Vì sao tỷ phú Phương Thảo phải mua lại công ty của con trai mình?

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

“Bắt tay” với hai đối tác đình đám là VietJet và Grab để start-up công ty về logistics nhưng thiếu gia Tommy Nguyễn gặp khó khăn ngay trong năm đầu hoạt động.

VietJet phải “hà hơi thổi ngạt”

Tháng 8/2019, công ty CP Hàng không VietJet (VietJet), start-up công nghệ cung cấp dịch vụ chuyển phát hàng không siêu tốc Swift247 (Swift247) và công ty TNHH Grab (Grab) ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện nhằm phát triển các giải pháp kết nối di chuyển và giao nhận.

Theo đó, với giải pháp công nghệ của Swift247, Grab và VietJet sẽ kết nối các phương tiện vận chuyển hàng không với đường bộ trong dịch vụ giao hàng “siêu hỏa tốc”, rút ngắn thời gian vận chuyển giữa TP.HCM và Hà Nội chỉ từ 5 giờ.

Swift247 có trụ sở chính tại tòa nhà Vietjet Plaza, phường 2, quận Tân Bình, TP.HCM. Công ty cam kết khách hàng ở TP.HCM có thể nhận hàng hóa từ Singapore hoặc bất kỳ quốc gia Đông Nam Á nào trong 24 giờ.

Là một du học sinh tại Anh, Tommy Nguyễn trở thành đồng sáng lập của Swift247 về mảng logistics, kỳ vọng bước ra châu Á với slogan của công ty: "Ship nước rút, kịp từng phút".

Ra mắt đình đám như vậy nhưng hoạt động kinh doanh tại doanh nghiệp (DN) của thiếu gia nhà bà Thảo lại không mấy sáng sủa, khiến nữ tỷ phú tự thân giàu nhất Việt Nam phải ra tay mua lại.

Năm 2019, Swift247 ghi nhận 1,2 tỷ đồng doanh thu thuần. Tuy nhiên, lợi nhuận gộp lại âm 271 triệu đồng. Thậm chí, lợi nhuận thuần của DN còn âm 2,1 tỷ đồng. Tại thời điểm 31/12/2019, Swift247 có tổng tài sản 7,7 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu âm 2 tỷ đồng.

Cuối năm 2020, Swift247 thay đổi nội dung đăng ký DN, tăng vốn điều lệ từ 14 tỷ lên 47 tỷ đồng, chuyển mô hình từ công ty TNHH sang cổ phần. Trong cơ cấu DN mới, VietJet nắm giữ hơn 67% vốn (tương đương 31,5 tỷ đồng), ông Hà Năng Việt - Tổng giám đốc Swift247 - sở hữu 26% cổ phần, các ông Bùi Hải Nam và Đỗ Xuân Quang lần lượt nắm 3,72% và 3,19% cổ phần.

Trước đó, vào tháng 9/2020, VietJet công bố thông tin về việc tái cơ cấu và phát triển hoạt động vận tải hàng hóa bằng đường hàng không trên nền tảng công nghệ số, thương mại điện tử thông qua sáp nhập và mua lại (M&A) công ty CP Vietjet Cargo và Swift247.

Chân dung thiếu gia tuổi trẻ tài cao trong gia đình giàu thứ hai Việt Nam

Sinh năm 1970 tại Hà Nội, tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo thuộc lứa doanh nhân quay về Việt Nam lập nghiệp sau khi du học Đông Âu. Năm 21 tuổi, bà kiếm được 1 triệu USD đầu tiên nhờ kinh doanh máy fax và nhựa, cao su. Với VietJet, bà Thảo chính là người làm thay đổi cục diện ngành hàng không từ độc quyền sang hướng cạnh tranh, có sự tham gia của tư nhân.

Để đạt được những thành công này, bà Thảo cho biết người phụ nữ phải nỗ lực rất nhiều trên thương trường, phải hi sinh ít nhiều mối quan tâm dành cho gia đình, sự riêng tư. Hiếm khi nữ tỷ phú này chia sẻ về chuyện gia đình hay con cái nhưng trong bài trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ hồi tháng 1/2020, nữ tỷ phú chia sẻ về hai người con trai và quan điểm cho con sự độc lập trong suy nghĩ và phát triển.

Nói về Tommy Nguyễn, CEO VietJet cho biết, con trai lớn của mình học ở trường phổ thông nội trú ở Anh, học giỏi và tự lập, vẫn học tiếng Việt online với thầy Việt Nam, nhắn tin cho mẹ tiếng Việt có dấu. Nữ tỷ phú không ép buộc đam mê của con nhưng vẫn kỳ vọng: “Sau này nếu bạn ấy kế nghiệp được thì tốt".

Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo

Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo

Về ý tưởng start-up Swift247, Tommy Nguyễn từng chia sẻ, khi vừa du học Anh thì bất ngờ nhận được lời mời từ một trường danh tiếng và anh quyết định chuyển trường.

Khó khăn nhất là phải làm lại visa, hồ sơ nhập học... nên rất cần nhiều giấy tờ từ Việt Nam gửi sang mà ngày khai giảng đã cận kề. Khi hỏi công ty chuyển phát quốc tế, thời gian vận chuyển từ TP.HCM - London ít nhất phải mất 3 đến 4 ngày (không bao gồm ngày lễ, nghỉ thứ bảy, chủ nhật và tình huống bất khả kháng).  Không chờ được lâu nên người thân phải nhờ người trực tiếp cầm bộ hồ sơ theo chuyến bay chuyển tới trường cho Tommy Nguyễn để kịp nhập học.

Từ trải nghiệm khó khăn trong vấn đề chuyển phát, chàng trai này đã nuôi suy nghĩ tìm cách mới để tối ưu con đường vận chuyển phát nhanh nhất. Trong quá trình nghiên cứu về lĩnh vực này, Tommy ấn tượng với dịch vụ chuyển phát "nhanh đến không ngờ" của Prime Amazon với vốn đầu tư 800 triệu USD.

Từ đó, Tommy đặt câu hỏi tại sao châu Á không có một dịch vụ chuyển phát siêu nhanh chóng, tận dụng mạnh mẽ nền tảng công nghệ, tối ưu hóa dịch vụ cho người dùng như vậy. Anh tin rằng trong tương lai có rất nhiều xu hướng mới và châu Á sẽ là thị trường vận chuyển của nền tảng công nghệ. Châu Á có tốc độ phát triển cao các nền kinh tế số, thương mại điển tử...

Sau đó Tommy Nguyễn đã gửi một bức thư điện tử cho Grab với nội dung: "Xin chào, tôi là Tommy Nguyễn - là du học sinh ở Anh" và đề xuất ý tưởng về ứng dụng giao hàng hóa.

Song song với Grab, Tommy Nguyễn cũng chủ động hoàn chỉnh các tiêu chuẩn về yêu cầu chất lượng, kỹ thuật, kế hoạch kinh doanh... để thuyết phục hãng hàng không VietJet. Swift247 hướng tới tối ưu năng suất vận chuyển của đối tác VietJet khi có mạng lưới bay trải rộng ở khắp khu vực châu Á.

Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo là một trong những nữ doanh nhân năng động nhất Việt Nam. Bà Thảo hiện là Chủ tịch HĐQT Sovico, cổ đông lớn nhất của hãng hàng không VietJet và ngân hàng HDBank. Năm 2017, tạp chí Forbes công bố danh sách 56 nữ tỷ phú tự thân trên thế giới, trong đó đại diện đầu tiên và duy nhất của Việt Nam là bà Nguyễn Thị Phương Thảo. Bà cũng là nữ tỷ phú duy nhất của Đông Nam Á và là người Việt Nam thứ 2 được Forbes ghi nhận là tỷ phú USD, sau ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch Vingroup.

Theo Forbes, tài sản của nữ tỷ phú tự thân này đã giảm từ mức 2,3 tỷ USD năm 2019 xuống còn 2,1 tỷ USD tính đến đầu năm 2021.

Nguồn: [Link nguồn]

Bất ngờ, gã khổng lồ di động Huawei chuyển sang công nghệ nuôi… lợn

Huawei đang chuyển sang công nghệ chăn nuôi lợn khi đối phó với các lệnh trừng phạt cứng rắn đối với mảng điện thoại...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Minh ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN