Không về tay Tào Tháo, số phận của hai nàng Kiều nức tiếng bi thảm ra sao?

Sự kiện: Tam Quốc

Khác với miêu tả trong "Tam quốc diễn nghĩa", số phận của chị em Nhị Kiều nức tiếng Giang Đông ở đời thực không hề viên mãn như hậu thế vẫn tưởng tượng.

Hai nàng Kiều hay còn gọi là Nhị Kiều của Giang Đông được biết tới là cặp chị em sở hữu dung nhan nổi danh thời Tam quốc. Qua lời thề của Tào Tháo trong “Tam quốc diễn nghĩa”, có thể thấy chị em Nhị Kiều là những tuyệt sắc giai nhân, không hề thua kém so với Điêu Thuyền hay Chân Mật. Thế nhưng, dù là trong tiểu thuyết hay chính sử, Đại Kiều và Tiểu Kiều vẫn chưa bao giờ về tay Tào Tháo. Bên cạnh đó, hậu vận của hai chị em ngoài đời thật lại rất bi thảm.

Đại mỹ nhân được ưu ái trong "Tam quốc diễn nghĩa"

Nhị Kiều của Giang Đông là hai chị em sống tại huyện Hoàn, quận Lư Giang (nay thuộc Tiềm Sơn, An Huy, Trung Quốc). Vùng đất này trước kia thuộc xứ Đông Ngô vào thời kỳ Tam Quốc. Cho tới ngày nay, hậu thế vẫn chưa thể xác định danh tính chính xác của cặp đôi mỹ nhân nức tiếng Giang Đông một thời. Người đời cũng vì vậy mà thường gọi người chị là Đại Kiều, người em là Tiểu Kiều để dễ phân biệt.

Nhị Kiều là hai chị em xinh đẹp nức tiếng Giang Đông.

Nhị Kiều là hai chị em xinh đẹp nức tiếng Giang Đông.

Trong tác phẩm "Tam quốc diễn nghĩa", Nhị Kiều có thân thế là con gái của Kiều Công – chủ nhân Kiều gia trang nằm ở gần vùng núi của quận Cối Kê, xứ Giang Đông khi đó. Điểm trùng hợp giữa tiểu thuyết và chính sử chính là chi tiết Đại Kiều được gả cho Tôn Sách, còn Tiểu Kiều thì lấy Chu Du. Trượng phu của hai nàng Kiều đều là những nhân vật nổi danh thời bấy giờ và đóng vai trò quan trọng của Đông Ngô.

Đại Kiều được mô tả là cô gái nhu mì, đẹp trầm lặng, đôi mắt diễm lệ nhưng đa sầu, tính cách hiền hậu, nhút nhát, sống nội tâm và tình cảm, nàng thích công việc nữ công gia chánh, thêu thùa, nấu ăn, chăm sóc hoa lá. Tiểu Kiều được mô tả dung mạo xinh đẹp, thông minh, thích đọc sách, đánh đàn, ngắm hoa và làm thơ thuộc hàng tuyệt thế giai nhân thời Tam quốc.

Tiểu Kiều có sở thích đánh đàn và đọc sách.

Tiểu Kiều có sở thích đánh đàn và đọc sách.

Sau khi chiếm được Uyển Thành, Lư Giang, Tiểu bá vương Tôn Sách cùng bạn là Chu Du đến thăm Kiều gia trang rồi tình cờ chạm mặt Nhị Kiều. Họ bèn cầu hôn hai tiểu thư họ Kiều. Đại Kiều kết hôn với Tôn Sách và Tiểu Kiều kết hôn với Chu Du.

Hai chị em được xem như một trong những nguyên nhân gây ra trận Xích Bích, bởi Tào Tháo ngưỡng mộ nhan sắc hai nàng Kiều đã lâu, muốn tấn công xứ Giang Đông để bắt hai nàng Kiều về cho riêng mình. Bộ phim điện ảnh hiện đại “Xích Bích” của đạo diễn Ngô Vũ Sâm cũng nêu ra tình tiết Tào Tháo xua quân Nam hạ thôn tính Giang Đông nhằm phục hận mối thù bị Chu Du “hớt tay trên” Tiểu Kiều. Trên thực tế, Tào Tháo chưa từng gặp mặt Tiểu Kiều, giữa 2 người cũng không hề có bất cứ quan hệ đặc thù nào. Tuy nhiên, câu chuyện mượn danh nghĩa Tào Tháo và Kiều đích thực có tồn tại.

Trong hai nàng Kiều, Đại Kiều có cuộc sống hôn nhân bi thảm hơn.

Trong hai nàng Kiều, Đại Kiều có cuộc sống hôn nhân bi thảm hơn.

Cuộc hôn nhân của hai chị em họ Kiều được xem là sự hôn phối giữa "Trai anh hùng, gái thuyền quyên", "mỹ nhân và danh tướng" nhưng đều không kéo dài. Sau khi lấy nhau được 3 năm thì Tôn Sách mất, Đại Kiều một mình nuôi con cho tới cuối đời.

Phần cô em là Tiểu Kiều thì may mắn hơn chị, được cùng chồng là Chu Du hạnh phúc tới 12 năm nhưng Chu Du cũng đoản mệnh. Sau khi chồng mất, họ đều trở lại Kiều gia trang để sinh sống. Cả hai chị em họ Kiều đều phải chịu cảnh góa phụ khi còn quá trẻ.

Video: Cảnh Tôn Sách và Chu Du đến thăm Kiều gia trang và tình cờ gặp Nhị Kiều.

Hai chị em Đại Kiều và Tiểu Kiều nhiều lần được xây dựng trên màn ảnh. Trong "Tam quốc diễn nghĩa 1994", Hà Tình đã hóa thân thành nàng Tiểu Kiều xinh đẹp, thông minh, thích đọc sách, đánh đàn, ngắm hoa và làm thơ. Cùng với "Chu Du" Hồng Vũ Trụ, "Tiểu Kiều" Hà Tình đã viết nên một câu chuyện tình đẹp trên màn ảnh.

Bên cạnh đó, hai chị em Đại Kiều (Lưu Cánh) và Tiểu Kiều (Triệu Kha) trong "Tam quốc diễn nghĩa 2010" cũng gây ấn tượng trong sáng với tạo hình thanh nhã, kết hợp với những cảnh quay lãng mạn trong khung cảnh thanh sơ, tạo cho hai nàng vẻ thần tiên thoát tục, xứng đáng là "ngòi nổ" cho đại chiến Xích Bích.

"Hồng nhan bạc mệnh" ngoài đời thực

Theo các tài liệu chính sử, khác với "Tam quốc diễn nghĩa", hai chị em Nhị Kiều ngoài đời thật vốn không phải là chính thê (vợ cả) của Tôn Sách, Chu Du mà chỉ được họ cưới về như những tiểu thiếp. Theo đó, vào tháng 12 năm Kiến An thứ tư (năm 199), Tôn Sách hoàn thành mục tiêu công chiếm Lư Giang. Chị em Đại Kiều, Tiểu Kiều khi đó là một trong số những chiến lợi phẩm mà ông có được. Bấy giờ, Tôn Sách nạp Đại Kiều làm thiếp, còn Chu Du thì lấy Tiểu Kiều.

Trong thực tế lịch sử, Đại Kiều chỉ là thiếp của Tôn Sách.

Trong thực tế lịch sử, Đại Kiều chỉ là thiếp của Tôn Sách.

Chỉ vài tháng sau đó, Tôn Sách đã bị ám sát và qua đời khi đương độ tráng niên. Đại cục sau đó được giao lại cho em trai ông là Tôn Quyền dưới sự phò tá của danh tướng Chu Du. Một góa phụ mới ngoài 20 mang thân phận của tiểu thiếp, không có xuất thân, không có chỗ dựa như Đại Kiều rất có thể sẽ phải trải qua cuộc sống chẳng hề dễ dàng.

Về phần Tiểu Kiều, số phận của nàng tuy có phần may mắn hơn chị ruột. Bởi Chu Du qua đời năm 36 tuổi, như vậy Tiểu Kiều có khoảng thời gian 11 năm chung sống cùng trượng phu của mình. Thế nhưng, dẫu sao vị tướng họ Chu ấy cũng qua đời khi đương độ tráng niên khiến Tiểu Kiều vừa mới ngoài 30 đã phải trở thành góa phụ và buộc phải thủ tiết.

Cuộc đời của Tiểu Kiều ngoài đời thực cũng bi thảm không kém người chị ruột Đại Kiều.

Cuộc đời của Tiểu Kiều ngoài đời thực cũng bi thảm không kém người chị ruột Đại Kiều.

Trong một thời kỳ hỗn loạn như Tam Quốc, vợ lẽ dẫu sao vẫn bị xem là những người có địa vị thấp kém. Ngay cả khi may mắn được gả cho những nhân vật lớn thời bấy giờ thì mối lương duyên muộn màng và thân phận thiếp thất cũng khó có thể đem tới cho Nhị Kiều một cuộc sống hạnh phúc, viên mãn như hậu thế vẫn tưởng tượng.

Nguồn: [Link nguồn]

Anh hùng thời Tam Quốc nào nổi tiếng bạc đãi vợ con?

Lưu Bị trọng nghĩa khí với anh hùng thiên hạ nhưng lại vô tâm với vợ con.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyệt Lương (Theo Sina, 163) ([Tên nguồn])
Tam Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN