Bệnh Whitmore không lây từ người sang người nhưng tỉ lệ tử vong cao

1 trong 2 bệnh nhi điều trị tại BV Nhi Trung ương đã tử vong vào tối 11/11 do sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng nặng.

Vừa qua, trong 3 trường hợp mắc Whitmore có 2 trẻ em ở tỉnh Thanh Hóa điều trị tại Bệnh viện Nhi trung ương. Tuy nhiên, 1 trong 2 bệnh nhi đã tử vong vào tối 11/11 do sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng nặng.

Đến nay, trường hợp còn lại hiện đang được điều trị tích cực, theo dõi chặt chẽ.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cho rằng, bệnh Whitmore không phải là hiếm, song không gây ra dịch và không lây truyền từ người sang người. Vi khuẩn gây bệnh chủ yếu xâm nhập vào cơ thể thông qua vết thương hở, xây xước trong sinh hoạt hoặc do tai nạn. Khi nhiễm bệnh dễ dẫn tới bệnh cảnh lâm sàng rất nặng nề. Đơn cử như vi khuẩn này gây nhiễm trùng huyết, tổn thương tại chỗ và đặc biệt là tổn thương vào phổi.

(Ảnh minh họa). 

(Ảnh minh họa). 

Bệnh có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng: Sốt, với các kiểu sốt cơn hoặc sốt kèm theo lạnh run, sốt kéo dài, suy hô hấp, loét da, viêm đường tiết niệu, viêm phổi, áp xe ở gan, lách, nhiễm trùng huyết, suy đa phủ tạng...

Chính vì vậy, Whitmore khó chẩn đoán, hay bị nhầm sang viêm phổi, lao phổi, áp xe cơ, nhiễm trùng huyết do các vi khuẩn khác như tụ cầu, liên cầu… Những người có bệnh nền, như: Đái tháo đường, bệnh gan, thận, phổi mạn tính, suy giảm miễn dịch... có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Theo các chuyên gia truyền nhiễm, 90% trường hợp mắc bệnh có biểu hiện nhiễm khuẩn huyết và viêm phổi; 50% người bệnh có nguy cơ biến chứng sốc nhiễm khuẩn và tử vong. Vi khuẩn gây bệnh cũng đã khiến nhiều trường hợp tử vong trong những năm gần đây. Riêng năm 2020, vào đợt lũ diễn ra vào tháng 10 ở tỉnh Quảng Trị đã có tới 30 người nhiễm whitmore, trong đó có 4 người tử vong.

Do bệnh có biểu hiện lâm sàng đa dạng và khó chẩn đoán, do đó khi có ca bệnh nghi ngờ cần tổ chức hội chẩn khoa, hội chẩn liên khoa, liên viện để kịp thời chẩn đoán và chỉ định xét nghiệm cho phù hợp.

Đồng thời, tăng cường truyền thông trong bệnh viện để người bệnh, người nhà người bệnh nắm được các biện pháp phòng chống bệnh.

Hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh Whitmore. Các biện pháp phòng bệnh chủ yếu là đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, sử dụng bảo hộ lao động khi làm việc có tiếp xúc với đất, nước bị nhiễm khuẩn hoặc trong môi trường không đảm bảo vệ sinh, làm sạch hoàn toàn vết rách da, trầy xước hoặc bỏng bị nhiễm bẩn và thực hiện ăn chín uống chín…

Để chủ động phòng bệnh Whitmore, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần:

- Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với đất, nước bẩn, đặc biệt tại những nơi bị ô nhiễm nặng. Không tắm gội, bơi, ngụp lặn ở các ao, hồ, sông tại/gần nơi bị ô nhiễm.

- Sử dụng đồ bảo hộ lao động (giày, ủng, găng tay…) đối với những người thường xuyên việc ngoài trời, tiếp xúc với đất, bùn và nước bẩn.

- Đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch, đặc biệt là trước và sau khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi đi làm ruộng.

- Thực hiện ăn chín, uống chín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; không giết mổ, ăn thịt động vật, gia súc, gia cầm bị ốm chết.

- Khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì sử dụng băng chống thấm và cần được rửa sạch đảm bảo vệ sinh.

- Những người có bệnh tiểu đường, bệnh gan, thận, phổi mạn tính, suy giảm miễn dịch cần được chăm sóc, bảo vệ các vết thương để ngăn ngừa nhiễm khuẩn.

- Khi nghi ngờ nhiễm bệnh cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám phát hiện và điều trị kịp thời.

Nguồn: [Link nguồn]

Từ vụ trẻ 15 tuổi tử vong vì bệnh Whitmore: Nhận biết các biểu hiện thường gặp của bệnh

Bệnh có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, có thể diễn biến nặng, tử vong, đặc biệt ở những người có bệnh nền.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo HÀ ANH ([Tên nguồn])
Vi khuẩn Whitmore ăn mòn cơ thể Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN