Hang động núi lửa Đắk Nông: Nàng công chúa chờ đánh thức

Hệ thống hang động núi lửa có tổng chiều dài trên 25 km, xác lập nhiều kỷ lục trong và ngoài nước đang chờ khai phá

Hệ thống hang động núi lửa có tổng chiều dài trên 25 km, xác lập nhiều kỷ lục trong và ngoài nước đang chờ khai phá

Một công viên địa chất (CVĐC) núi lửa đang được tỉnh Đắk Nông tập trung xây dựng trên diện tích khoảng 4.000 km2, trải dài 6 huyện, thị xã. Ngoài các di sản văn hóa, danh thắng vốn có, điểm nhấn của CVĐC là hệ thống gần 100 hang động núi lửa độc đáo, quyến rũ, nguyên sơ chưa bị con người tác động nằm trên địa bàn huyện Krông Nô.

Hang động núi lửa Đắk Nông: Nàng công chúa chờ đánh thức - 1

Từ cửa một hang núi lửa nhìn ra sông Sêrêpốk. Ảnh: Cao Nguyên

TUYỆT TÁC

Theo chân ông Nguyễn Thanh Tùng (người dân địa phương), sau nhiều giờ đi bộ, chúng tôi đã đến cửa hang C7. Nhìn quanh, phong cảnh núi rừng hùng vĩ đến xao lòng. Đường kính cửa hang khoảng 20 m, xung quanh là vách cao dựng đứng. Giữa miệng hang có cây to, muốn vào bên trong phải bám vào cây hoặc sử dụng dây thừng để xuống. Sâu trong hang, không gian tĩnh lặng, chỉ với ánh sáng yếu ớt từ chiếc đèn pin nhưng chúng tôi đã cảm nhận được sự kiến tạo tuyệt vời của thiên nhiên. Những tảng đá muôn hình muôn vẻ, xếp chồng lên nhau một cách tự nhiên. Phía trên là hàng vạn hình thù sinh động do thạch nhũ tạo thành. Những dải nhũ thạch chảy dài từ trên cao xuống, tạo nên vô số hình thù kỳ dị, lạ mắt. Giữa hang, vòm động được nâng cao, sâu hút như một cung điện trong truyện cổ tích. Trên cao, những hạt nước nhỏ xuống tí tách, đều đặn, hợp thành âm thanh êm dịu.

Hang C7 dài gần 1.100 m, có cấu trúc độc đáo và đặc trưng của hang động núi lửa với dòng dung nham phun trào. Hang còn sót lại 3 tầng địa mạo, cho thấy các dòng chảy dung nham có thời gian phun trào khác nhau.

Trong khi đó, hang C3 (còn gọi là hang Dơi) dài 594,4 m, có sự phân nhánh kép ở phần trung tâm, trên tường hang có 1 khuôn cây đường kính 80 cm. Trần hang cao, không khí được lưu thông nên khi ở trong hang luôn có cảm giác thông thoáng, mát mẻ. Sự phân nhánh ở khu vực giữa hang tạo nên những đường vòng quanh có thể do ảnh hưởng của địa hình thung lũng cổ. Do trần hang khá ổn định nên hang C3 được đánh giá là một trong những hang động đẹp và an toàn.

Theo ông Tùng, khoảng những năm 1970, các hang này là nơi trú ngụ của hàng triệu con dơi nên dân địa phương gọi là hang Dơi. Không ít người tin rằng hang Dơi là một công trình thiên tạo, rằng trước khi con người xuất hiện, nó chính là nơi trú ngụ của những vị thần, như để nhắc nhở con cháu không được tàn phá hang động, chặt bỏ cây rừng xung quanh.

Tiến sĩ La Thế Phúc, nguyên Giám đốc Bảo tàng Địa chất Việt Nam, cho biết mỗi hang động có sự khác biệt về chiều dài, hướng phát triển, hình dạng bên trong, mức độ phân nhánh phân tầng, dấu tích dòng chảy dung nham, đặc điểm thạch nhũ, hóa thạch... Kết quả nghiên cứu bước đầu đã xác lập một số kỷ lục Đông Nam Á về độ dài, tính độc đáo cũng như các đặc trưng về cấu tạo hang động, dòng dung nham, các hóa thạch trong hang và một số vấn đề liên quan đến hoạt động phun trào bazan. Đặc biệt, đã phát hiện di chỉ khảo cổ của người tiền sử sống trong hang động.

Hang động núi lửa Đắk Nông: Nàng công chúa chờ đánh thức - 2

Vẻ đẹp quyến rũ của hang động núi lửa Đắk Nông. Ảnh: Ngọc Bảo

VÔ GIÁ

Bà Lê Thị Hồng An, Phó Giám đốc Ban Quản lý CVĐC núi lửa Đắk Nông, cho biết theo quy định của UNESCO, để trở thành CVĐC phải hội tụ 3 yếu tố: sự đa dạng về địa chất và di sản địa chất; đa dạng sinh học; đa dạng về văn hóa xã hội và di sản văn hóa. Đối với địa chất, di sản địa chất ở Đắk Nông thì đã thấy rõ với hệ thống hang động núi lửa, đồi núi lửa, nhiều hóa thạch khuôn cây. Đối với đa dạng sinh học, trong vùng có nhiều khu bảo tồn, rừng đặc dụng với cả ngàn loại động thực vật, trong đó có hơn 100 loài động thực vật được ghi trong sách đỏ của Việt Nam và thế giới. Riêng yếu tố đa dạng về văn hóa xã hội và di sản văn hóa thì đã có Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; 1 di sản cấp quốc gia đặc biệt là đường mòn Hồ Chí Minh; 6 di sản cấp quốc gia và nhiều di tích cấp tỉnh khác. Như vậy, tiềm năng di sản thiên nhiên và văn hóa là vô cùng phong phú, hội tụ đầy đủ các tiêu chí để thành lập CVĐC toàn cầu.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Tôn Thị Ngọc Hạnh khẳng định việc xây dựng CVĐC toàn cầu nhằm bảo tồn di sản địa chất, di sản văn hóa, cảnh quan thiên nhiên; đồng nghĩa với việc tạo sản phẩm du lịch, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo. "Một trong những việc quan trọng là làm sao để người dân hiểu được những giá trị quý báu đó, cùng nhau bảo tồn và phát triển. Do đó, quan điểm của tỉnh là xây dựng mô hình du lịch cộng đồng, lúc này người dân là chủ thể bảo tồn các giá trị, đó là tài sản của chính người dân" - bà Hạnh nói.

Chẳng cần đi đâu xa, giữa Hà Nội cũng có địa chỉ sống ảo tuyệt đẹp dịp Tết này

Một con phố đi bộ với rất nhiều bức tranh đầy màu sắc, tái hiện lại nhiều nét văn hoá, lịch sử của Thủ đô một...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Cao Nguyên ([Tên nguồn])
Du lịch, lễ hội Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN