyễn Viết Tiến chia sẻ về những gánh nặng bệnh lý không lây nhiễm.

GS.TS. Nguyễn Viết Tiến chia sẻ về những gánh nặng bệnh lý không lây nhiễm.

Các bệnh này không loại trừ bất kỳ ai, từ trẻ nhỏ, phụ nữ, người trưởng thành đến người già, do ảnh hưởng từ thói quen ăn uống thiếu lành mạnh, ít vận động, hút thuốc, rượu bia và căng thẳng kéo dài.

Chẩn đoán muộn khiến người bệnh bỏ lỡ “thời điểm vàng” điều trị

Tại hội thảo, các chuyên gia cho hay hiện nay, đa số người bệnh chỉ được phát hiện khi bệnh đã chuyển nặng. Có đến 65% bệnh nhân ung thư phổi tại Việt Nam được chẩn đoán khi đã ở giai đoạn III và IV, khiến cơ hội điều trị khỏi gần như bằng không.

Do đó, các chuyên gia đều nhấn mạnh chẩn đoán sớm giúp tăng cơ hội sống, đồng thời cho phép can thiệp từ giai đoạn sớm thông qua điều chỉnh chế độ ăn uống, vận động… cũng như các liệu pháp điều trị hoặc dự phòng để ngăn ngừa tiến triển thành bệnh nặng. 

Mặt khác, GS.TS.BS Nguyễn Văn Kính, Phó Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam chỉ ra rằng : Phác đồ điều trị “một cho tất cả” hiện còn phổ biến, khó mang lại hiệu quả quản lý bệnh như mong muốn. Cần cá thể hóa điều trị để dự báo đáp ứng cho từng bệnh nhân, giảm thiểu tác dụng phụ.

Khuyến nghị từ chuyên gia: Chuyển đổi từ "chữa bệnh" sang "chăm sóc chủ động"

Theo Chiến lược quốc gia phòng chống các bệnh không lây nhiễm giai đoạn 2015–2025, Việt Nam xác định mục tiêu trọng tâm là đẩy mạnh dự phòng, nâng cao chăm sóc sức khỏe ban đầu và tăng cường phát hiện sớm.

Trong bối cảnh này, các giải pháp xét nghiệm y khoa giá trị cao, hay còn gọi là xét nghiệm theo hướng cá thể hóa, đang đóng vai trò như chìa khóa giúp ngành y tế chuyển từ tư duy "chữa bệnh" sang "chăm sóc chủ động".

"Xét nghiệm y khoa giá trị cao là công cụ không thể thiếu để nâng cao hiệu quả chẩn đoán và điều trị bệnh không lây nhiễm trong kỷ nguyên y học hiện đại. Nhờ vào các dấu ấn sinh học tiên tiến, bác sĩ có thể xây dựng phác đồ điều trị phù hợp với từng bệnh nhân, dựa trên yếu tố di truyền, môi trường và lối sống, thay vì một phương pháp chung cho tất cả" - GS.TS.BS Nguyễn Văn Kính cho biết.

GS.TS.BS Nguyễn Văn Kính giải đáp thắc mắc của các chuyên gia y tế tại hội thảo.

GS.TS.BS Nguyễn Văn Kính giải đáp thắc mắc của các chuyên gia y tế tại hội thảo.

“Chẩn đoán chính là “kim chỉ nam” cho mọi quyết định điều trị, là chìa khóa mở ra cánh cửa của y học cá thể hóa, giúp tối ưu hiệu quả, tiết kiệm chi phí điều trị và quan trọng nhất là mang lại chất lượng cuộc sống tốt hơn cho bệnh nhân” ông Ricky He, Tổng Giám đốc Roche Việt Nam chia sẻ và khẳng định cam kết lâu dài của Roche đồng hành cùng ngành y tế Việt Nam thông qua việc sát cánh cùng bệnh viện và đội ngũ bác sĩ trong đào tạo và cập nhật khoa học, trở thành đối tác đồng hành đáng tin cậy trên hành trình chăm sóc sức khỏe cộng đồng”.

Hội thảo khoa học "Cập nhật những bước tiến mới trong chẩn đoán và điều trị bệnh không lây nhiễm" do Tổng hội Y học Việt Nam phối hợp cùng Roche Việt Nam tổ chức ngoài phiên toàn thể, còn có 4 phiên chuyên đề quan trọng, mỗi phiên đều mang ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển của lĩnh vực chẩn đoán và điều trị bệnh không lây nhiễm:

Phiên tim mạch: Nhấn mạnh vai trò của dấu ấn sinh học trong cá thể hóa quản lý bệnh nhân tim mạch – một hướng đi tiên tiến trong y học chính xác.

Phiên chăm sóc tích cực: Cập nhật vai trò của Procalcitonin trong sepsis và nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới, cùng các dữ liệu lâm sàng, các khuyến cáo quốc tế và hướng dẫn quốc gia mới nhất.

Phiên giải phẫu bệnh: Trong bối cảnh y học ngày càng hướng đến cá thể hóa điều trị và chẩn đoán chính xác, hóa mô miễn dịch (IHC) đã và đang khẳng định vai trò là một công cụ không thể thiếu trong thực hành giải phẫu bệnh. Phiên chuyên đề này sẽ tập trung trình bày các ứng dụng chẩn đoán song hành trong thực hành giải phẫu bệnh, các ứng dụng lâm sàng nổi bật của hóa mô miễn dịch và các khái niệm mới trong chẩn đoán mô bệnh học và cập nhật giải pháp tiên tiến và hiện đại như giải phẫu bệnh kỹ thuật số.

Phiên sức khỏe thai kỳ: Cập nhật các hướng dẫn về tăng huyết áp, tiền sản giật trong thai kỳ – những vấn đề thiết yếu trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em.

Theo số liệu từ GLOBOCAN 2022, ung thư dạ dày đứng thứ 5 về số ca mắc mới (968.784 ca) và tử vong (660.175 ca) trên toàn Thế giới. Tại Việt Nam, căn...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thái Bình/ Ảnh: Đỗ My ([Tên nguồn])
Bệnh tiểu đường Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN