Thực hư việc Tôn Hoa Sen “vội vã” đóng cửa hàng loạt chi nhánh

Chỉ trong vòng 2 tháng, Tập đoàn Hoa Sen đã đóng cửa hơn 30 chi nhánh. Lý do thực sự của động thái này là gì?

Ngày 1/3, Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen (Mã CK: HSG) vừa thông báo chấm dứt hoạt động 10 chi nhánh trực thuộc. Lý do được đưa ra là để tái cấu trúc hệ thống phân phối nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động. Trước đó, vào đầu tháng 1/2019, Tập đoàn này cũng đã đồng loạt đóng cửa 21 chi nhánh với lý do tương tự.

Mới đây nhất, ngày 4/3, Tập đoàn Hoa Sen đã công bố thông tin lên Ủy ban chứng khoán nhà nước và Sở giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh về nội dung liên quan đến chủ trương tái cấu trúc hệ thống phân phối, trong đó có giải thích cặn kẽ lý do đóng cửa các chi nhánh nói trên nhằm tránh gây hiểu lầm và hoang mang cho cổ đông cũng như khách hàng.

Theo phương án tái cấu trúc hệ thống theo mô hình Chi nhánh Tỉnh, tại mỗi Tỉnh/Thành, Tập đoàn Hoa Sen sẽ chọn 1 Chi nhánh để thành lập Chi nhánh Tỉnh. Các Chi nhánh còn lại trong Tỉnh/Thành đó sẽ được chuyển đổi thành Cửa hàng trực thuộc Chi nhánh Tỉnh với hình thức pháp lý là "Địa điểm kinh doanh".

Thực hư việc Tôn Hoa Sen “vội vã” đóng cửa hàng loạt chi nhánh - 1

Việc tái cấu trúc theo mô hình trên là nhằm tăng cường hiệu quả quản trị đối với hệ thống phân phối (HTPP), góp phần tiết giảm chi phí, nguồn lực trong công tác điều hành HTPP, củng cố năng lực cạnh tranh tại thị trường nội địa và không làm giảm số lượng đơn vị phân phối thuộc Tập đoàn Hoa Sen trên thị trường.

Trước đó, Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên niên độ tài chính 2017 – 2018 ngày 16/1/2019, Tập đoàn Hoa Sen đã trình đại hội đồng cổ đông xem xét chủ trương triển khai tái cấu trúc và đã được đại hội thông qua với tỷ lệ tán thành là 99,67%.

Thực hiện chủ trương của Đại hội đồng cổ đông, kể từ giữa năm 2018, Tập đoàn Hoa Sen đã bắt đầu thực hiện chuyển đổi mô hình quản trị hệ thống phân phối theo mô hình Chi nhánh Tỉnh.

Cụ thể: Tập đoàn đã thành lập khung pháp lý cho mô hình mới, gồm 56 Chi nhánh Tỉnh và hơn 400 Cửa hàng trực thuộc các Chi nhánh Tỉnh tại từng Tỉnh/Thành trên cùng địa điểm và cơ sở vật chất của hệ thống Chi nhánh cũ trước đây.

Tính đến 1/2/2019, toàn bộ Chi nhánh Tỉnh và các địa điểm kinh doanh thuộc các Chi nhánh Tỉnh đã đi vào hoạt động ổn định dựa trên khung pháp lý của mô hình mới đã được thành lập theo quy định pháp luật doanh nghiệp. Do đó, công đoạn cuối của việc tái cấu trúc này là thực hiện thủ tục để chấm dứt hình thức pháp lý của mô hình cũ để chuyển sang vận hành 100% theo mô hình mới.

Để hoàn tất việc chuyển đổi này, theo quy định pháp luật doanh nghiệp và kế toán hiện hành, Tập đoàn phải thực hiện thủ tục quyết toán các số liệu kế toán và thủ tục "chấm dứt hoạt động" đối với các Chi nhánh thuộc mô hình cũ.

Trong thời gian tới, Hoa Sen sẽ chấm dứt hình thức pháp lý đối với khoảng 500 Chi nhánh thuộc mô hình cũ trên toàn quốc để chuyển sang vận hành theo mô hình.

Như vậy, việc chấm dứt hình thức pháp lý hay còn gọi là "chấm dứt hoạt động" các Chi nhánh trực thuộc đã được công bố trong thời gian gần đây thực chất là hoạt động liên quan đến thủ tục pháp lý để chuyển đổi mô hình quản trị hệ thống phân phối, không làm thay đổi số lượng đơn vị phân phối thuộc Tập đoàn Hoa Sen trên toàn quốc.

Điều này không xuất phát từ lý do kinh doanh không hiệu quả dẫn đến việc chấm dứt hoạt động và cũng không làm ảnh hưởng đến chiến lược mở rộng hệ thống phân phối lên khoảng 1.000 – 1.200 Cửa hàng trên toàn quốc theo chủ trương đã được đại hội đồng cổ đông thông qua.

Loạt hành động này của Hoa Sen đã phần nào khiến nhà đầu tư yên tâm hơn và cổ phiếu HSG đã có những phiên khởi sắc. Trên thị trường, từ đầu năm 2019, cổ phiếu HSG ghi nhận đà hồi phục mạnh mẽ gần 40%, từ mức giá 6.500 đồng/cp đến nay đang giao dịch tại mức 9.950 đồng/cp.

Chia sẻ
Gửi góp ý
([Tên nguồn]) .
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN