Bố mẹ đều là bác sĩ: Con nôn ra máu vì tự ý điều trị

Có cả bố lẫn mẹ đều là bác sĩ ấy thế mà khi đưa con đến viện thì cháu bé đã nôn ra máu. Khi hỏi tiền sử các bác sĩ mới phát hiện bố mẹ sử dụng ibuprofel hạ sốt cho con.  

Lạm dụng thuốc hạ sốt

BS Đỗ Thiện Hải, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm, BV Nhi Trung ương cho biết, mùa hè cũng là mùa của nhiều dịch bệnh truyền nhiễm do các do virus vì thế diễn biến bệnh rất nhanh. Triệu chứng ban đầu của trẻ thường sốt, xuất hiện những nốt ban đỏ… Chính vì những đặc điểm này nên nhiều cha mẹ dễ nhầm lẫn. Trong khi đó, bố mẹ lại tự ý dùng thuốc hạ sốt cho trẻ khi chưa xác định được chính xác bệnh dẫn đến nguy hiểm cho trẻ.

Bố mẹ đều là bác sĩ: Con nôn ra máu vì tự ý điều trị - 1

Bố mẹ không nên tự ý điều trị cho trẻ

Đây là việc làm hết sức nguy hiểm. Dẫn chứng điều này BS Hải chỉ ra, một vài năm trước,thuốc ibuprofel được coi như “ thần dược” hạ sốt cực kỳ hiệu quả. Tuy nhiên, loại thuốc này chỉ tốt cho những bệnh nhân mắc tay chân miệng nhưng lại “kị” với bệnh nhân sốt xuất huyết vì nó gây chảy máu niêm mạc, xuất huyết đường tiêu hóa.

Trong khi đó, do thiếu hiểu biết nên nhiều bậc phụ huynh lại sử dụng loại thuốc hạ sốt này khá phổ biến. Chỉ cần con hắt hơi, sổ mũi, sốt, ho… lập tức cha mẹ liền ra hiệu thuốc gần nhà mua về.

Thậm chí, theo BS Đỗ Thiện Hải, đã có trường hợp bệnh nhi có cả bố lẫn mẹ đều là bác sĩ khi đưa con đến bệnh viện thì cháu bé đã nôn ra máu. Khi hỏi tiền sử bố mẹ cháu cho biết đã sử dụng ibuprofel hạ sốt, kết quả xét nghiệm của cháu bé lại là mắc bệnh sốt xuất huyết.

Cứ mắc bệnh… là truyền dịch

Ngoài việc tự mua thuốc điều trị thì, một việc làm khác cũng hết sức sai lầm của các y bác sĩ tuyến cơ sở là lạm dụng truyền nước. Theo BS Hải, có tới 70%-80% trẻ ở tuyến dưới mắc bệnh tay chân miệng chuyển lên đã được tiêm kháng sinh, truyền dịch. Không ít trong số này bị mắc bệnh viêm phổi.

Nguyên nhân xảy ra tình trạng này theo BS Hải là do tâm lý bà mẹ thấy con sốt vào bệnh viện là lại xin được cho con truyền nước. “Chỉ truyền dịch khi trẻ nôn nhiều, sốt cao kéo dài 2 ngày, ăn kém, mất nước, không nên lạm dụng truyền dịch.

Việc truyền dịch cần phải thận trọng, cần có chỉ định cụ thể về loại dịch, tốc độ truyền… nếu truyền đúng thì rất tốt, không thì nguy cơ rủi ro rất cao. Có thể dẫn đến viêm phổi, phù phổi, suy tim ở trẻ do quá thừa dịch”- BS Hải cảnh báo.

BS Hải nhấn mạnh, các bệnh do virus thường diễn biến nhanh nên việc đi khám kịp thời rất quan trọng. Để phòng tránh các biến chứng đáng tiếc cho trẻ để đảm bảo an toàn cho trẻ, sau 2 ngày cơn sốt không có dấu hiệu hạ, cần khẩn trương đưa trẻ đến viện, tuyệt đối không được tự ý điều trị.

Để chủ động phòng tránh các bệnh lây nhiễm mùa hè, BS. Hải khuyến cáo mọi người khi đến chỗ đông người, bệnh viện về phải vệ sinh sạch sẽ, nhất là đôi tay, cùng đó là nâng cao sức khỏe. Khi có người mắc bệnh hô hấp nên hạn chế người nhà vào thăm để tránh lây bệnh; khi vào thăm nên đeo khẩu trang, về nhà cần vệ sinh sạch sẽ để tránh lây nhiễm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quỳnh Anh (Infonet)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN