Các nạn nhân tố cáo BV FV tới Chủ tịch nước

Không chỉ mình gia đình ông Mai Trung Kiên mà cả hai gia đình khác có thân nhân tử vong khi điều trị tại bệnh viện Pháp Việt (FV) TP. Hồ Chí Minh cùng làm đơn tố cáo gửi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Văn phòng Chủ tịch nước yêu cầu Bộ Y tế giải quyết và trả lời cho Văn phòng Chủ tịch nước trước ngày 30/10/2012.

Ngày 28/9 Văn phòng Chủ tịch nước đã có văn bản số 1376/VPCTN-PL gửi Bộ Y tế nêu rõ: Văn phòng Chủ tịch nước đã chuyển đến Bộ Y tế bản sao đơn của gia đình bà Mai Thu Trang cùng gia đình bà  Nguyễn Thị Ngoạt và Nguyễn Thị Cận gửi đến Văn phòng Chủ tịch nước.

Nội dung đơn: Gia đình bà Mai Thu Trang đại diện cho các gia đình tố cáo BS Lê Đức Tuấn về việc làm rõ trách nhiệm chuyên môn kém tại Bệnh viện FV, địa chỉ số 6 Nguyễn Lương Bằng, Quận 7, TP Hồ Chí Minh đã dẫn đến tử vong cho bố bà là ông Mai Trung Kiên, đồng thời yêu cầu bệnh viện FV phải công khai xin lỗi và bồi thường mọi chi phí tổn thất cho gia đình. Văn phòng Chủ tịch nước trân trọng chuyển đến Bộ Y tế chỉ đạo kiểm tra, xem xét giải quyết theo thẩm quyền, trả lời đương sự và báo cáo cho Văn phòng Chủ tịch nước biết kết quả trước ngày 30/10/2012.

Ngày 1/10, chị Mai Thu Trang (con gái bệnh nhân Mai Trung Kiên - bệnh nhân mổ ruột thừa đã bị tử vong tại bệnh viện FV) cho biết, sau khi bệnh viện FV phản đối kết luận của hội đồng chuyên môn Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, 2 gia đình nữa có thân nhân tử vong khi điều trị tại bệnh viện FV cũng liên hệ với gia đình chị.

3 gia đình đã cùng viết đơn tới Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tố cáo bệnh viện FV vì trình độ chuyên môn kém, thái độ tắc trách, thiếu y đức của đội ngũ bác sĩ đã dẫn đến nhiều cái chết oan uổng cho bệnh nhân.

Theo đó, ngoài trường hợp ông Mai Trung Kiên như Kienthuc.net.vn đã đưa tin, trường hợp bà Nguyễn Thị Ngoạt (SN 1936) ở 93 Nguyễn Hữu Thọ, thị xã Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và bà Nguyễn Thị Cận (SN 1935) ở 53-55-57 đường 53, Phường Tân Tạo, quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh đều bị gãy xương đùi, nhập viện điều trị tại Bệnh viện FV và đều tử vong.

Chết vì không được đi đại tiện?

19h ngày 28/5/2012, bà Nguyễn Thị Ngoạt té ngã và được chẩn đoán là bị gãy xương đùi trái. Ngày 29/5/2012, gia đình đưa bà nhập viện FV để điều trị vết thương gãy xương đùi.

Gia đình đã thông báo cho bệnh viện biết tiền sử bệnh nhân có bệnh tiểu đường và men gan cao. Bệnh viện trả lời việc đó nằm trong tầm kiểm soát.

11h30 ngày 30/5, bà Ngoạt được ấn định mổ. Trước khi vào mổ bà có nói với điều dưỡng muốn được đi đại tiện thì điều dưỡng trả lời rằng đã đến giờ mổ, không kịp cho xổ phân, để sau khi mổ xong sẽ tính. Nhưng đến khoảng 13h30, bệnh viện FV mới tiến hành mổ cho bà Ngoạt. Bác sĩ Lê Trọng Phát là người thực hiện ca mổ kéo dài trong khoảng 02 giờ. Sau khi mổ xong, bà Ngoạt được đưa lên phòng theo dõi.

Sáng ngày 1/6, khoảng 1 giờ sau khi bác sĩ tháo toàn bộ dụng cụ hỗ trợ trên người ra thì sức khỏe bà Ngoạt xấu đi và được chỉ định truyền máu. Ngay khi đang truyền máu, bà Ngoạt có các triệu chứng như: ói, sốt, tăng huyết áp, nói sảng, đau bụng, bụng bị trương lên và muốn đi đại tiện… Gia đình yêu cầu điều dưỡng gọi bác sĩ đến kiểm tra nhưng chờ mãi vẫn không có bác sĩ đến khám với lý do điều dưỡng đưa ra là: “Giờ này gặp bác sĩ rất khó, cuối tuần không có bác sĩ".

Các nạn nhân tố cáo BV FV tới Chủ tịch nước - 1

Văn bản Văn phòng Chủ tịch nước gửi Bộ Y tế.

Đến 20h, bụng bà Ngoạt trướng to và khó thở, điều dưỡng đã tìm cách tháo phân nhưng bà Ngoạt vẫn khó thở và đau bụng nhiều hơn. 30 phút sau, bà Ngoạt lâm vào trong tình trạng nói sảng rồi hôn mê.

Đến 9h sáng ngày 2/6, khi gia đình tiếp tục yêu cầu thì BS Phát đến khám, cho tiến hành xét nghiệm tổng quát như: lấy nước tiểu, lấy máu, siêu âm, đo tim mạch và chụp CT để kiểm tra gan. Bác sĩ Phát nói là ông nghi ngờ phân còn tồn nhiều, gây nén hơi là nguyên nhân làm cho bụng bị trướng và có khả năng bị nhiễm trùng đường tiểu.

Khoảng 16h cùng ngày, bà Ngoạt được chuyển vào phòng chăm sóc đặc biệt, sức khỏe bà càng ngày càng nguy kịch và đến ngày 16/6 thì tử vong (gia đình xin xuất viện).

Không có kinh nghiệm chạy thận nên gây tử vong?

Trường hợp bà Nguyễn Thị Cận vào điều trị gẫy xương đùi trái tại BV FV trong khi đang bị suy thận mạn, được điều trị và lọc máu định kì 02 lần/tuần tại Khoa Thận nhân tạo Bệnh viên Chợ Rẫy từ 03 năm nay, tình trạng sức khỏe ổn định, sinh hoạt bình thường, chưa bao giờ bị phù hay phải vào cấp cứu.

Khi vào điều trị, Bệnh viện FV đảm bảo việc chạy thận cho bà Cận và không đồng ý cho bà Cận chạy thận định kỳ tại Bệnh viện Chợ Rẫy trong thời gian phẫu thuật xương đùi tại FV. Tuy nhiên, trong thời gian điều trị tại FV, tình trạng suy thận của bệnh nhân ngày càng trở nên bất ổn, biểu hiện bởi tình trạng ứ dịch ngày càng nặng, đưa đến biến chứng viêm phổi nặng, nhiễm trùng phổi và tử vong.

Anh Lê Văn Vui (con trai bà Cận) cho biết, theo sự tư vấn của các bác sĩ có chuyên môn, nguyên nhân tử vong của bà Cận là do FV thiếu trách nhiệm trong việc điều trị; lơ là, không quan tâm theo dõi tình trạng bệnh nhân, thiếu kinh nghiệm trong việc chạy thận và điều trị cho bệnh nhân có bệnh thận mạn.

Trong đơn, các gia đình nêu: ngoài 3 trường hợp trên còn có rất nhiều các bệnh nhân khác cũng gặp phải những hoàn cảnh tương tự, bị biến chứng hoặc tử vong do sự tắc trách và chuyên môn kém của đội ngũ bác sĩ bệnh viện FV.

Hơn thế nữa, tất cả mọi người đều vô cùng bức xúc khi BV FV luôn thu mức viện phí rất cao, có thể nói là cao nhất Việt Nam hiện nay, nhưng chất lượng dịch vụ thì không tương xứng cùng với trình độ chuyên môn thấp kém, thái độ vô trách nhiệm, thiếu y đức của đội ngũ bác sĩ.

Các gia đình mong muốn Chủ tịch nước chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý triệt để những sai phạm của Bệnh viện FV.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Kiến thức
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN