6 thói quen gây hại cho thận nhưng nhiều người vẫn hay mắc phải

Sự kiện: Sống khỏe

Uống quá ít nước, ăn quá mặn, ăn nhiều các thực phẩm chế biến sẵn hay hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia… là những thói quen xấu cần loại bỏ để tránh mắc các bệnh lý về thận.

Trong cơ thể, thận giữ nhiệm vụ lọc và đào thải những chất cặn bã, giữ cho các yếu tố nước, điện giải, kiềm toan được quân bình. Nếu các chất thải này không được đào thải, cơ thể sẽ mệt mỏi, không có sức làm việc, thiếu máu, chán ăn, buồn nôn, mất ngủ, thậm chí hôn mê, co giật.

Do đó, việc giữ cho thận được khỏe mạnh là một việc làm vô cùng quan trọng, giúp phòng ngừa các nguy cơ biến chứng như: tăng huyết áp, tiểu đường, tim mạch…

Tuy nhiên, theo ThS.BS Huỳnh Ngọc Phương Thảo, Trưởng Khoa Nội Thận - Thận nhân tạo, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, bệnh thận ngày càng phổ biến trong cộng đồng, trong khi nhận thức của người dân về vấn đề này chưa cao.

Thống kê trên thế giới có khoảng 10% dân số mắc bệnh thận mạn, tương đương khoảng 850 triệu người và 2 triệu người cần áp dụng biện pháp điều trị.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Cũng theo BS Phương Thảo, hàng năm, phòng khám Nội thận của Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM tiếp nhận hơn 30.000 lượt người đến khám và số lượng tăng 30% qua các năm.

Các chuyên gia nhận định, thận làm việc liên tục với cường độ cao mỗi ngày giúp cơ thể cân bằng nước và chất hòa tan nhưng bệnh lý thận lại tiến triển hết sức âm thầm. Người bệnh chỉ phát hiện ra bất thường khi suy thận đã nặng.

Vì vậy để có thận khỏe mạnh việc làm cần thiết là loại bỏ những thói quen xấu gây hại thận, đồng thời phải tầm soát sức khỏe định kỳ để có thể phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, giúp việc điều trị bệnh thận hiệu quả hơn.

Một số thói quen xấu gây hại cho thận

Uống ít nước

Theo TS.BS Dương Văn Trung, Trưởng Khoa Ngoại Tiết Niệu, Bệnh viện Bưu điện, thói quen phổ biến nhất làm hại thận là uống quá ít nước. Chức năng chính của thận là loại bỏ chất thải từ quá trình trao đổi chất khỏi cơ thể và điều chỉnh việc sản xuất các tế bào hồng cầu.

Để làm điều này, thận cần nước và đúng hơn là cần một lượng nước nhất định. Khi chúng ta không uống đủ nước, máu sẽ bị cô đặc và lưu lượng máu đến thận sẽ ít hơn. Do đó cản trở thận loại bỏ độc tố khỏi cơ thể, dẫn đến rất nhiều vấn đề không tốt cho sức khỏe.

Ăn quá mặn

Theo nghiên cứu, ăn nhiều muối sẽ khiến cơ thể phải thu nạp nhiều nước, dẫn tới tuần hoàn máu đến cầu thận tăng, buộc thận phải làm việc nhiều hơn để lọc máu. Nếu đã bị bệnh thận mà bệnh nhân vẫn sử dụng đồ ăn mặn thì bệnh sẽ ngày càng nặng.

Thường xuyên ăn thực phẩm chế biến sẵn

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, thực phẩm đã qua chế biến chứa khá nhiều natri và phốt pho. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, người khỏe mạnh bình thường nếu hấp thu nhiều phốt pho từ thực phẩm chế biến sẵn, có thể gây hại cho thận và xương.

Hút thuốc lá

Thuốc lá không chỉ gây ra các bệnh về đường hô hấp, tăng nguy cơ mắc ung thư, mà còn ảnh hưởng đến mạch máu và cản trở sự lưu thông máu đến các cơ quan khác. Khi sự lưu thông máu đến thận bị ảnh hưởng, chức năng của thận có xu hướng bị ảnh hưởng.

Uống nhiều rượu bia

Theo BS Dương Văn Trung, thận giúp lọc các chất có hại cho cơ thể, bao gồm cả rượu. Vì vậy, khi chúng ta uống nhiều rượu, thận phải chịu nhiều áp lực, làm việc nhiều hơn. Uống rượu thường xuyên làm hại hệ thống tiết niệu. Rượu làm cơ thể mất nước trầm trọng. Rượu cũng là một nguyên nhân gây ra bệnh gan, do đó làm cản trở sự điều hòa lưu lượng máu đến thận.

Thức khuya

Thói quen thức khuya lâu ngày có thể dẫn tới nhiều căn bệnh, trong đó có các bệnh về thận. Khi chúng ta ngủ, cơ thể bạn sẽ tái tạo những tế bào thận đã bị phá hủy, bởi vậy hãy cho cơ thể một giấc ngủ đủ 8 tiếng để có thời gian phục hồi các tế bào thận.

Để hạn chế mắc các bệnh lý về thận, các chuyên gia khuyến cáo, cần uống đủ nước mỗi ngày đồng thời có chế độ dinh dưỡng lành mạnh, bổ sung đầy đủ các loại thực phẩm đủ năng lượng, ăn nhiều rau xanh, trái cây, hạn chế bột đường và muối mặn.

Bên cạnh đó, tăng cường tập thể dục để nâng cao sức khỏe, giảm huyết áp và phòng tránh nguy cơ mắc bệnh thận mãn tính. Vận động để bảo vệ thận và tham gia các hoạt động thể chất lành mạnh phù hợp với thể lực của mỗi người như chạy bộ, đạp xe, chơi cầu lông…để duy trì sự năng động của cơ thể, đồng thời đào thải các chất độc ra bên ngoài bằng mồ hôi, đường tiểu.

Nguồn: [Link nguồn]

2 quả thận quý giá bị hỏng vì nhiều người không biết những điều này sớm hơn

Thận là bộ phận vô cùng quan trọng nhưng cũng rất dễ tổn thương. Bạn nên tìm hiểu kỹ cách bảo vệ 2 quả thận quý như vàng để tránh "ôm hận" nhưng đã muộn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Anh Khôi ([Tên nguồn])
Sống khỏe Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN