Trung Quốc siết tiểu ngạch, hàng Việt tuột dốc

Sự kiện: Kinh Doanh

Hiện rất nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam chưa vào sâu nội địa Trung Quốc mà chỉ bán ở các tỉnh gần biên giới.

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản thuộc Bộ NN&PTNT nhận định năm 2019 vừa qua là năm khốc liệt về thị trường của mặt hàng nông sản tại Trung Quốc (TQ). Chính vì vậy, trong 11 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu rau quả sang thị trường này giảm 13,2% so với cùng kỳ năm trước đó, kim ngạch chỉ đạt 2,24 tỉ USD.

Giám sát chặt mua bán tiểu ngạch

Lý giải về sự sụt giảm trên, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho rằng TQ yêu cầu các mặt hàng nhập khẩu từ các nước, trong đó có Việt Nam (VN) phải qua con đường chính ngạch. Để thực hiện yêu cầu trên, TQ siết chặt nhập khẩu tiểu ngạch.

“Dọc biên giới, nước bạn thực hiện rào chắn, thậm chí dùng flycam để ghi hình, rà soát, chống nhập khẩu tiểu ngạch. Trong bối cảnh gắt gao như thế, chúng ta mới có chín mặt hàng trái cây gồm thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm và măng cụt được xuất chính ngạch sang thị trường này” - đại diện Bộ NN&PTNT cho hay.

Bộ Công Thương cũng nhìn nhận từ năm 2018 đến nay, phía TQ đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để bảo đảm thực thi nghiêm các quy định của nước này về kiểm nghiệm, kiểm dịch, truy xuất nguồn gốc, bao bì, nhãn mác... Đây là một trong những nguyên nhân khiến xuất khẩu nông thủy sản của VN sang TQ bị chững lại và giảm trong hai năm trở lại đây sau nhiều năm tăng trưởng khá.

“Việc TQ thực thi đầy đủ các quy định này trước mắt có thể ảnh hưởng tới một số nông thủy sản của VN đang xuất khẩu sang nước này theo hình thức “trao đổi cư dân biên giới”. Nhưng về lâu dài sẽ góp phần tạo động lực để các địa phương và nông dân nước ta tổ chức lại sản xuất theo hướng coi trọng tối đa các quyền cơ bản của người tiêu dùng VN cũng như quốc tế. Trong đó có quyền được an toàn và quyền được thông tin đầy đủ về sản phẩm, hàng hóa mà họ mua” - đại diện Bộ Công Thương nêu rõ.

Ông Phạm Văn Dũng, Phó Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp Hà Giang, thông tin: Thị trường TQ chiếm đến 70% thị phần xuất khẩu của HTX. Nhưng năm vừa qua, khi TQ siết chặt các quy định nhập khẩu, HTX phải đẩy nhanh thực hiện truy xuất nguồn gốc để đảm bảo yêu cầu của thị trường nhập khẩu.

Ông Dũng cũng nhận định hiện các doanh nghiệp (DN), tiểu thương chủ yếu đi bằng nội lực của mình là chính nên việc xúc tiến đối với các đơn hàng vào sâu thị trường nội địa TQ rất khó khăn. “Thị trường nội địa TQ rất rộng lớn, các sản phẩm nông sản của chúng ta đi sang bên đó hiện giờ chủ yếu thông qua các thương lái TQ nhập về nên chưa thể bán hàng tận gốc, giá chưa tận ngọn. Nếu chính sách của chúng ta tốt có thể hỗ trợ cho các DN đứng lên đăng ký xuất khẩu, hỗ trợ về thông tin, hỗ trợ về thị trường thì nông sản Việt có thể thâm nhập sâu vào thị trường nội địa TQ” - ông Dũng nói.

Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Nguyễn Quốc Toản cũng nhận định hiện hàng hóa của VN mới đến các khu vực Nam Ninh, Quảng Tây chứ chưa vào sâu nội địa TQ.

“Tỉnh An Huy có hơn 90 triệu dân nhưng hàng VN không có ở đó. Khi vào đến Nam Ninh, Quảng Tây rồi nhưng hàng hóa nước ta lại chỉ dưới dạng các thương hiệu khác” - ông Toản dẫn chứng.

Hiện nay VN đang xuất nhiều mặt hàng sang TQ như rau quả, cà phê, gạo, thủy sản… Trong ảnh: Sơ chế ớt trước khi xuất khẩu sang TQ tại HTX Nông lâm nghiệp Hà Giang. Ảnh: HỒNG NGUYỄN.

Hiện nay VN đang xuất nhiều mặt hàng sang TQ như rau quả, cà phê, gạo, thủy sản… Trong ảnh: Sơ chế ớt trước khi xuất khẩu sang TQ tại HTX Nông lâm nghiệp Hà Giang. Ảnh: HỒNG NGUYỄN.

Khách hàng đang trao đổi, giao dịch tại gian hàng VN ở Hội chợ Nhập khẩu quốc tế TQ diễn ra mới đây. Ảnh: BCT

Khách hàng đang trao đổi, giao dịch tại gian hàng VN ở Hội chợ Nhập khẩu quốc tế TQ diễn ra mới đây. Ảnh: BCT

Mở cửa cho nhiều mặt hàng mới

Nhiều công ty xuất nhập khẩu nêu thực tế hiện chi phí logistics ngành trái cây, gạo, thủy sản của nước ta chiếm tỉ lệ rất cao, 18%-30%, cao hơn nhiều so với các nước (chỉ chiếm khoảng 12%-14%). Những loại chi phí này đẩy giá thành sản phẩm của VN tăng cao, khó cạnh tranh với các nước.

Ví dụ như một container chở thanh long từ Bình Thuận đến cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) và sang đến nước bạn có tỉ lệ hao hụt rất lớn, chi phí dọc đường cao; chất lượng sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng không như mong muốn và nếu sang đến nước bạn bị trả lại thì DN sẽ trắng tay.

Về vấn đề này, ông Toản nhận định: “Ngay như cửa khẩu Móng Cái ở Quảng Ninh, nơi sôi động của thủy sản nhưng chúng ta mới làm được phần cứng là cầu phao. Do vậy, cần phải xây dựng hạ tầng logicstics ở biên giới, như các kho lạnh chứa nông sản giúp bảo quản kéo dài thời gian, thậm chí chi phối thị trường nguồn cung. Tôi nghĩ đây là xu hướng có tính chất quyết định về mặt phần lõi giúp giảm giá thành, giúp nông sản Việt cạnh tranh được với thế giới cả về giá và chất lượng”.

Ông Toản cho biết thêm vào tháng 5-2020, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT VN sẽ thăm chính thức TQ. Nhân dịp này, một số mặt hàng như sầu riêng, chanh leo, khoai lang, thạch đen, tổ yến, cá rô phi, cua, cá ngừ, ngao, sứa, rươi... sẽ được tập trung đàm phán để mở cửa chính ngạch.

Đại diện Bộ Công Thương cũng cho hay đang phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ GTVT tổ chức phân luồng ở khu vực biên giới, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các hạ tầng logistics như kho lạnh ở Trà Lĩnh (Cao Bằng), khu trung chuyển ở Lạng Sơn, trung tâm logistics ở Bắc Giang. Cùng đó là vận động các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương phía TQ mở thêm các cửa khẩu chỉ định nhập khẩu nông sản, trái cây tại khu vực biên giới.

Cần thay đổi cơ bản tư duy tiếp cận thị trường

Bộ Công Thương nhấn mạnh để duy trì thị phần và mở rộng thị trường TQ, các DN cần phải chủ động nắm bắt thông tin, thị hiếu và nhu cầu thị trường, các quy định về tiêu chuẩn chất lượng của TQ. Đặc biệt các DN cần thay đổi cơ bản tư duy tiếp cận thị trường.

“Thay đổi quan điểm ứng xử với thị trường TQ theo hướng tôn trọng tối đa các quyền cơ bản của người tiêu dùng; kiên quyết chuyển nhanh, chuyển mạnh từ xuất khẩu theo hình thức “trao đổi cư dân” sang xuất khẩu chính ngạch theo thông lệ quốc tế qua các cửa khẩu chính thức” - đại diện Bộ Công Thương nhấn mạnh. 

Nguồn: [Link nguồn]

Xuất khẩu nông sản bị lừa tới tấp

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông - thủy sản của Việt Nam bị mất tiền, hàng vì quá tin vào đối tác lạ ở nước ngoài.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo AN HIỀN ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN