“Ông trùm” nuôi lợn Dabaco kinh doanh đi xuống, nợ vượt vốn chủ sở hữu

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Tình hình dịch Covid-19 đã tác động nặng nề đến kết quả kinh doanh của Tập đoàn Dabaco, doanh nghiệp được cho là nuôi lợn lớn nhất nhì cả nước.

Tập đoàn Dabaco Việt Nam (mã CK: DBC) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2021 cho thấy tình hình kinh doanh không mấy khả quan của doanh nghiệp ngành chăn nuôi lớn nhất nhì cả nước.

Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2021, Dabaco ghi nhận 5.070 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, do giá vốn tăng mạnh hơn ở mức 3.971 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp của công ty giảm so với cùng kỳ năm trước, ở mức 1.098 tỷ đồng.

Trong kỳ, chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí bán hàng tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Dabaco lại giảm mạnh so với cùng kỳ, chỉ đạt 638,6 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái đạt 799,2 tỷ đồng.

Kết quả, trong 6 tháng đầu năm 2021, Dabaco ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 580 tỷ đồng, giảm 23% so cùng kỳ năm ngoái.

Theo lý giải của ban lãnh đạo Dabaco, nguyên nhân lợi nhuận 6 tháng đầu năm giảm mạnh là do dịch bệnh Covid-19 tiếp tục bùng phát tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, đặc biệt là Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương...

Trụ sở Tập đoàn Dabaco

Trụ sở Tập đoàn Dabaco

Mặt khác, dịch cũng đã tấn công mạnh vào các khu công nghiệp, khu chế xuất nơi có số lượng công nhân lao động, các hoạt động sản xuất kinh doanh, giao thương, vận chuyển tiêu thụ đều giảm, sản lượng và giá bán sản phẩm chăn nuôi giảm.

Tại thời điểm ngày 30/6/2021, tổng tài sản của Dabaco ở mức 10.603 tỷ đồng, tăng 5% so với thời điểm đầu năm. Tuy nhiên, giá trị hàng tồn kho lên tới 4.130 tỷ đồng, tăng 23% so với thời điểm đầu năm.

Cùng thời điểm, Dabaco đang ghi nhận khoản nợ phải trả 5.933 tỷ đồng, tăng nhẹ so với hồi đầu năm, trong đó vay và nợ thuê tài chính chiếm 2.942 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu của công ty chỉ ở mức 4.670 tỷ đồng.

Việc nợ phải trả chiếm quá nhiều so với vốn chủ sở hữu có nghĩa là doanh nghiệp đi vay mượn nhiều hơn số vốn hiện có, nên họ có thể gặp rủi ro trong việc trả nợ. Điều này có nghĩa rằng, nguồn vốn của Dabaco được tài trợ chủ yếu bởi nợ.

Biểu đồ giá cổ phiếu DBC của Dabaco từ đầu năm 2021 đến nay

Biểu đồ giá cổ phiếu DBC của Dabaco từ đầu năm 2021 đến nay

Trong báo cáo phân tích công bố đầu tháng 8 vừa qua, Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect đánh giá, biên lợi nhuận gộp của Dabaco đang chịu áp lực, kìm hãm đà tăng trưởng lợi nhuận ròng.

Cụ thể, doanh thu mảng 3F (thức ăn chăn nuôi và chăn nuôi) của Dabaco tăng 22,7% so với cùng kỳ lên 2.546 tỷ đồng trong quý II/2021. Trong khi đó, doanh thu khác từ hoạt động thương mại và bất động sản sụt giảm 24,7% so với cùng kỳ, chỉ đạt 162 tỷ đồng do Dabaco phải đóng cửa nhà hàng, khách sạn và tiến độ bàn giao dự án bất động sản Lotus Center chậm hơn dự kiến do dịch Covid-19 bùng phát tại Bắc Ninh.

Theo VNDirect, biên lợi nhuận gộp duy trì xu hướng giảm xuống 18,1% trong quý II/2021 từ 24,4% trong quý I/2021, thấp hơn nhiều so với mức 25,1% trong quý I/2020. Do đó, lợi nhuận ròng của công ty giảm 46,5% so với cùng kỳ trong quý II/2021.

Bên cạnh đó, VNDirect cũng nhận định giá nguyên liệu tăng đột biến sẽ thu hẹp lợi nhuận gộp trong giai đoạn 2021-2022 của Dabaco.

Theo đó, giá ngô và đậu tương đã tăng lần lượt 73,5% và 65,7% so với cùng kỳ, kéo giá thức ăn chăn nuôi tăng 10-15% so với cùng kỳ trong 6 tháng đầu năm 2021. Trong khi đó, giá lợn hơi và gà giống giảm lần lượt 12,9% và 12% so với cùng kỳ. Do vậy, biên lợi nhuận gộp của Dabaco trong 6 tháng đầu năm 2021 giảm 6,3 điểm % so với cùng kỳ, xuống còn 21,7%.

Mặt khác, giá nông sản toàn cầu dự báo sẽ tăng 14%-15% so với cùng kỳ trong năm 2021 và tăng nhẹ vào năm 2022. Tuy nhiên, VNDirect cho rằng, Dabaco có thể chuyển một phần chi phí nguyên vật liệu tăng sang giá bán để giảm bớt gánh nặng lên biên lợi nhuận gộp. Do đó, biên lãi gộp của công ty có thể lần lượt giảm xuống mức 20,8% và 18,8% trong năm 2021-2022.

Theo VNDirect, mặc dù việc giãn cách xã hội kể từ giữa tháng 7 là một thách thức đối với chuỗi cung ứng, song công ty phân tích này vẫn duy trì dự phóng tăng trưởng doanh thu của Dabaco trong năm 2021-2022 lần lượt đạt 15,1% và 6,4%. Trong khi đó, lãi ròng năm 2021-2022 lần lượt giảm 24,0% và 15,8% so với cùng kỳ nhằm phản ánh giả định giá lợn hơi giảm 19,9% và 8,0% so với cùng kỳ trong giai đoạn 2021-2022.

Trên thị trường chứng khoán, chốt phiên giao dịch 20/8, cổ phiếu DBC của Dabaco ở mức 58.500 đồng/đơn vị, tăng 3% so với thời điểm đầu năm.

Nguồn: [Link nguồn]

Thua lỗ, tồn kho lượng lớn, đóng cửa tới 70% cửa hàng: Loạt ông lớn “khóc ròng” bởi đại dịch Covid-19

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 và lệnh giãn cách dài ngày đã khiến hàng loạt “ông lớn” gặp khó, doanh...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hậu Lộc ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN