14 tuổi đã nghiện rượu, thường xuyên nhìn thấy quái vật dị thường

Sự kiện: Thời sự

Bệnh nhân nghiện rượu đến mức xuất hiện hội chứng mê sảng, run rẩy chân tay, loạn thần, nói lảm nhảm, thường xuyên nhìn thấy những hình ảnh quái vật dị thường.

14 tuổi đã nghiện rượu, thường xuyên nhìn thấy quái vật dị thường - 1

Bệnh nhân 24 tuổi đã nghiện rượu được 10 năm.

Hôn mê, suy gan do rượu

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cũng cảnh báo, gần đây tệ nạn rượu bia ở Việt Nam đang gia tăng khủng khiếp.

Tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, số người nghiện rượu gia tăng, nhiều người chỉ uống rượu mà ăn rất ít nên suy kiệt và sức đề kháng suy giảm. Đặc biệt có những bệnh nhân còn rất trẻ nhưng đã có hàng chục năm nghiện rượu dẫn đến xơ gan do rượu và viêm phổi. 

Tại khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương có khoảng 25% số ca nhập viện do nghiện rượu.

Mới gần đây, Khoa tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Văn Đ. ở Hưng Yên bị chứng viêm phổi do nghiện rượu. Mặc dù mới 39 tuổi nhưng anh Đ. đã nghiện rượu hơn 15 năm. Khi vào viện, bệnh nhân trong tình trạng tổn thương phổi, suy hô hấp nặng và có sốc nhiễm trùng. Hiện, anh Đ. Vẫn phải hồi sức tích cực.

Trường hợp bệnh nhân Trần Văn T. (Vĩnh Phúc) mới 24 tuổi nhưng đã nghiện rượu 10 năm.

Bệnh nhân này phụ hồ từ năm 14 tuổi và thường xuyên uống rượu trong các bữa ăn cùng những công nhân lớn tuổi hơn. Bệnh nhân nghiện rượu đến mức khi bị sốt virus, bệnh nhân không thể uống rượu và xuất hiện hội chứng mê sảng, run rẩy chân tay, loạn thần, nói lảm nhảm, thường xuyên nhìn thấy những hình ảnh quái vật dị thường.

Theo bác sĩ Cấp, đối với những bệnh nhân sảng rượu nếu không được điều trị đúng có thể tử vong đến 10-20% hoặc nhiều người sau điều trị hết sảng rượu vẫn còn những rối loạn tâm thần, thần kinh. Bệnh nhân phải nhiều tháng sau mới hồi phục.

Trước đây vài tháng, khoa cũng có một bệnh nhân Lò Văn T., 34 tuổi ở Yên Bái. Được biết, để chuẩn bị một chầu nhậu với bạn bè, bệnh nhân đã nghe lời mách bảo lên rừng hái lá làm thuốc giải rượu.

Sau khi uống hơn một lít rượu và dùng thốc giải rượu tự chế, anh T. về nhà nằm ngủ và sau hơn 1 ngày người nhà không thấy anh T. tỉnh lại. Lập tức, đưa vào bệnh viện trong tình trạng hôn mê, suy gan và tan máu vô cùng trầm trọng.

Theo bác sĩ Cấp, ngoài chứng xơ gan rồi dẫn đến ung thư gan do rượu, việc điều trị bệnh viêm phổi ở người nghiện rượu khá khó khăn và tốn kém. Một mặt do bệnh nhân thường suy kiệt, sức đề kháng giảm. Hơn nữa, nghiện rượu lâu năm làm nhiều cơ quan phủ tạng bị tổn thương nên điều trị rất khó khăn. Vi khuẩn do rượu kháng thuốc nên phải sử dụng nhiều loại kháng sinh mạnh, đắt tiền.

“Tỷ lệ tử vong của bệnh này có thể đến 50% và cá biệt ở những người có sức đề kháng yếu, nếu có kèm nhiễm trùng máu và sốc nhiễm trùng thì nguy cơ tử vong có thể tới gần 100%”, bác sĩ Cấp cho hay.

14 tuổi đã nghiện rượu, thường xuyên nhìn thấy quái vật dị thường - 2

Phim chụp Xquang phổi của bệnh nhân nghiện rượu

40 % bạn trẻ có dấu hiệu nghiện rượu bia

Theo đề tài về thực trạng hành vi nghiện rượu bia của sinh viên và người trưởng thành trẻ tại Việt Nam của PGS.TS Huỳnh Văn Sơn - Phó chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam, có 40 % bạn trẻ có dấu hiệu nghiện rượu bia.

Bà Vũ Thị Minh Hạnh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách y tế cho biết, Việt Nam đứng đầu khu vực Đông Nam Á về tăng trưởng ngành rượu bia, với khoảng 3 tỷ USD/năm chi cho bia và khoảng 16.000 tỷ đồng/năm (tính theo mức giá rẻ nhất) cho rượu nhà máy.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng cảnh báo, ở Việt Nam có đến 77,3% nam giới sử dụng rượu bia. Đây là con số tiêu thụ rượu bia cao nhất thế giới nếu tính riêng nam giới. Vì thế, nếu không có biện pháp mạnh tay để hạn chế tình trạng sử dụng rượu bia thì Việt Nam sẽ là quốc gia đứng đầu về sử dụng rượu bia chứ không phải là thứ 29 trên thế giới như hiện nay.

Trong khi đó, theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế Giới, Việt Nam được xếp vào nhóm các quốc gia uống bia, tức là mức độ tiêu thụ bia vượt xa so với các loại rượu và đồ uống có cồn khác.

Cụ thể, lượng bia tiêu thụ bình quân tính theo đầu người cũng tăng từ 10,04 lít năm 2000 lên 21,65 lít vào năm 2007, tức là tăng khoảng hơn 100%. Đây là một tỷ lệ tăng trưởng quá nhanh, và đà tăng trưởng này có vẻ như chưa có dấu hiệu dừng lại.

Để giảm thiểu những tác hại do rượu bia gây ra, lãnh đạo Bộ Y tế cho rằng, cần bổ sung thêm nhiều điểm mới vào Luật phòng chống tác hại của rượu bia.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN