Thu gần 300 tỷ/ngày, quy mô "ông trùm" bán lẻ Việt ngày càng phình to

Sự kiện: Kinh Doanh

Doanh thu và lợi nhuận của MWG tăng trưởng mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2019.

Theo thông tin từ CTCP Đầu tư Thế giới di động (MWG), sau 7 tháng đầu năm 2019, doanh thu hợp nhất của công ty đạt 60.929 tỷ đồng, tăng trưởng 18% so với cùng kỳ 2018. Lợi nhuận sau thuế đạt 2.411 tỷ đồng, tăng trưởng 37%. 

Như vậy, kể từ đầu năm đến nay, trung bình mỗi ngày MWG thu về hơn 290 tỷ đồng. Biên lợi nhuận ròng của công ty đạt gần 4%. 

Tính đến thời điểm cuối tháng 7, MWG có tổng cộng 2.530 cửa hàng trên cả nước, tăng thêm 69 cửa hàng so với cuối tháng 6 và tăng 331 cửa hàng so với đầu năm. Trong đó, chuỗi thế giới di động có 1.006 cửa hàng, chuỗi điện máy xanh có 865 cửa hàng và chuỗi bách hóa xanh có 659 cửa hàng. 

Doanh thu và lợi nhuận của MWG tăng trưởng mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2019

Doanh thu và lợi nhuận của MWG tăng trưởng mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2019

Về cơ cấu doanh thu theo chuỗi: Thế giới di động chiếm khoảng 33,1%, Điện máy xanh đóng góp 58,6% và Bách hóa xanh đóng góp 8,3%. 

Theo báo cáo phân tích của Chứng khoán KB, trong nửa đầu 2019, trung bình cứ 12 giờ lại có một cửa hàng Bách Hóa Xanh được mở mới. Đến tháng 6/2019, có khoảng 40% số cửa hàng này đã có lợi nhuận đủ để bù đắp chi phí vận hàng và khấu hao. Dự kiến, chuỗi này sẽ mở mới khoảng 50-60 shop mỗi tháng. 

Theo Chứng khoán KB, MWG sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới cửa hàng tại tất cả các chuỗi trong 6 tháng cuối năm 2019. Còn kế hoạch năm 2020, mỗi tháng chuỗi Bách hóa xanh có thể mở 70-80 cửa hàng/tháng. Khi đạt đến quy mô 6000-8000 shop, Bách hóa xanh có thể chiếm tới 10-15% thị phần bán lẻ hàng hóa cả nước. 

Tốc độ tăng số cửa hàng và doanh thu/cửa hàng mỗi tháng của chuỗi Bách Hóa Xanh. Nguồn: Chứng khoán KB

Tốc độ tăng số cửa hàng và doanh thu/cửa hàng mỗi tháng của chuỗi Bách Hóa Xanh. Nguồn: Chứng khoán KB

Chuỗi thế giới di động của MWG hiện đã chiếm khoảng 45% thị phần điện thoại, tuy nhiên "trùm bán lẻ" này đang tiếp tục thử nghiệm chuỗi Điện thoại siêu rẻ để giành thêm thị phần từ tay các cửa hàng điện thoại nhỏ lẻ.

Theo báo cáo tài chính 6 tháng đầu 2019, tổng tài sản của MWG đạt 32.766 tỷ đồng, trong đó hàng tồn kho là 16.424 tỷ đồng (chiếm khoảng 50%). Nợ phải trả ở mức 22.335 tỷ đồng, trong đó nợ vay ngân hàng khoảng 10.200 tỷ đồng. 

Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu MWG liên tục leo đỉnh và hiện dừng ở mức 116.400 đồng/cổ phiếu, vốn hóa doanh nghiệp đạt gần 51.600 tỷ đồng.

Sau xoong nồi, ông Nguyễn Đức Tài kỳ vọng gì từ chuỗi Điện thoại Siêu rẻ?

“Chuỗi Điện thoại Siêu rẻ hướng đến những người chỉ quan tâm đến giá cả, khi hỏng hóc chấp nhận đi xa hơn để...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Minh Minh ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN