Thống đốc: Gói hỗ trợ lãi suất 2% 'không dành cho mọi doanh nghiệp khó khăn'

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Gói hỗ trợ lãi suất 2% dành cho doanh nghiệp có khả năng phục hồi, trả được nợ, chứ không phải tất cả đơn vị khó khăn, theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng.

Nội dung này được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nêu chiều 25/5, khi giải trình trước Quốc hội về kết quả giám sát thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2%, thuộc gói phục hồi kinh tế xã hội.

Theo báo cáo của Chính phủ, tới cuối 2023, chính sách hỗ trợ lãi suất 2% một năm qua hệ thống ngân hàng thương mại giải ngân được 3,05%, tương đương 1.218 tỷ đồng. Số vốn chưa giải ngân còn khoảng 38.800 tỷ.

Nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn tỷ lệ giải ngân quá thấp, trong khi doanh nghiệp khó khăn về vốn sau dịch Covid-19. Ông Trần Quốc Tuấn, Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh Trà Vinh cho rằng thủ tục, điều kiện vay là trở ngại lớn nhất khi doanh nghiệp tiếp cận chính sách hỗ trợ này.

Chưa kể, theo khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chỉ 29,5% doanh nghiệp biết tới chính sách và khoảng 2,5% đơn vị nhận được khoản vay.

Giải trình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết khi thiết kế chương trình này theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền, Ngân hàng Nhà nước xác định đây là chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp có khả năng phục hồi và trả được nợ. Tức là, gói hỗ trợ lãi suất 2% không giải quyết cho tất cả doanh nghiệp khó khăn trong nền kinh tế, kể cả đơn vị không đủ điều kiện vay vốn, theo Thống đốc.

Bà phân tích, vốn vay của chương trình lấy từ nguồn huy động dân cư của các ngân hàng thương mại, không phải ngân sách Nhà nước. Vì thế, các ngân hàng phải cho vay với điều kiện, thủ tục theo quy định, để đảm bảo khả năng thu hồi nợ.

"Việc giải ngân nhiều hay ít của chương trình này phụ thuộc vào quyết định của doanh nghiệp, ngân hàng", Thống đốc nói.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng giải trình tại phiên thảo luận kết quả giám sát chương trình phục hồi kinh tế, chiều 25/5. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng giải trình tại phiên thảo luận kết quả giám sát chương trình phục hồi kinh tế, chiều 25/5. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Bà Hồng nói thêm thực tế doanh nghiệp quyết định vay vốn không phải vì họ được hỗ trợ lãi suất. Bởi, lãi suất chỉ là một trong số chi phí đầu vào, nên họ có thể cân nhắc chọn các giải pháp hỗ trợ khác như miễn, giảm, giãn thuế. Chưa kể, doanh nghiệp sẽ xem xét họ vay để làm gì, có khả năng trả nợ hay không... mới quyết định vay vốn.

Dù vậy, với tỷ lệ giải ngân thấp, doanh nghiệp khó tiếp cận, ông Nguyễn Quang Huân, Chủ tịch HĐQT Công ty HALCOM lo lắng "sẽ nảy sinh vấn đề ngoài mong muốn khi cố gắng tiêu hết gói hỗ trợ này". Ông đề nghị cân nhắc về thực hiện tiếp chính sách hỗ trợ này.

Bà Nguyễn Thị Hồng cho biết, chương trình hỗ trợ lãi suất 2% đã kết thúc vào 31/12/2023. Chính phủ đã báo cáo, đề xuất Quốc hội cho hủy dự toán, không huy động nguồn lực và thực hiện tiếp. Tức là, số vốn vay còn lại chưa giải ngân của chương trình sẽ không làm tăng bội chi ngân sách. Trường hợp tiếp tục thực hiện, bà cho rằng có thể chuyển sang chính sách hỗ trợ của Ngân hàng Chính sách xã hội, hoặc chương trình an sinh xã hội khác.

Ở khía cạnh này, ông Trần Anh Tuấn, Trưởng ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp TP HCM đồng tình, dư địa chưa thực hiện hết sang hỗ trợ người lao động, thu nhập thấp giải quyết việc làm, hoặc tiếp cận nhà ở xã hội.

Thảo luận ở tổ sau đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhìn nhận cách chính sách này "chưa trúng, chưa đúng thực tiễn". Ông đề nghị Quốc hội xem xét, cho điều chỉnh khoản này sang chính sách hỗ trợ của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Cũng giải trình, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng cần xem lại phương thức các chính sách hỗ trợ sau này. Ông cho biết ở nhiều nước, người dân được hỗ trợ tiền mặt, 1.500-2.000 USD, nên kích thích tiêu dùng, nền kinh tế.

Còn tại Việt Nam, theo ông, các hỗ trợ thực hiện thông qua chính sách, nên phải có thủ tục, văn bản hướng dẫn, rồi giám sát. "Khi chúng ta làm xong thủ tục thì vấn đề không còn thời sự nữa, hỗ trợ không còn hiệu quả", ông nói.

Cùng đó, theo Bộ trưởng Dũng, các chính sách cần thiết kế đơn giản, dễ thực hiện và giám sát, chứ "không phải để một rừng vướng mắc như hiện nay". Chính sách đưa ra dựa trên niềm tin, phân cấp, phân quyền triệt để giữa Trung ương, địa phương, giữa Quốc hội và Chính phủ... sẽ rút ngắn nhiều thời gian thực hiện.

"Chính sách đưa ra trong tình huống đặc biệt thì cần thủ tục, quy trình đặc biệt, còn làm như thông thường sẽ hết giờ, cái gì cũng phải xin cơ chế", ông nói thêm.

Dự kiến, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết kết quả giám sát thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ thuộc chương trình phục hồi kinh tế xã hội, vào ngày 28/6.

Nguồn: [Link nguồn]

Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế chỉ phát huy hiệu quả trong ngắn hạn, lạm dụng sẽ gây mất ổn định kinh tế vĩ mô, theo đại biểu Nguyễn Quang Huân.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Anh Minh ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN