Báo động lạm dụng kháng sinh

Theo một công bố mới nhất của Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) tại Hội thảo về “Sử dụng kháng sinh”, các loại thuốc kháng sinh bán không theo đơn kê của bác sĩ chiếm tỷ lệ lên đến 88% tại các nhà thuốc thành thị và 91% tại các nhà thuốc nông thôn.

Những loại kháng sinh được bán phổ biến là amoxicillin, cephalexin, ampicillin, azithromycin, spiramycin, cefuroxime, cefxime...

ThS Cao Hưng Thái - Phó cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh nhấn mạnh, tình trạng sử dụng thuốc kháng sinh không theo kê đơn là do người dân hoàn toàn tự ý đi mua. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng kháng thuốc, gia tăng chi phí điều trị, nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe cho người bệnh rất lớn. Vì vậy, người dân cần phải nâng cao nhận thức của mình trong việc sử dụng thuốc kháng sinh, không tự ý làm thầy thuốc... Bên cạnh đó, các cơ sở bán thuốc cũng chỉ nên bán thuốc khi có đơn kê của bác sĩ.

Báo động lạm dụng kháng sinh - 1

Thuốc kháng sinh bán không theo đơn kê của bác sĩ chiếm tỷ lệ lên đến 88% tại các nhà thuốc

TS Trần Minh Điển - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương lưu ý thêm, đối với trẻ nhỏ, khi trẻ bị ốm, các bậc phụ huynh hay tự ý dùng kháng sinh. Đây là một việc làm không hợp lý. Do kháng sinh là một loại thuốc giúp cơ thể của trẻ chống đỡ lại vi khuẩn, vì vậy chỉ khi bị nhiễm khuẩn mới cho trẻ sử dụng kháng sinh. Nếu các bậc phụ huynh sử dụng kháng sinh không đúng sẽ dẫn tới rất nhiều nguy cơ cho trẻ.

Ví dụ, có loại thuốc có thể gây ra hội chứng xanh tái ở trẻ sơ sinh hoặc nhóm thuốc tetracyclin khi sử dụng đối với trẻ 8 tuổi có thể gây hỏng mầm răng của trẻ; những nhóm thuốc kháng sinh khác khi sử dụng tiêm có thể gây nguy cơ điếc cho trẻ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quảng Hà (Gia đình & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN