Chưa thả nổi việc sinh đẻ

Việt Nam hiện vẫn là nước đông dân. Nếu thả nổi công tác dân số sẽ gây sức ép, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội.

Trước những thông tin cho rằng Việt Nam nên bãi bỏ chính sách “sinh từ 1-2 con” vì nguy cơ già hóa dân số, thiếu hụt nguồn lực lao động, mất cân bằng giới tính, vi phạm nhân quyền… đại diện Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình - Bộ Y tế có buổi gặp gỡ báo chí vào ngày 17/7.

Phụ nữ ở TPHCM sinh con ít nhất

TS Dương Quốc Trọng, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, cho biết 50 năm qua, tổng tỉ suất sinh tính chung cả nước (số con trung bình của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ) giảm từ 6,3 con (năm 1961) xuống còn 2,06 (năm 2006); đến năm 2011 là 1,99 và 2012 là 2,05. Hiện tổng tỉ suất sinh đạt dưới mức sinh thay thế (2,1 con) nhưng không đồng đều giữa các vùng miền.

Cũng theo TS Dương Quốc Trọng, hiện tổng tỉ suất sinh thấp nhất là TP HCM, với số con trung bình của mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ chỉ có 1,33 con; nhiều tỉnh như Long An, Tiền Giang, Hậu Giang, Cà Mau, Cần Thơ… cũng chỉ dao động từ 1,5 đến 1,6; trong khi đó các tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, các huyện miền núi miền Trung lại từ 3-3,4 (gấp 2-2,5 lần).

Chưa thả nổi việc sinh đẻ - 1

Cán bộ dân số tuyên truyền cho người dân về công tác dân số

“Nếu tỉ suất sinh xuống đến 1,3 thì việc vực lại mức sinh thay thế rất khó, dân số sẽ già hóa nhanh chóng dẫn đến thiếu nguồn lao động vì người già ngày càng nhiều còn người trong độ tuổi lao động thì ít đi. Vì thế, riêng TP HCM, chúng tôi khuyên mỗi cặp vợ chồng nên sinh 2 con” - TS Dương Quốc Trọng khẳng định.

Cho rằng mức sinh thấp và tiếp tục giảm trong bối cảnh nước ta bước vào thời kỳ già hóa dân số, mất cân bằng giới tính khi sinh, GS-TS Nguyễn Đình Cử, nguyên viện trưởng Viện Dân số và Các vấn đề xã hội (ĐH Kinh tế Quốc dân), khuyến nghị nên nới lỏng chính sách giảm sinh và bỏ chính sách “1-2 con”, thay vì các quy định mang tính chất hành chính nên tuyên truyền, vận động để mọi người có ý thức thực hiện. Như vậy, sẽ giải phóng được tâm lý cho người dân vì việc sinh đẻ mà nhà nước cũng phải quy định thì sẽ rất nặng nề.

Dẫn chứng về chính sách một con của Trung Quốc, GS-TS Nguyễn Đình Cử cho biết Trung Quốc đang đối mặt với nguy cơ khủng hoảng người già do đang có hơn 200 triệu người thuộc diện cao tuổi. Khoảng 10-20 năm nữa, 30%-40% dân số Trung Quốc sẽ là người già, nhiều người phụ thuộc thì chi phí cho an sinh xã hội sẽ tăng.

Thả nổi sẽ gây sức ép

Trước những lo ngại mức sinh giảm nhanh kéo theo nhiều hệ lụy, TS Dương Quốc Trọng cho rằng nước ta vẫn là một nước đông dân, với tổng số 88,7 triệu người (2012). Năm 2012 chúng ta đứng hàng thứ 14 về dân số trên toàn thế giới và là nước có mật độ dân số cao (256 người/km2), gấp 5 lần so với bình quân của thế giới và 2 lần so với khu vực châu Á. Ngay cả so với nước đông dân như Trung Quốc, mật độ dân số của nước ta cũng cao gấp 1,8 lần. Vì thế, nếu thả nổi công tác dân số sẽ gây sức ép, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội.

TS Dương Quốc Trọng khẳng định Việt Nam không có chính sách mỗi cặp vợ chồng chỉ có từ 1-2 con mà chỉ tuyên truyền, vận động để người dân thực hiện. Việc sinh từ 1-2 con không chỉ lợi ích cho xã hội mà còn có lợi cho từng gia đình. Trung Quốc có phạt tiền nhưng chính sách này đang để lại nhiều hệ quả. Chẳng hạn như việc 4 ông bà, 2 bố mẹ đang chăm sóc cho một đứa trẻ thì sau 20 năm nữa công thức này sẽ quay ngược lại, 1 người sẽ phải chăm sóc 6 người. Đó là thảm họa!

TS Dương Quốc Trọng cho biết nước ta không có quy định xử phạt đối với hành vi sinh con thứ ba trở lên nhưng cán bộ đảng viên sinh con thứ ba trở lên sẽ bị xử lý theo quy định của Điều lệ Đảng và các văn bản liên quan. Các thành viên của cơ quan, tổ chức thì chấp hành kỷ luật theo quy chế, điều lệ hoặc các hình thức khác do cơ quan, tổ chức ban hành.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngọc Dung (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN