Cảnh giác ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn tụ cầu vàng

Tụ cầu vàng là một nguyên nhân gây nên ngộ độc thức phẩm hay gặp nhất.

Đặc điểm của tụ cầu vàng là có khả năng sống trong môi trường tự nhiên một cách dễ dàng (không khí, đất, nước, trên da, mũi, họng, amiđan) và có khả năng sinh ra cả nội và ngoại độc tố, trong đó ngoại độc tố gây nên bệnh đường ruột được gọi là độc tố ruột (enterotoxin) là loại cực kỳ mạnh, chịu nhiệt.

Với nhiệt độ 100 độ C trong vòng 15 phút vẫn chưa thể làm hủy hoại được độc tố này. Vì vậy, khi trong thực phẩm dù đã đun nấu chín làm chết hết vi khuẩn tụ cầu vàng nhưng độc tố của chúng vẫn còn tồn tại, nếu ăn phải thì bị ngộ độc. Muốn khử độc tố tụ cầu vàng thì phải đun sôi thức ăn (100 độ C) ít nhất 2 giờ.

Cảnh giác ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn tụ cầu vàng - 1

Đặc điểm của tụ cầu vàng là có khả năng sống trong môi trường tự nhiên một cách dễ dàng. Ảnh chỉ mang tính minh họa.

Bệnh ngộ độc thực phẩm do tụ cầu vàng xảy ra có khi lẻ tẻ, mang tính chất gia đình, nhưng nhiều trường hợp là cả một tập thể do ăn chung thực phẩm của bếp ăn tập thể hoặc mua thực phẩm chín (bánh mì,kẹp thịt) đều ở một cửa hàng nào đó. Bệnh xảy ra có tính đột ngột, cấp tính nhưng thường là kết thúc nhanh.

Thời gian ủ bệnh của ngộ độc do tụ cầu vàng rất ngắn, khoảng từ 1-6 giờ, trung bình là 3 giờ. Thời kỳ toàn phát, người bệnh thấy đau bụng quặn, đi ỉa chảy, kèm theo chóng mặt, buồn nôn, nôn dữ dội. Bệnh thường có biểu hiện đau đầu, mạch nhanh nhưng không sốt (thân nhiệt của người bệnh vẫn bình thường hoặc hơi sốt do mất nước).

Bệnh sẽ khỏi hoàn toàn sau 1-2 ngày, ít khi có tử vong. Tuy vậy, cần cảnh giác cao với những người bệnh ăn phải số lượng độc tố nhiều, độc lực mạnh, trong khi đó sức đề kháng của cơ thể lại yếu.

Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là ngộ độc thức phẩm do tụ cầu vàng là cần ăn chín, uống nước đã đun sôi. Với các loại thức phẩm để đảm bảo vệ sinh an toàn là cả một quá trình từ việc chọn thực phẩm đảm bảo, chế biến, cất giữ, bảo quản đến quá trình giữ vệ sinh trong khâu chế biến, đun nấu. Nên chọn thực phẩm loại tươi, không ươn, không ôi, thiu và không dùng thực phẩm đã hết hạn sử dụng (khi mua trong siêu thị).

Thực phẩm sau khi mua khoảng 2 giờ tại các cửa hàng hay siêu thị cần được bảo quản lạnh. Đối với các loại thực phẩm như thịt, hải sản có thể dự trữ trong ngăn đá của tủ lạnh khoảng 2 ngày, còn đối với thịt bò, thịt bê, thịt cừu thì có thể từ 3 - 5 ngày.

Cần vệ sinh dụng cụ chế biến thực phẩm trước và sau khi sử dụng (rửa sạch bằng xà phòng, sau đó nhúng vào nước đang sôi nhằm diệt hết vi khuẩn, trong đó có cả vi khuẩn tụ cầu vàng).

Tuyệt đối không mua, không ăn thực phẩm đã ôi, thiu vì rất dễ thực phẩm đã nhiễm vi khuẩn, kể cả tụ cầu vàng. Khi mua các loại thực phẩm chế biến sẵn như bánh mì kẹp chả, thịt hoặc các loại thức ăn đường phố thì ít nhất cũng phải xem xét kỹ cửa hàng đó, quầy bán thực phẩm đó có đảm bảo vệ sinh không.

Tốt nhất là hạn chế đến mức tối đa dùng thức ăn đường phố ở những khu dân cư vệ sinh môi trường còn nhiều bất cập. Khi nghi ngờ ngộ độc thực phẩm cần đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo PGS. TS. Bùi Khắc Hậu (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN