Cỏ máu bị săn lùng vì lời đồn chữa được ung thư
Uống cỏ máu giúp tăng cân, bổ huyết, mát gan và đặc biệt là chữa được bệnh ung thư… Những lời đồn thổi không ngớt khiến loại cây này đang bị nhiều người săn lùng.
Anh Bùi Văn Vịnh bên những thân cây cỏ máu vừa chặt trong rừng. Ảnh: PV
Người dân dùng thay nước lọc
Trong chuyến công tác cuối năm 2017 lên vùng Tây Bắc, chúng tôi được gia đình anh Bùi Văn Vịnh, trưởng thôn Ong, xã Lạc Sĩ (Lạc Thủy, Hòa Bình) mời ở lại vài ngày để trải nghiệm cuộc sống của người dân nơi đây.
Trong giá lạnh, rét mướt cuối năm, mỗi buổi sáng, anh Vịnh đưa cho chúng tôi mỗi người một cốc nước đỏ au như màu máu. Thoạt nhìn thì hơi rùng mình nhưng khi uống thì thấy vị thanh mát, ngọt miệng, dễ chịu đến tận ruột gan. Người đàn ông tuổi ngoài 40 cho biết: “Đây là cây nhượng hay còn gọi là cây huyết đằng. Người dân thì gọi là cây cỏ máu – Một loài thảo mộc, nhựa đỏ như máu, mọc hoang dại trên các triền núi. Bao đời nay, người dân quê tôi thường đi lấy cây về nấu nước uống, bổ lắm”.
Theo quan sát, thường thì sau khi chặt rễ cây cỏ máu trong rừng, người dân cắt thành những bó nhỏ rồi mang về cắt lát phơi khô. Sau đó, họ đun loại thảo dược này và có thể sắc đi, sắc lại nhiều lần để làm nước uống.
Đặc biệt, dù cây này để khô nhiều năm nhưng sau khi thái nhỏ, sắc nước thì cũng cho ra một loại nước có màu đỏ. Từ xa xưa, người dân biết lấy cây này cho phụ nữ chế uống khi sinh đẻ. Họ bảo rằng, cái thứ nước có màu đỏ như máu đó nó có thể thay thế được máu người và khi người phụ nữ sinh đẻ thường mất nhiều máu nên uống vào để bù lại.
Không những thế, thứ thuốc nấu từ cỏ máu được cho là còn có tác dụng thanh lọc cơ thể, đẩy được những chất bẩn trong người của sản phụ ra ngoài. “Đàn bà ở đây sau khi đẻ chỉ cần uống nước cỏ máu và một số loại thuốc rừng khác nữa khoảng ba ngày là có thể ngồi dậy đi làm việc rồi, không cần ở cữ”, cụ Thoa, một người dân chia sẻ.
Theo lời người dân thôn Ong, loài cây này có công dụng bổ huyết, thông kinh, khỏe gân cốt, chữa đau lưng, nhức mỏi... Họ cũng không biết từ đâu mà người ta đồn thổi rằng cây cỏ máu có khả năng khắc chế và chữa các loại ung thư. Đó là lý do nhiều thương lái đã đổ xô về đây săn lùng và mua lại với giá cao.
Tận thấy việc săn lùng “loài cây máu”
Bụi cây cỏ máu với những dây leo loằng ngoằng màu xanh lá.
Quá trưa, thấy nhóm thanh niên lên rừng lấy rễ cây cỏ máu, Trưởng thôn Vịnh rủ chúng tôi đi cùng cho biết. Không phải chờ đợi lâu, chúng tôi nhanh chóng nhập đoàn. Điểm đến đầu tiên của nhóm là cánh rừng ở đầu thôn Ong với bạt ngàn các vườn cây cây keo chưa vào vụ. Do chưa quen với địa hình nên chúng tôi được trang bị thêm găng tay và ủng chân để tránh xây xát lúc băng rừng.
Sau hai giờ đi bộ, chúng tôi đã vào khá sâu trong rừng. Lúc này, nhóm thanh niên reo lên khi thấy những đoạn dây leo to cỡ cổ tay, loằng ngoằng trước mặt. Một người to cao nhất trong nhóm vung con dao đi rừng sắc ngọt phạt ngang đoạn thân cây. Tức thì, một dòng nhựa đỏ như máu ứa ra. Tất cả cùng vui mừng: “Đúng là cây cỏ máu đây rồi”. Nhanh chóng sau đó, mọi người ra sức chặt cả cụm cây rậm rạp ra thành nhiều đoạn cỡ nửa mét. Sau đó, anh Vịnh vội rút trong túi áo ra nhiều miếng vải nhỏ và bít lại các đoạn thân cây vừa bị chặt, nhẹ nhàng lau những giọt nhựa còn vương sót lại như những giọt máu chưa kịp đông. Chúng tôi tròn xoe mắt, ngơ ngác, trưởng thôn Ong vừa lấy tay lau mồ hôi, giải thích: “Nếu không bít lại “máu” chảy hết, mất hết chất dinh dưỡng”.
Sau khi thu được “chiến lợi phẩm”, nhóm thanh niên hăm hở giới thiệu về tác dụng thần kỳ của cây cỏ máu với chúng tôi: “Uống nước này có thể ngăn ngừa tai biến, thiếu máu não, nhồi máu cơ tim, nhồi máu não. Người không bệnh gì cũng có thể dùng, vì giúp máu lưu thông tốt và có thể làm sạch máu. Chúng tôi cũng không biết cây này có thể chữa được bệnh ung thư không, nhưng nhờ lời đồn thổi ấy mà giá của loại thảo dược này tăng vọt. Một ngày chặt được 5-7 kg rễ tươi là bán được tiền triệu rồi”.
Chữa bệnh ung thư chỉ là đồn thổi
Trở về Hà Nội, chúng tôi đưa câu chuyện cây cỏ máu được đồn thổi chữa bệnh ung thư gặp lương y Nguyễn Hữu Khai – Chủ tịch tập đoàn y dược Bảo Long. Vừa nhìn thấy những lát cắt của rễ cây, vị thầy thuốc vội thốt lên: “Loài thảo dược này quý lắm đấy. Nó có tác dụng bổ huyết còn tốt hơn cả 4 vị thuốc bắc có khả năng bổ huyết khác cộng lại. Ngoài ra còn thông kinh, khỏe gân cốt, chữa đau lưng, nhức mỏi…”.
Lương y Nguyễn Hữu Khai cho biết thêm: “Loài thảo dược này còn có nhiều tên gọi khác như dây bổ máu, cây máu người, cây máu chó, huyết rồng, huyết đằng, đại hoằng đằng, hoạt huyết đằng… Nó có vị đắng, tính bình và dùng dưới dạng thuốc sắc”.
Tuy vậy, khi chúng tôi hỏi về công dụng chữa bệnh ung thư của loài cây này, lương y Khai khẳng định: “Những cây thuốc thuộc họ huyết đằng là vị thuốc bổ, phạm vi sử dụng có giới hạn và cũng chưa có công trình nghiên cứu khoa học nào cho thấy cây cỏ máu dùng để chữa ung thư cả. Có thể một số người bán đã nói vống lên nhằm đánh vào tâm lý của khách hàng để thu lợi”.
Vị chuyên gia này cũng chia sẻ, nhìn cảm quan bên ngoài chúng ta sẽ rất khó có thể phân biệt được vì một số cây nhìn giống nhau nhưng lại khác nhau về loài cũng như công dụng. Chỉ khi chặt thân có nhựa màu đỏ chảy ra như máu nên người ta gọi là cây cỏ máu hay dây máu, có một đặc điểm chung là nước cây nấu ra có màu đỏ. “Dược liệu trước khi đưa vào sử dụng phải được đưa đi kiểm nghiệm, tiêu chuẩn kiểm nghiệm phải đạt theo quy định của Bộ Y tế. Vì vậy, người dân nên đến những bệnh viện, cơ sở y tế để mua các loại thuốc có nguồn gốc rõ ràng, tránh gây ảnh hưởng đến sức khỏe”, lương y Khai lưu ý.
Theo lời anh Vịnh, ở một số khu rừng, cây cỏ máu thường mọc ở nơi có nhiều cây gỗ lớn. Là cây dây leo thường mọc quấn quanh các cây gỗ lớn, chúng sống tựa bên các cây gỗ lớn để sinh tồn. Do vậy, nhiều người dân đi lấy cây cỏ máu đốn hạ những cây gỗ lớn để kéo thân cây cỏ máu xuống. Chính vì vậy mà một số cánh rừng có nguy cơ bị đốn hạ chỉ để đi thu hái loài cây này. |
Là loại thực phẩm rất tốt cho sức khỏe, đáp ứng lượng lớn nhu cầu dinh dưỡng hằng ngày nhưng không phải ai cũng biết...