Chợ Âm Phủ ở đâu? Vì sao gọi là chợ Âm Phủ?
Gọi là chợ Âm Phủ nhưng nơi đây đã trở thành địa điểm du lịch hút khách.
Những ai từng đến Đà Lạt chắc hẳn đều ghé qua chợ Âm Phủ nổi tiếng nơi đây. Đây là một trong những điểm du lịch và mua sắm sầm uất nhất về đêm của thành phố.
Chợ Âm Phủ Đà Lạt hay còn gọi là chợ đêm, nằm trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, khu vực trung tâm thành phố. Chợ bắt đầu từ khu vực cầu thang Hòa Bình cho đến cổng chợ Đà Lạt, có chiều dài khoảng 1km.
Thành phố Đà Lạt
Sở dĩ chợ Âm Phủ Đà Lạt có cái tên kì lạ đến vậy là do trước đây chợ được mở ban đêm, mà ngày đó đèn đường còn chưa có. Những gánh hàng dong, quán ăn nhỏ được thắp sáng bằng ngọn đèn dầu, mà Đà Lạt lại nhiều sương, tạo nên một khung cảnh ánh sáng leo lét trong đêm khói mờ ảo. Từ đó, cái tên "âm phủ" ra đời.
Chợ vốn được hình thành tự phát từ những năm sau giải phóng, chủ yếu để phục vu nhu cầu ăn uống cho người trồng rau địa phương gánh rau ra chợ mỗi đêm. Sau đó, chợ dần mở rộng hơn, đặc biệt là sau khi du lịch tại Đà Lạt phát triển thì nơi đây trở thành điểm đến sầm uất và là nét văn hóa rất riêng.
Chợ Âm Phủ Đà Lạt
Tới chợ Âm Phủ ở Đà Lạt, du khách tận hưởng cảm giác đông vui náo nhiệt về đêm. Bạn có thể mua sắm, chọn cho mình những đồ len hợp gu với giá cả hợp lý, mẫu mã đa dạng. Hoặc thưởng thức ẩm thực đường phố, những món ăn nóng hổi trong tiết trời se se lạnh như bát ốc luộc, củ khoai nướng hoặc xì xụp chút súp cua, bát bún riêu…
Bên cạnh đó, du khách còn có tham gia các lễ hội đường phố vào cuối tuần, chơi trò chơi trượt patin, hay đơn giản chỉ là thưởng thức những bản nhạc sống chơi trong quán cafe gần đó.
Ở Hà Nội cũng từng có có chợ Âm Phủ (nay là phố 19 tháng 12). Phố 19 tháng 12 khá ngắn, nằm cạnh Tòa án Nhân dân Hà Nội, một đầu đâm ra phố Lý Thường Kiệt, đầu kia đâm ra phố Hai Bà Trưng. Thời thuộc Pháp, phố có tên Rue Simoni, tên một viên quan Pháp đã có thời kỳ giữ chức Thống sứ Bắc Kỳ (1909-1912). Năm 1945 - 1946, phố được đổi tên thành phố Lê Chân.
Chợ Âm Phủ Hà Nội nay là phố sách 19 tháng 12 (Ảnh: Nguyen Phu Duc)
Năm 1946-1947, toàn quốc kháng chiến nổ ra ở Hà Nội, nơi đây thành khu mộ tập thể của các nạn nhân chết trong khu vực Hàng Bông - Cửa Nam. Chính vì khu mộ tập thể nên khi động thổ xây dựng các công trình không được, phải làm chợ chỉ chuyên bán thịt chó đuổi ma tà.
Chợ bắt đầu họp rải rác trên phố từ thời Hà Nội bị ném bom trong Chiến tranh Việt Nam, khi một số người buôn bán dạt từ chợ Hàng Da và Hàng Bè về để tránh bom Mỹ. Chợ tạm đông dần. Năm 1986, sau khi di cốt nạn nhân chiến tranh được chuyển đi, chợ được chính thức đặt tên là chợ 19 tháng 12 để kỷ niệm ngày Toàn quốc Kháng chiến và tưởng niệm các nạn nhân chiến tranh trong thời gian đó nhưng dân gian vẫn quen gọi là chợ Âm Phủ.
Cuối năm 2008, chợ này nằm trong kế hoạch xây lại thành trung tâm thương mại. Tuy nhiên sau đó chợ bị giải tỏa và phố 19 tháng 12 trở thành phố sách.
Nguồn: [Link nguồn]
Dải đất miền Trung dường như đã được thiên nhiên ưu ái cho những cảnh quan đẹp tự nhiên, đặc biệt là những con suối...