Shark Tank: Startup khởi nghiệp từ Facebook, gọi vốn thành công 1 triệu USD

Startup này đến Shark Tank mùa 5 để kêu gọi đầu tư 1 triệu USD cho 10% cổ phần.

Xuất hiện đầu tiên trong Shark Tank Việt Nam mùa 5 tập 2 là Thông Hiệp - nhà sáng lập và điều hành thương hiệu giày sandal (xăng-đan) dành cho giới trẻ Shondo. Anh đến chương trình để kêu gọi đầu tư 1 triệu USD cho 10% cổ phần.

Thông Hiệp - nhà sáng lập và điều hành Shondo.

Thông Hiệp - nhà sáng lập và điều hành Shondo.

Thông Hiệp cho biết, anh khởi nghiệp cách đây 8 năm. Với số vốn 7 triệu, anh làm được 50 đôi giày đầu tiên và bán trên Facebook. Sau đó anh có bán trên các sàn thương mại điện tử và hiện tại vẫn bán trên website. 

Thông Hiệp muốn mở thêm nhiều cửa hàng vì giá bán ở cửa hàng cao hơn và khách hàng có thể trải nghiệm trước khi mua hàng online. Mục tiêu của anh là mở phủ toàn quốc vì đối tượng khách hàng chính là học sinh, sinh viên.

Về bức tranh tài chính, Thông Hiệp đã đầu tư khoảng 3 tỷ vào Shondo, tổng tài sản hiện khoảng 30 - 40 tỷ, tổng nợ khoảng 1,5 so với doanh thu. Chi phí mặt bằng hiện nay chiếm 15%. Doanh thu 40 - 50% đến từ bán lẻ, 30% đến từ các đại lý và 20% đến từ online (bán hàng trực tuyến). Năm 2021 dù chỉ bán được 4 tháng nhưng doanh thu vẫn đạt khoảng 60 tỷ.

Trả lời câu hỏi của shark Hưng về thời gian có thể hoàn vốn, thoái vốn và tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư, Thông Hiệp cho biết khoảng 3 - 5 năm sau các shark có thể hoàn vốn và năm thứ 6, thứ 7 sẽ có lãi với tỷ suất lợi nhuận 15%.

Tuy nhiên, shark Hùng Anh và shark Hưng cho rằng, với 1 triệu USD trong 10 năm thì lãi kép trong ngân hàng cũng đã cao hơn rồi. Còn shark Bình thì đánh giá Shondo đang yếu về kỹ năng kiến thức tài chính và chưa biết cách tài chính hóa doanh nghiệp của mình.

Shark Hùng Anh cũng thắc mắc, Shondo sẽ làm thế nào khi sản phẩm hết trend (xu hướng). Thông Hiệp cho biết sẽ giảm giá nếu không bán được. Các shark đều tỏ ra không bằng lòng vì cho rằng giảm giá sẽ hết lợi nhuận, và giảm giá nhiều quá sẽ khiến khách hàng có thói quen chờ đợi giảm giá, khi ra mẫu mới không có người mua.

Dán "cá mập" tại tập 2 của Shark Tank mùa 5.

Dán "cá mập" tại tập 2 của Shark Tank mùa 5.

Một vấn đề được shark Hưng lưu ý với startup là chi phí cố định cũng ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của startup. Nếu startup đầu tư xây dựng hệ thống flagship (cửa hàng lớn và hiện đại để tạo trải nghiệm cho khách hàng) thì “không làm gì mở mắt ra đã phải trả tiền thuê nhà rồi trả tiền nhân công, nhân sự”. Ngoài ra, shark Hưng cũng chỉ ra điểm yếu của startup là lượng tồn kho lớn dẫn đến “chết” vốn lưu động và nợ nhà cung cấp.

Ông cho rằng, câu chuyện phức tạp nhất của startup là quản trị marketing (tiếp thị) và quản trị tài chính. Thông Hiệp cho biết, hai lợi thế anh có thể phát triển được là thiết kế mẫu mã và có fanpage gần 1 triệu like cũng như được khách hàng các trường cấp 2, cấp 3 ủng hộ. 

Shark Liên cho biết, bà có thể giới thiệu dòng sản phẩm của startup đến giới trẻ. Tuy nhiên, vì startup không cùng lĩnh vực nên bà quyết định không đầu tư.

Trong khi đó, shark Hùng Anh đề nghị đầu tư 23 tỷ cho 45% Shondo. Đánh giá đề nghị của shark Hùng Anh khá hấp dẫn với startup nên shark Hưng đã từ chối đầu tư.

Trước khi ra quyết định, shark Phú muốn biết rõ hơn về tình hình tài chính của startup. Thông Hiệp cho biết, chi phí một đôi giày giá niêm yết là 500.000 đồng, nguyên liệu chính chiếm khoảng 120.000 đồng, khấu hao thêm các chi phí khác khoảng 170.000 đồng. Trừ thêm chi phí cho các khâu trung gian, lãi gộp đạt khoảng 40 - 50%.

Tuy nhiên, khi shark Phú hỏi về chi phí bán hàng và marketing, Thông Hiệp không nhớ.

Cho rằng startup không nhớ được con số thì bức tranh tài chính khá mù mờ, nhưng shark Phú vẫn quyết định đề nghị đầu tư 23 tỷ với giá trị công ty là lợi nhuận bình quân 2 năm gần đây nhân với 15 lần (tương đương PE bằng 15). Shark cho biết, ông có thể giúp cho Shondo nền tảng cơ bản để quản trị doanh nghiệp và đưa doanh nghiệp lên nghìn tỷ.

Shark Bình cho rằng, ông có thể giúp startup hai thứ là chiến lược kinh doanh và tổ chức bán hàng. Với hệ thống kho thương mại điện tử có sẵn ở khắp Đông Nam Á, ông sẽ giúp startup bán hàng online và mở rộng ra khu vực này. Với lợi thế của mình, shark Bình đề nghị đầu tư 23 tỷ đổi lấy 35% cổ phần của Shondo.

Trước sự cạnh tranh với shark Phú và shark Bình, shark Hùng Anh thay đổi đề nghị đầu tư, ông đưa ra con số 23 tỷ để ở hữu 30% cổ phần của Shondo: “Anh kinh doanh quốc tế, anh sẽ đưa sản phẩm của em ra thị trường nước ngoài. Anh có nhiều chi nhánh ở Mỹ, Âu, Singapore và Hồng Kông rồi”.

Trước lời đề nghị của 3 shark, Thông Hiệp cho biết, mình muốn lắng nghe nhân sinh quan của các Shark.

Shark Phú cho biếtm ước mơ của ông khi khởi nghiệp là tạo ra sản phẩm bằng chính bàn tay con người Việt Nam, có năng lực cạnh tranh để phục vụ người dân và lan tỏa ra các nước khác. Và khi đầu tư ông cũng mong muốn sẽ hỗ trợ được cho startup như vậy để cùng phát triển. 

Shark Hùng Anh thì cho biết, ông nhận thấy nhiệt huyết trong mắt Thông Hiệp và khuyến khích anh có niềm tin vào những gì bản thân đã làm. “Anh quyết định đầu tư để cho em làm chứ không phải can thiệp quá sâu vào công việc của em. Anh sẽ là người đồng hành với em để trao đổi, những gì khó khăn sẽ hỗ trợ mức tối đa cho em”, shark Hùng Anh khẳng định.

Trong khi đó, shark Bình cho biết, với ông hạnh phúc là khi những gì mình có nhỏ hơn hoặc bằng những gì mình muốn. Chính vì vậy nếu cố mãi không được thì hãy giảm những gì mình muốn xuống để được hạnh phúc hơn.

Sau khi nghe chia sẻ của các shark, Thông Hiệp cho biết anh thích nhất shark Hùng Anh nên sẽ chốt deal 23 tỷ cho 30% cổ phần với vị "cá mập" này.

Nguồn: [Link nguồn]

Shark Tank: Startup ”một trời một vực” so với Google gọi vốn 1 triệu USD

Shark Bình đánh giá sản phẩm của startup này đang như “một trời một vực” so với Google.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngọc Phạm ([Tên nguồn])
Startup công nghệ tại Shark Tank - Thương vụ bạc tỷ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN