Ngân hàng rao bán tài sản thu hồi nợ chỉ bằng 1/3 giá trị, tại sao vẫn ế?

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Thời gian gần đây, các ngân hàng đã đưa ra hàng chục thông báo bán đấu giá tài sản, khoản nợ để xử lý nợ xấu. Trong đó, nhiều tài sản, khoản nợ đã được rao bán năm lần bảy lượt và giảm tới 1/3 giá trị mà vẫn chưa bán nổi.

Trong một tuần gần đây, BIDV đang ráo riết 7 lần thông báo bán đấu giá các khoản nợ và tài sản đảm bảo để thu hồi nợ với số dư hàng trăm tỷ đồng. Trong đó, điển hình là khoản nợ gần 500 tỷ đồng theo hợp đồng tín dụng mà ngân hàng BIDV cho liên doanh Công ty TNHH Xây dựng kinh doanh nhà Bách Giang (Công ty Bách Giang) và Công ty TNHH XD TM Cao Nguyên (Công ty Cao Nguyên) vay.

Nhiều tài sản là BĐS được ngân hàng rao bán 5 lần 7 lượt nhưng vẫn ế chỏng chơ

Nhiều tài sản là BĐS được ngân hàng rao bán 5 lần 7 lượt nhưng vẫn ế chỏng chơ

Cụ thể, BIDV thông báo thanh lý 2 khoản nợ của Công ty TNHH Xây dựng và Kinh doanh nhà Bách Giang và Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Cao Nguyên với giá khởi điểm 312,2 tỷ.

Trong đó, tính đến 6/5, khoản nợ tại Nhà Bách Giang là 236,7 tỷ và khoản nợ của Công ty Cao Nguyên là 245,2 tỷ đồng. Cả 2 khoản nợ này đều có tài sản đảm bảo là Dự án Khu dân cư khu phố 4, phường Phước Long A, quận 9, TP.HCM mà 2 công ty đang đầu tư.

Đáng chú ý, đây là lần thứ 5 ngân hàng này mang 2 khoản nợ trên ra đấu giá. 4 lần trước, BIDV đã liên tục hạ giá khởi điểm nhưng không có nhà đầu tư tham gia.

So với lần thanh lý gần nhất (tháng 5), giá hiện tại của 2 khoản nợ đã giảm 35 tỷ đồng, tương đương 10%. Còn nếu so với giá khởi điểm trong lần thanh lý đầu tiên (tháng 3), giá BIDV đưa ra hiện đã giảm 163 tỷ đồng, tương đương gần 1/3 giá trị.

Tương tự, nhà băng này cũng đang thông báo bán đấu giá lô đất 61.000 m2 (xã Mỹ Hiệp, Cao Lãnh, Đồng Tháp) và nhà xưởng, máy móc, dây chuyền sản xuất lúa gạo đi kèm.

Giá khởi điểm ngân hàng đưa ra cho toàn bộ tài sản kể trên là 85 tỷ đồng. Trong đó, giá khởi điểm của lô đất và nhà xưởng là 77,4 tỷ và giá thanh lý máy móc thiết bị là 7,6 tỷ đồng…

Cũng trong lần rao bán này, BIDV còn mang tài sản thu giữ từ Công ty TNHH Thành Vinh ra đấu giá lần thứ 7.

Trong đó, tài sản đấu giá là khu đất 234,3 m2 và ngôi nhà 3 tầng đi kèm tại số 35 đường Nguyễn Lữ (phường Ngô Mây, Quy Nhơn, Bình Định), giá khởi điểm là 15,4 tỷ đồng, thấp hơn 30% so với giá bán lần đầu.

Tại ngân hàng Vietcombank hiện cũng đang rao bán khoản nợ của Công ty TNHH Việt Trường Sơn lần thứ 8 với giá khởi điểm 22,8 tỷ. Được biết, tổng dư nợ của Công ty Việt Trường Sơn tại ngân hàng hiện nay là 33,4 tỷ đồng, tài sản đảm bảo là 5 bất động sản tại TP.Đà Lạt và một bất động sản tại Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.

Vietcombank trước đó đã bán đấu giá khoản nợ này liên tục từ tháng 10/2020, nhưng qua 7 lần rao bán và hạ giá, đến nay vẫn chưa có nhà đầu tư tham gia.

Ngoài ra, còn rất nhiều ngân hàng khác cũng đang phát hàng chục  thông báo bán đấu giá tài sản và khoản nợ để xử lý nợ với giá trị hàng trăm tỷ đồng nhưng bất thành.

Nhiều khách sạn tại các vị trí "vàng" cũng được rao bán nhưng đa số có những rắc rối về vấn đề pháp lý

Nhiều khách sạn tại các vị trí "vàng" cũng được rao bán nhưng đa số có những rắc rối về vấn đề pháp lý

Theo giới chuyên môn, sở dĩ loạt tài sản được các ngân hàng thanh lý dù đại hạ giá hàng trăm triệu nhưng rao 5 lần 7 lượt vẫn ế chỏng chơ cũng có lý do của nó. Trước hết nguyên do là một số tài sản đang vướng tranh chấp nhiều bên, bên ngân hàng khởi kiện còn có cả tranh chấp người dân mua nền đất theo hình thức góp vốn. 

Đơn cử, ngân hàng BIDV thông báo thanh lý 2 khoản nợ của công ty Bách Giang và công ty Cao Nguyên với tài sản đảm bảo là dự án KDC khu phố 4, phường Phước Long, TP Thủ Đức, TP. HCM. Trước đó, UBND TP.HCM đã có quyết định giao đất cho Công ty Bách Giang từ năm 2004. Tuy nhiên, đến năm 2018 dự án kéo dài đã hơn 14 năm nhưng chủ đầu tư vẫn chưa làm xong cơ sở hạ tầng. 

Trong suốt thời gian này, người dân sinh sống tại đây vô cùng khổ sở khi nhà xuống cấp không được sửa, nhà đông người không được mở rộng, không được nhập hộ khẩu vì chủ nhà không được cấp sổ đỏ. Mọi mua bán, chuyển dịch tại dự án phải thông qua ngân hàng vì chủ đầu tư đã thế chấp các nền đất.

Tìm hiểu được biết, dự án tuy chưa hoàn thiện pháp lý nhưng chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật chính là Công ty Bách Giang đã tự ý bán 8.305,73 m2 thuộc phần diện tích đất thế chấp của Liên Danh Bách Giang và Cao Nguyên theo hình thức hợp đồng góp vốn đầu tư không có sự đồng ý của Ngân hàng, dẫn đến tranh chấp giữa Ngân hàng, các khách hàng mua đất theo hình thức góp vốn, Công ty Nhà Bách Giang, Công ty Cao Nguyên, các thành viên góp vốn của Công ty Nhà Bách Giang.

Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty SBLaw, một vướng mắc lớn là đối với tài sản đang có tranh chấp kiện tụng, nếu ngân hàng phát mãi, dù khoản nợ hấp dẫn thì trên thực tế người muốn tham gia đấu giá cũng sẽ có những e ngại.

"Rất nhiều vụ việc khởi kiện yêu cầu phát mại tài sản lên tòa án do các cá nhân, tổ chức không trả được nợ nhưng trong nhiều trường hợp thủ tục phát mại tài sản không được đầy đủ, chặt chẽ, mà không phải ai cũng nắm được quy trình phát mãi tài sản dẫn đến các rắc rối không đáng có ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên khi thực hiện trình tự, thủ tục phát mại quyền sử dụng đất. Do đó, thông thường các nhà đầu tư muốn tham gia mua bán nợ xấu sẽ cân nhắc đối với những dự án có liên quan tới "đáo tụng đình", luật sư Hà nói.

Cũng theo luật sư Hà, với nhiều khoản cho vay đầu tư phát triển dự án bất động sản những năm trước đây, nhiều ngân hàng khá dễ dãi trong quy định thẩm định và phê duyệt hồ sơ tín dụng với tài sản hình thành từ vốn vay và trong tương lai, mà đặc thù tài sản hình thành trong tương lai là bao gồm chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý, có thể có rủi ro không nhỏ. Không ít khoản vay của các nhà đầu tư kém năng lực tài chính, không có khả năng phát triển dự án, đã khiến các ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro cho khoản nợ qua nhiều năm hoặc rao bán, điều chỉnh giá bán nợ nhiều lần. Chất lượng nợ của các tài sản tương tự như vậy gây lo ngại cho quá trình phát mãi thu hồi nợ của BIDV và các ngân hàng nói chung.

Nguồn: [Link nguồn]

Đại gia Việt kiều Pháp sở hữu chuỗi nhà hàng, bị ngân hàng siết nợ hơn 121 tỷ đồng

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đang rao bán đấu giá khoản nợ hơn 121 tỷ đồng của CTCP Ngọc Sương, một doanh...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hồng Hương ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN