Thanh niên rời phố về quê mở xưởng từ cây trồng đầy vườn, kiếm 600-700 triệu/năm

Sự kiện: Kinh Doanh

Những ngày cuối năm, cơ sở sản xuất hương trầm của Nguyễn Chí Thành (SN 1986, thôn 1, xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) luôn nhộn nhịp khách ra vào, người người chạy hết công suất để kịp giao hàng trước Tết

Cơ sở sản xuất hương trầm Phúc Trạch của Nguyễn Chí Thành.

Cơ sở sản xuất hương trầm Phúc Trạch của Nguyễn Chí Thành.

Bỏ phố về quê làm hương trầm

Tốt nghiệp Đại học Giao thông Vận tải, có công việc ổn định tại TP.HCM nhưng sau 3 năm đi làm, đến năm 2016, Nguyễn Chí Thành quyết định trở về quê hương mở xưởng sản xuất hương trầm. Đây là người đầu tiên mở xưởng sản xuất hương trầm trên địa bàn vốn giàu nguồn hương liệu.

Nói về quyết định về quê làm hương trầm của mình, Thành chia sẻ: “Khi còn làm ở miền Nam, thỉnh thoảng anh em đồng hương chúng tôi ngồi trò chuyện với nhau rất trăn trở về cây gió trầm ở quê, dù cây có giá trị kinh tế cao song hiện chỉ mới được bán ở dạng nguyên cây, bán quả nên chưa phát huy hết hiệu quả của nó. Trong khi đó, những người ở Huế, Khánh Hòa, cất công đến mua về, chế biến ra nhiều loại sản phẩm, mang lại lợi nhuận cao từ cây dó trầm”.

Anh Thành bên máy sản xuất quê hương.

Anh Thành bên máy sản xuất quê hương.

Đưa trăn trở của mình trao đổi với mẹ ruột, được động viên hậu thuẫn nên Thành quyết định về quê mở xưởng để sản xuất hương trầm. Trước khi bắt tay vào công việc, Thành đã đi tham quan các cơ sở chế biến trầm tại các tỉnh Khánh Hòa, Thừa Thiên Huế để tích lũy hiểu biết và kinh nghiệm cho bản thân.

Lợi thế lớn cho Thành là ngày nhỏ, mẹ ruột anh có theo ông ngoại đi làm hương trầm nên còn chút “vốn liếng” về nguyên liệu, công thức. Hơn nữa, nguyên liệu để sản xuất được lấy từ cây dó trầm, một loại cây được trồng phổ biến tại địa phương nên giảm được tối đa chi phí vận chuyển.

Để đáp ứng cầu của khách hàng, cơ sở còn sản xuất hương cây với chiều cao 1,2m.

Để đáp ứng cầu của khách hàng, cơ sở còn sản xuất hương cây với chiều cao 1,2m.

Bên cạnh đó, chân hương được làm từ những cây luồng, một loại cây mọc nhiều bên các bìa làng, khe suối ở quê. Chất tạo màu cho chân hương cũng được lấy từ củ mài trong rừng, đây là những vật liệu sẵn có tại địa phương. Các nguyện liệu để làm hương cũng không nhuộm phẩm màu hay hương liệu công nghiệp mà dùng các loại thảo mộc là các loại cây rừng để tránh độc hại.

Để xây dựng cơ sở, anh Thành tận dụng mảnh vườn của gia đình, huy động vốn từ bố mẹ, anh em, vay thêm ngân hàng, đầu tư hơn 400 triệu đồng để xây dựng nhà xưởng, mua sắm máy móc thiết bị để sản xuất.

Năm 2016, cơ sở bắt đầu sản xuất những mẻ hương đầu tiên. Chưa có kinh nghiệm nên nhiều lần anh gặp thất bại, hương bị nứt, cháy không đều, khách chê.

Công đoạn đóng gói phục vụ khách hàng dịp tết.

Công đoạn đóng gói phục vụ khách hàng dịp tết.

Sản phẩm tiêu thụ trên cả nước

Kiên trì vừa làm vừa rút kinh nghiệm, Thành vừa hoàn thiện về mẫu mã, vừa nâng cao chất lượng sản phẩm, vì thế đến nay hương trầm do anh sản xuất đã được khách hàng đánh giá cao, tiêu thụ tốt.

Để đẩy mạnh tiêu thụ, anh đã liên kết với các doanh nghiệp sở hữu chuỗi cửa hàng bán nông sản, các cửa hàng của Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh và tham gia các hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh để giới thiệu, quảng bá sản phẩm.

Thành chia sẻ: “Từ khi xuất hiện ý tưởng sản xuất hương trầm, tôi đã nghĩ ngay đến việc đưa ra sản phẩm vừa phải đảm bảo an toàn sức khỏe cho chính bản thân, vợ con và người tiêu dùng, vì vậy dù giá bán cao hơn các sản phẩm cùng loại trên thị trường, nhưng người tiêu dùng vẫn đón nhận hương trầm của cơ sở Phúc Trạch”.

Sản phẩm hương trầm nụ.

Sản phẩm hương trầm nụ.

Đến nay, sản phẩm hương trầm Phúc Trạch của Thành được tiêu thụ trên khắp thị trường trong cả nước, nhiều người còn mang ra nước ngoài.

Chia sẻ về thu nhập, Thành cho biết, năm 2019, cơ sở có tổng lợi nhuận 625 triệu đồng (trong đó riêng hương trầm là 425 triệu, còn các mặt hàng kinh doanh thêm như lư trầm, trầm xông, trầm đốt khoảng 200 triệu đồng).

Hương sau khi sản xuất được phơi tự nhiên dưới nắng mặt trời, không qua sấy công nghiệp.

Hương sau khi sản xuất được phơi tự nhiên dưới nắng mặt trời, không qua sấy công nghiệp.

Những tháng cuối năm, do nhu cầu thị trường lớn, nên ngoài lao động chính là vợ chồng Thành và bố mẹ, cơ sở hương trầm Phúc Trạch còn phải thuê thêm 6 lao động địa phương để kịp làm hương bán trong dịp tết.

Thời tiết thuận lợi, bình quân mỗi ngày cơ sở sản xuất được 300 thẻ hương (mỗi thẻ 45 que). Ngoài ra, Thành còn sản xuất đa dạng các loại hương que, hương nụ với nhiều mức giá khác nhau. Hương trầm cao cấp giá dao động từ 100 đến 500 ngàn đồng/thẻ hoặc hộp. Những ngày tết, cơ sở của anh còn cung ứng thêm loại hương cuốn tay, hương cây loại to với chiều cao hàng mét.

Cây dó bầu (dó trầm) là nguồn nguyên liệu làm hương được trồng rất phổ tại xã Phúc Trạch.

Cây dó bầu (dó trầm) là nguồn nguyên liệu làm hương được trồng rất phổ tại xã Phúc Trạch.

Tháng 12/2019, sản phẩm hương trầm Phúc Trạch của Thành đã được công nhận là sản phẩm OCOP (sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở địa phương) của Hà Tĩnh.

Trao đổi với PV, ông Trần Quốc Khánh, Chủ tịch UBND xã Phúc Trạch nói, anh Thành đã tốt nghiệp đại học, có việc làm tại thành phố lớn nhưng với ý chí vượt lên, anh đã trở về địa phương để đầu tư phát triển cơ sở sản xuất nhằm thúc đẩy tiềm năng cây kinh tế của địa phương, nâng cao giá trị của cây gió bầu và đã thu được thành công, được lãnh đạo địa phương đánh giá cao”.

Nguồn: [Link nguồn]

Chàng kỹ sư công nghệ biến đất phèn thành cánh đồng trăm triệu

Từ vùng đất nhiễm phèn, cây trái khó phát triển, kỹ sư công nghệ đã đầu tư, cải tạo thành cánh đồng trăm triệu...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trần Hoàn ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN