Đổ tiền vào loạt dự án nghìn tỷ, ông chủ Zalo giờ ra sao?

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Nhiều tham vọng lớn và mục tiêu đề ra chưa thành, nhưng DN sở hữu mạng xã hội Zalo là CTCP VNG do ông Lê Hồng Minh làm CEO, vẫn là một thế lực công nghệ lớn tại Việt Nam. VNG hiện ra sao và đang khó khăn gì?

Thành công với game và mạng Zalo

CTCP VNG (tên cũ là Vinagame) - chủ sở hữu mạng xã hội Zalo - là một ông lớn công nghệ và cũng là kỳ lân hiếm hoi tại Việt Nam do tổng giám đốc (CEO) Lê Hồng Minh lèo lái. Ông cũng là nhà sáng lập công ty.

Công ty VNG, chủ sở hữu Zalo, thông tin chính thức lúc rạng sáng 7/9: ông Kelly Wong, Phó Tổng giám đốc VNG được bổ nhiệm vào vị trí quyền Tổng Giám đốc.

Trước đó, báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2024, Tổng giám đốc VNG là ông Lê Hồng Minh. Hiện tại VNG không đề cập cụ thể vai trò của ông Lê Hồng Minh.

Đại diện VNG cho hay, ông Kelly Wong, Phó Tổng giám đốc VNG, sẽ đảm nhiệm cương vị Quyền Tổng Giám đốc, đảm bảo các hoạt động của VNG tiếp tục vận hành ổn định và hiệu quả.

CTCP VNG (Upcom: VNZ) thành công đặc biệt với mạng xã hội Zalo - một ứng dụng nhắm vào người dùng thiết bị di động. Sau hơn một thập kỷ ra mắt, Zalo trở thành ứng dụng nhắn tin hàng đầu tại Việt Nam, được sử dụng rộng khắp cả nước. 

Cuối năm 2022, có hơn 10.000 cơ quan Nhà nước, dịch vụ công dùng Zalo kết nối với người dân.

Zalo có khoảng 75 triệu người dùng sử dụng thường xuyên, với khoảng 2 tỷ tin nhắn mỗi ngày.

Trong đại dịch Covid-19, Zalo đã ghi nhận hơn 14 tỷ thông báo khẩn về dịch bệnh. Zalo được Bộ Y tế lựa chọn là nền tảng giúp gửi tin nhắn thông báo trong chiến dịch tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 lớn nhất cả nước.

Theo báo cáo The Connected Consumer quý I/2023, Zalo là ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất tại Việt Nam, đạt đến 86%, vượt trội so với các đối thủ cạnh tranh như Facebook (71%), Messenger (57%) và Instagram (14%).

Ở mảng game, VNG được biết đến là công ty phát hành các trò chơi điện tử chiếm ưu thế trên thị trường Việt Nam và là đơn vị đầu tiên đưa game nhập vai về Việt Nam.

Từ khi thành lập tới nay, game vẫn là mảng chủ đạo của doanh nghiệp này. Trong năm 2023, doanh thu từ mảng trò chơi chiếm khoảng 72% trong tổng gần 7.600 tỷ doanh thu của VNG.

Doanh thu chính của VNG vẫn đến từ mảng game.

Doanh thu chính của VNG vẫn đến từ mảng game.

Thua lỗ triền miên

Sau khi đạt mức giá kỷ lục 1,56 triệu đồng/cp ghi nhận vào sáng 16/2/2023, cổ phiếu VNZ của CTCP VNG bắt đầu rơi vào xu hướng giảm giá kéo dài tới nay. Trong phiên giao dịch 6/9/2024, VNZ giảm gần 11% xuống còn 459.000 đồng/cp.

Cổ phiếu VNZ liên tục giảm trong bối cảnh “kỳ lân công nghệ” Việt thua lỗ triền miên. Trong quý II/2024, VNG lỗ ròng hợp nhất gần 489 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 507 tỷ đồng. Đây là quý lỗ thứ 11 liên tiếp của doanh nghiệp này.

VNG trở lại con đường thua lỗ quen thuộc do chi phí cao cho quảng cáo sản phẩm mới và sản phẩm chiến lược.

Theo báo cáo tài chính, doanh nghiệp do CEO Lê Hồng Minh điều hành trong nửa đầu năm 2024 đẩy mạnh đổ tiền vào các phần mềm trò chơi đang hoàn thiện. Nhiều khoản đầu tư của VNG vào các công ty con, công ty liên kết đang thua lỗ; trong đó ghi nhận việc mất toàn bộ 510 tỷ đồng tại Tiki Global.

VNG cũng có nhiều dự án dài hơi. Theo báo cáo tài chính riêng, trong nửa đầu năm 2024, VNG đã đầu tư thêm khoảng 1.777 tỷ đồng vào CTCP Zion (sở hữu ZaloPay), nâng tổng đầu tư tại doanh nghiệp này lên gần 5.142 tỷ đồng, qua đó đưa tỷ lệ sở hữu từ hơn 72,6% lên 99,999%. Cuối quý I/2024, mức đầu tư vào Zion là 3.550 tỷ đồng.

Dự phòng đầu tư tài chính dài hạn của VNG cũng tăng mạnh, từ mức gần 3.650 tỷ đồng hồi đầu năm lên 5.179 tỷ đồng; trong đó, nhiều khả năng đến từ khoản đầu tư vào Zion như đã đề cập trong một số báo cáo trước đó.

Hiện vốn hóa của VNG đạt khoảng 13 nghìn tỷ đồng (gần 520 triệu USD), thấp hơn nhiều mức 2,3 tỷ USD thời đỉnh cao.

VNZ vẫn thua lỗ lớn trong năm 2023.

VNZ vẫn thua lỗ lớn trong năm 2023.

Nhiều tham vọng chưa thành

Dù được biết đến là một thế lực công nghệ lớn tại Việt Nam, nhưng nhiều tham vọng lớn và mục tiêu mà CTCP VNG đề ra chưa thành. 

VNG không hoàn thành mục tiêu giảm lỗ trong năm 2023, cũng không thực hiện được kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Mỹ để hút vốn và phát triển mạnh hơn.

Trên thực tế, năm 2023, VNG đã rất sốt sắng niêm yết quốc tế, với mục tiêu huy động khoảng 150 triệu USD trong năm 2023 thông qua đợt phát hành ra công chúng (IPO).

Tuy nhiên, ông lớn công nghệ VNG sau đó đã rút hồ sơ.

Nhiều tham vọng của VNZ chưa thành.

Nhiều tham vọng của VNZ chưa thành.

Cụ thể, VNG Limited - cổ đông chủ chốt của CTCP VNG - đã nộp hồ sơ lên Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ (SEC) hồi tháng 8/2023. Cổ đông chi phối VNG dự kiến chào bán ra công chúng cổ phiếu phổ thông loại A tại sàn chứng khoán Nasdaq Global Select Market, với mã giao dịch VNG.

Về cơ cấu cổ đông, hai ông lớn công nghệ của Trung Quốc là Tencent và Ant Group (tập đoàn tài chính Trung Quốc do tỷ phú Jack Ma sáng lập) cùng quỹ đầu tư GIC của Singapore nắm giữ số lượng cổ phần áp đảo tại VNG Limited. Trong khi, VNG Limited sở hữu 49% tại “kỳ lân” VNG của Việt Nam.

VNG quyết định sẽ không tiến hành IPO, cũng không cung cấp bất kỳ thông tin gì về thời gian sẽ tiến hành lại quá trình IPO hay lý do của việc rút hồ sơ.

Trong năm 2024, VNG đặt mục tiêu doanh thu kỷ lục 11.069 tỷ đồng và mục tiêu lãi sau thuế 195 tỷ đồng. Tuy nhiên, VNG lỗ trong cả hai quý đầu năm.

Hai ông lớn Trung Quốc Tencent và Ant Group có mặt trong cơ cấu cổ đông của VNG Limited - cổ đông chủ chốt của CTCP VNG.

Hai ông lớn Trung Quốc Tencent và Ant Group có mặt trong cơ cấu cổ đông của VNG Limited - cổ đông chủ chốt của CTCP VNG.

Khác với Tập đoàn FPT do ông Trương Gia Bình làm chủ tịch khi ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tăng mạnh, cổ phiếu FPT liên tục lập đỉnh lịch sử,... thì VNG có cách tiếp cận kinh doanh khác, dài hơi hơn.

VNG không đòi hỏi các dự án có lợi nhuận nhanh chóng mà nhắm tới các sản phẩm công nghệ dài hơi, có thể đầu tư nhiều, chấp nhận thua lỗ nhưng góp phần thay đổi cuộc sống. Zalo, Zalopay, VNG Data Center,... là các sản phẩm như vậy.

Gần đây, VNG cũng là doanh nghiệp bắt trend trí tuệ nhân tạo (AI) nhanh, với việc hợp tác với ông lớn Nvidia. Tuy nhiên, hiệu quả của các dự án lớn và tham vọng lớn của VNG còn ở phía trước.

Dù vậy, nhiều đầu tư vẫn kỳ vọng VNZ sẽ bứt phá trong dài hạn. Liệu những tham vọng lớn và mục tiêu "go global" trong vài năm tới có thành công, “gió đông” có đến để VNG bứt phá khi mà trong nước còn nhiều khó khăn?

Nguồn: [Link nguồn]

Từ đỉnh cao hơn 1 triệu đồng, giá cổ phiếu VNG đã mất gần nửa giá trị.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mạnh Hà ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN