Khu rừng chết chóc ở chân núi Phú Sĩ

Đó là khu rừng Aokigahara tĩnh lặng và u tối đến bất thường, nơi mỗi năm có hàng chục người Nhật Bản tìm đến để thực hiện cuộc hẹn với thần chết.

Thảm rừng ở đây dày đặc, vô số cây mọc chen che hết ánh nắng giữa ban ngày và chắn hết các ngọn gió. Có thể đó là lý do khiến rừng Aokigahara là điểm nổi tiếng để người ta tự sát, chỉ thua cầu Golden Gate (ở San Francisco, Mỹ) về số người tìm đến cái chết hằng năm.

Khu rừng còn có tên “Jukai”, tức là “Biển cây”, ở phía tây bắc ngọn núi Phú Sĩ lừng danh. Nó cũng là một trong số ít rừng nguyên sinh còn lại của Nhật. Nền đất chủ yếu là đá núi lửa, nhiều hang hốc. Một phần Aokigahara nằm trong khu vực núi Phú Sĩ mà người Nhật đang muốn được tổ chức UNESCO phong là Di sản thế giới.

Khu rừng chết chóc ở chân núi Phú Sĩ - 1
 
Khu rừng Aokigahara nằm ở phía tây bắc ngọn núi Phú Sĩ.

Ma ám “Biển cây”?

Có nhiều truyền thuyết về rừng Aokigahara. Nhiều người nói có những mỏ thép ngầm khiến la bàn trở nên vô dụng, không thể định hướng và đó là một trong những lý do nhiều người bị lạc trong cánh rừng, không bao giờ có thể trở ra.

Trong các truyền thuyết của Nhật, “Biển cây” có liên quan đến quỷ dữ. Một số người cho rằng rừng Aokigahara là sự chuộc tội của “yurei”, tức hồn ma của những người chết yểu hoặc bị đột tử, hoặc là địa điểm của “ubasute”, có nghĩa “bỏ rơi một bà cụ già” trong thời đói kém ở khu vực này hồi thế kỷ 19. “Ubasute” là cách đưa vào rừng một người cao tuổi hoặc bệnh nặng trong gia đình để người ấy bị chết đói, kiệt nước.

Cách loại bỏ này được thực hiện khi kinh tế khó khăn. Một số người còn nói chính các gốc cây là nơi chứa những nguồn năng lượng tiêu cực liên quan nhiều vụ tự tử và chết chóc. Người khác nói ma quỷ trong rừng “thúc” người ta nghĩ đến chuyện tự sát và không cho họ thoát ra khỏi cánh rừng.

Những người khác “đổ trách nhiệm” rừng Aokigahara là điểm tự sát ưa thích cho cuốn tiểu thuyết hồi những năm 1960 của nhà văn Seicho Matsumoto: đoạn kết là đôi tình nhân tìm đến cái chết ở cánh rừng này. Nhưng cũng có ý kiến rằng người ta tìm đến “Biển cây” tự tử từ trước khi cuốn tiểu thuyết này được in. Các ý kiến khác nói số lượng người tự sát cao ở “Biển cây” là do cuốn sách Cẩm nang đầy đủ về tự sát in năm 1993 của Wataru Tsurumuim, người nói cánh rừng là “chỗ hoàn hảo để chết”. Cả hai cuốn sách thường được tìm thấy bên cạnh những thây người trong cánh rừng.

Đa số người tự sát ở rừng Aokigahara thường chọn cách treo cổ (khoảng 100 vụ/năm), uống rượu thật nhiều để bị ngộ độc hoặc dùng các loại thuốc. Không nhiều người chọn cách ngồi hít khí độc carbon dioxide trong xe hơi đóng kín đậu ở bìa rừng, hoặc họ đem theo than đá để tự chết ngạt. Cũng có một số rất ít người chọn cách rạch cổ tay hoặc dùng súng.

Khi có những cái chết bạo lực, chính quyền luôn thiên về khả năng nạn nhân bị giết, vì rừng Aokigahara cũng là điểm lý tưởng để giấu xác. Trong các trường hợp này, người giữ rừng hoặc du khách chỉ phát hiện ra các bộ xương. Các căn lều của họ “kể” được chuyện gì đã xảy ra và nạn nhân là ai, từ giày, quần áo, ví tiền, giấy tờ, ảnh của họ. Dân địa phương thường gặp những người thân tuyệt vọng sục sạo cánh rừng để tìm nạn nhân hoặc đồ vật mà họ có thể để lại.

Người chết mỗi năm một tăng

Nhà địa chất Azusa Hayano cho biết riêng ông tìm thấy hơn 100 xác chết trong 20 năm qua. Ông tìm thấy nhiều thông tin từ các xác chết: họ cảm thấy cô đơn trong một xã hội chạy theo đồng tiền. Hằng năm, chính quyền địa phương đều tổ chức đi tìm xác chết khắp rừng.

Khu rừng chết chóc ở chân núi Phú Sĩ - 2
 
Những đồ đạc còn sót lại của một trong những người hẹn gặp thần chết.

Do chuyện tự sát ở “Biển cây” diễn ra từ đầu những năm 1970, quá nhiều vụ nên kiểm lâm chật vật tìm chỗ chứa xác được tìm thấy. Ở trạm kiểm lâm có hẳn một phòng để chứa xác. Số vụ tự sát “ổn định” khoảng 20 xác/năm, nhưng tăng lên 57 vụ từ năm 1994 và năm 2004 đạt con số kỷ lục 108 xác.

Gần đây, chính quyền địa phương ngưng công bố số vụ tự tử trong cánh rừng, nhằm ngăn chặn những người khác tự sát. Nhưng các số liệu không chính thức vẫn nổi lên, không thể biết chính xác bao nhiêu người tự tử do nhiều xác không bao giờ được tìm thấy, hoặc bị thú vật ăn mất.

Số vụ tự sát cao đến độ năm 2009, chính quyền quận Yamanashi phải thuê người kiểm tra rừng, tìm dấu vết và nói chuyện với những người lạ xuất hiện trong “Biển cây”.

Họ cũng huấn luyện cho dân địa phương biết cách khuyên giải những người toan tự tử. Nhiều tấm biển được cắm trong rừng, nhắc nhở “Cuộc sống là quà tặng quý giá của cha mẹ bạn”, “Hãy suy nghĩ lại” và “Đừng giữ lấy buồn phiền, hãy nói chuyện với chúng tôi” và có số điện thoại để liên lạc.

Nhật hiện có tỷ lệ tự sát cao nhất thế giới, càng nghiêm trọng hơn từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu gần đây. Cao điểm của các vụ tự sát là tháng 3, vốn là tháng kết thúc năm tài khóa của Nhật.

Chính phủ Nhật đã ra chỉ tiêu giảm số vụ tự sát chỉ còn 20% so với hiện tại vào năm 2016, bằng các biện pháp giáo dục, tư vấn và tiếp cận những người gặp hoàn cảnh khốn cùng. Nhưng các chuyên gia khuyến cáo nạn tự sát sẽ chỉ kết thúc, khi nào điều kiện kinh tế được cải thiện, người dân tìm được việc làm ổn định. Chờ đến khi ấy, “Biển cây” vẫn sẽ là điểm lý tưởng để người ta tìm đến cái chết…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN