Các đại gia bán lẻ lớn cũng gặp khó bởi dịch Covid-19

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Việc phải đóng cửa hàng trăm đến hàng nghìn cửa hàng trong mùa dịch Covid-19 đã khiến những đại gia bán lẻ như Thế giới di động hay PNJ bắt đầu gặp những khó khăn lớn.

Trong buổi chia sẻ online với các nhà đầu tư cuối tuần vừa qua, ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) cho rằng hoạt động bán hàng cuối năm sẽ không tốt do tình trạng đóng cửa trầm trọng.

Ông tin rằng năm 2022 tình hình kinh doanh có thể hồi phục khi dịch được kiểm soát, nhưng cũng khó bùng nổ như nhiều người ví von là một cái lò xo bị nén lại chờ ngày bung ra.

Theo vị tỷ phú người Nam Định, bên cạnh sức mua giảm thì hoạt động bán hàng của doanh nghiệp cũng gặp trở lại, thậm chí bán hàng online cũng khó thực hiện ở các vùng thắt chặt giãn cách. Thực tế cho thấy hàng loạt cửa hàng bán lẻ ở các thành phố lớn cũng đang phải tạm đóng cửa và hạn chế hoạt động trong thời gian gần đây.

Chia sẻ cụ thể hơn về những khó khăn MWG đang phải đối mặt, ông Đoàn Văn Hiểu Em, Tổng giám đốc 2 chuỗi Thế Giới Di Động/Điện Máy Xanh (TGDĐ/ĐMX), cho biết chuỗi bán hàng công nghệ này bắt đầu chịu tác động lớn từ dịch bệnh từ khoảng đầu tháng 5 và đến giữa tháng 7 đã tạm đóng cửa khoảng 600-800 cửa hàng. 

Chuỗi BHX của MWG hưởng lợi khi nhu cầu tích trữ thực phẩm của người dân tăng cao

Chuỗi BHX của MWG hưởng lợi khi nhu cầu tích trữ thực phẩm của người dân tăng cao

Tuy nhiên, tác động của dịch bệnh nghiêm trọng hơn từ giữa tháng 7 đến nay, buộc toàn chuỗi này phải đóng cửa và hạn chế hoạt động tới 2.000 cửa hàng trong tổng số 2.700 cửa hàng.

Cùng với việc phải đóng cửa tới 70% cửa hàng, việc siết chặt Chỉ thị 16 dẫn đến việc bán hàng online cũng khó thực hiện.

Ông Hiểu Em ví von trong tình cảnh hiện tại doanh nghiệp gần như bị “trói tay trói chân” và có ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh doanh tháng 7 và 8. Bởi doanh thu nhóm cửa hàng bị đóng cửa ở những thành phố lớn có thể đóng góp 85 đến 90% doanh thu của toàn chuỗi.  

Báo cáo báo hàng tháng 7 của TGDĐ/ĐMX cho biết doanh thu của chuỗi đã rơi về mức thấp chỉ còn khoảng 5.220 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ và giảm đến 34% so với tháng 6.

Để vượt qua giai đoạn khó khăn, chuỗi TGDĐ/ĐMX đã điều động 40% nhân sự bán điện máy sang làm việc tại mô hình Bách Hóa Xanh cùng tập đoàn.

Đại diện chuỗi TGDĐ/ĐMX thừa nhận với việc siết chặt giãn cách xã hội ở nhiều địa phương để kiểm soát dịch bệnh, kết quả kinh doanh trong tháng 8 dự kiến là tháng thấp điểm. Nếu các biện pháp giãn cách tiếp tục kéo dài trong các tháng cuối năm, kế hoạch kinh doanh được công ty đề ra từ đầu năm sẽ khó thực hiện được.

Trong hệ thống MWG, chuỗi Bách Hóa Xanh (BHX) ghi nhận tăng trưởng mạnh bất chấp tác động của dịch bệnh.

Theo đó, tháng 7 ghi nhận kỷ lục mới của chuỗi với mức doanh thu gần 4.240 tỷ đồng, tăng 55% so với tháng 6 và tăng 133% so với cùng kỳ năm trước. Sự tăng trưởng vượt trội này đẩy tỷ lệ đóng góp của BHX trong tổng doanh thu của MWG lên tới 45%.

Doanh thu trung bình mỗi cửa hàng đạt hơn 2,1 tỷ đồng, cao nhất từ trước tới nay. BHX ghi nhận doanh thu hơn 17.600 tỷ đồng cho lũy kế 7 tháng năm 2021, tăng 57% so với cùng kỳ.

Bên cạnh MWG, chuỗi bán lẻ trang sức của Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) cũng gặp nhiều khó khăn khi TP HCM và các tỉnh phía Nam kéo dài giãn cách xã hội.

Tính đến cuối tháng 7, PNJ đã tạm thời đóng 274 cửa hàng, tương đương với 81% tổng số lượng cửa hàng của toàn chuỗi. Điều này khiến kết quả kinh doanh của PNJ bị tác động lớn.

Theo đó, doanh thu thuần tháng 7 chỉ còn 489 tỷ đồng, giảm 62,6% so với cùng kỳ năm trước. Do vậy, doanh nghiệp lỗ sau thuế 32 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái có lãi 55 tỷ đồng).

Đây là tháng đầu tiên trong năm 2021, PNJ thua lỗ. Trước đó, tháng gần nhất PNJ ghi nhận lỗ là tháng 4/2020 với 102 tỷ đồng, đỉnh dịch của năm 2020 khi nhiều cửa hàng tạm đóng cửa theo yêu cầu chống dịch.

Với việc các cửa hàng vàng bạc, trang sức của PNJ thường đặt điểm bán tại các khu vực thành thị với dân số đông. Việc có đến 274 cửa hàng tạm dừng hoạt động, chiếm hơn 81% số lượng có thể tác động không nhỏ đến doanh số các tháng tiếp theo.

Không chỉ MWG và PNJ chịu sự tác động tiêu cực của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp bán lẻ khác cũng chịu tác động của dịch bệnh.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm nay vẫn tăng 4,9% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, hoạt động bán lẻ hàng hóa có xu hướng giảm kể từ tháng 5 khi các biện pháp giãn cách xã hội được thắt chặt.

Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Bảy ước tính đạt 339,4 nghìn tỷ đồng, giảm 8,3% so với tháng trước và giảm 19,8% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 7 tháng năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 2.791,3 nghìn tỷ đồng, chỉ còn tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước.

Nguồn: [Link nguồn]

6 tháng đầu năm nay, Sacombank đang kinh doanh ra sao?

Không chỉ lãi đột biến trong nửa đầu năm, Sacombank cũng vừa thu được khoản tiền lớn lên tới cả nghìn tỷ đồng từ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trung Kiên ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN