Hãng Xiaomi chỉ mất 76 giây để lắp ráp xong xe SU7

Sự kiện: Ô tô Trung Quốc

Hãng Xiaomi vừa giới thiệu đoạn clip về quy trình lắp ráp mẫu xe SU7 và có thời gian chỉ mất 76 giây để hoàn thiện.

Với công nghệ tự động hóa được triển khai ở nhiều công đoạn trong quá trình sản xuất, nhà máy Xiaomi có thể cho ra lò 40 xe điện Xiaomi SU7 mỗi giờ đồng hồ, nhưng hãng Trung Quốc cũng đang chịu lỗ khá nhiều tiền trên mỗi xe bán ra.

Khi Xiaomi công bố kế hoạch sản xuất xe điện vào năm 2021, lúc đó không ít người cho rằng lại có thêm một công ty chuyên làm đồ điện tử gia dụng khác tham gia vào cuộc chơi “đốt tiền” với tham vọng quá cao và những kế hoạch hoành tráng khó thành hiện thực. Tuy nhiên tại thời điểm này của năm 2024, hãng đã bắt đầu bán ra những chiếc xe điện SU7 đầu tiên và nhận được sự ủng hộ của phần đông khách hàng nội địa Trung Quốc.

Xiaomi cho biết họ đã nhận được hơn 75.000 đơn đặt hàng cho mẫu xe điện có kiểu dáng thể thao năng động này và để đáp ứng nhu cầu, họ cần một nhà máy hiện đại. Nhà máy sản xuất xe điện của Xiaomi chính thức được khánh thành từ tháng 6/2023, tọa lạc tại Khu kinh tế kỹ thuật Bắc Kinh, bao gồm 6 phân xưởng chính, 29 phòng thí nghiệm R&D và đường thử dài 2,5 km.

Trong đoạn video được Xiaomi phát hành để giới thiệu về nhà máy, có thể thấy nhiều chi tiết “hoành tráng” được phô diễn như trang bị hơn 700 robot, tự động hóa 100% các công nghệ then chốt như lắp ráp khung gầm xe bằng thép và nhôm, lắp đặt bốn cửa, hai nắp capo và chắn bùn, vận chuyển tự động các linh kiện cỡ trung và lớn, cùng với hệ thống robot phun sơn 7 trục tiên tiến nhất.

Video này cũng cho thấy một phần của công đoạn đúc khuôn mà Xiaomi gọi là Hyper Casting, sử dụng máy dập có lực ép lên đến 9.100 tấn để tạo hình xe nhanh chóng, giảm số lượng linh kiện, chi phí và thời gian sản xuất. Dù vậy, có vẻ như hãng Trung Quốc cố ý bỏ qua nhiều phần quan trọng của quy trình sản xuất, chẳng hạn như công đoạn lắp ráp nội thất, mà nhiều khả năng vẫn có sự tham gia của đội ngũ công nhân.

Khi SU7 hoàn thiện và được kiểm tra, hệ thống lái tự động của nó sẽ tự đưa nó ra khỏi dây chuyền lắp ráp. Quá trình kiểm tra cũng được tự động hóa hoàn toàn, bao gồm kiểm tra ngoại thất bằng tia cực tím, kiểm tra khung gầm bằng radar laser 100% cho toàn bộ xe và kiểm tra chi tiết đúc bằng tia X.

Với dây chuyền sản xuất hiện đại này, sau khi đạt công suất tối đa, trung bình cứ 76 giây sẽ có một chiếc Xiaomi SU7 được xuất xưởng, tương đương với 40 xe ra lò mỗi giờ đồng hồ. Lý do chính khiến SU7 trở nên phổ biến ở Trung Quốc là vì nó có giá khởi điểm chỉ 216.000 nhân dân tệ tương đương 760 triệu đồng, thấp hơn đáng kể so với mức giá 245.600 nhân dân tệ tương đương 865 triệu đồng của đối thủ Tesla Model 3.

Bên cạnh đó, Xiaomi SU7 còn sở hữu kích thước rộng rãi hơn, kiểu dáng sang trọng như một chiếc Porsche Taycan và có hiệu năng vận hành tốt hơn. Tuy nhiên, các nhà phân tích tin rằng Xiaomi đang lỗ khoảng 68.000 nhân dân tệ tương đương 240 triệu đồng cho mỗi chiếc SU7 mà hãng bán ra. Theo kế hoạch, Xiaomi dự kiến bán SU7 tại 211 cửa hàng ở 39 thành phố Trung Quốc. Hãng chưa đề cập đến khả năng bán mẫu xe điện này ở nước ngoài.

Nguồn: [Link nguồn]

Hãng xe Trung Quốc BYD sẽ ngừng hợp tác với đơn vị phân phối tại Việt Nam.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lan Anh ([Tên nguồn])
Ô tô Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN