Shark Tank: Hai "cá mập" tranh giành startup "Uber ngành bất động sản"

“Mục tiêu năm nay của mình là phải lên tới 50.000 người dùng và tăng trưởng gấp 5 lần so với 2021”.

Tại tập 4 của chương trình Shark Tank mùa 5, Đậu Ngọc Hà Dương - đồng sáng lập và điều hành OHIO đã đến gọi vốn. Theo lời giới thiệu của Hà Dương, OHIO là “nền tảng Uber” trong ngành bất động sản. Hiện, OHIO có rất nhiều dự án sơ cấp về bất động sản và kết nối với các môi giới tự do để họ có thể dễ dàng tham gia bán hàng và tạo ra thu nhập.

Đậu Ngọc Hà Dương - đồng sáng lập và điều hành OHIO.

Đậu Ngọc Hà Dương - đồng sáng lập và điều hành OHIO.

Người dùng của OHIO là các nhà môi giới. Họ có thể truy cập danh sách dự án và xem tất cả thông tin dự án đang có trên OHIO. Khi đó, nếu nhà môi giới có khách hàng quan tâm có thể giới thiệu cho khách hàng. Nếu khách hàng đồng ý mua, họ sẽ đặt cọc trực tuyến trên ứng dụng này. 

Hà Dương cũng chia sẻ thêm, mô hình OHIO định vị là B2A - Business to Agents, lấy môi giới làm trung tâm. Anh mong muốn tạo nên một nền tảng dành riêng cho môi giới đạt số một Việt Nam. Vì vậy, anh đến với Shark Tank kêu gọi các shark cùng đồng hành với con số 100.000 USD đổi lấy 10% cổ phần công ty.

Là một người rất am hiểu về lĩnh vực bất động sản, shark Hưng đã có rất nhiều câu hỏi “xoáy” vào bản chất của mô hình này. Trả lời các câu hỏi của shark Hưng về mô hình cũng như số lượng giao dịch trên ứng dụng, Hà Dương cho biết, mình bắt đầu làm từ tháng 1/2021 và đã có 60 giao dịch thành công trong năm vừa qua.

Hiện, OHIO có hơn 20 sàn F1 đang làm việc cùng và có số lượng người dùng là gần 2.000 môi giới tự do. Nền tảng này được tạo ra cho môi giới tham gia, chứ không mở ra cho khách hàng tham gia vào. OHIO cũng xây dựng giỏ hàng liên kết với rất nhiều đơn vị phân phối chính thức để giúp cho môi giới có được nguồn hàng đa dạng.

Dàn "cá mập" tại tập 4 của Shark Tank mùa 5.

Dàn "cá mập" tại tập 4 của Shark Tank mùa 5.

Shark Hưng nhận xét nền tảng của OHIO là hệ thống doanh thu dựa trên hoa hồng. Ông chỉ ra một bài toán khó cho OHIO là việc các nhà môi giới khi đã có khách hàng, họ sẽ dùng nền tảng này để làm việc với khách hàng nhưng khi chốt deal (giao dịch) sẽ không báo với OHIO mà chuyển thẳng cho chủ đầu tư. Vì vậy, ông muốn biết cách mà OHIO kiểm soát điều này.

Hà Dương thừa nhận thực tế điều shark Hưng nói có xảy ra, nhưng tỉ lệ rất thấp. Anh cũng cho biết, từ kinh nghiệm 5 năm làm việc trong lĩnh vực này, yếu tố quan trọng đối với môi giới khi chốt thành công có thể là do cách mà nền tảng đã hỗ trợ họ trong giao dịch này. Ví dụ khi họ cần chốt khách thì nhiều khi thậm chí OHIO phải đi chốt giùm cho họ.

Câu trả lời này của Hà Dương chưa thuyết phục được shark Hưng. Shark Hưng cho rằng nếu đã là nền tảng thì đội ngũ không can thiệp gì vào vận hành.

Lúc này, shark Phú và shark Bình hỏi sâu thêm về bức tranh tài chính của OHIO. Hà Dương cho biết, doanh thu năm ngoái của OHIO là 5,9 tỉ tiền hoa hồng môi giới. Trước đây, doanh nghiệp lỗ khoảng 100 triệu đồng 1 tháng, nhưng tháng 4/2022 đã hòa vốn.

Các shark tiếp tục có nhiều câu hỏi khai thác về nguồn hàng của nền tảng và cách mà nền tảng này quản lý giỏ hàng. Hà Dương cho biết, mô hình của mình cho các công ty môi giới thuê nền tảng là chính nên nguồn hàng sẽ đến từ các công ty môi giới. Công ty cũng thỏa thuận với các công ty môi giới là phải niêm yết giỏ hàng, dành một phần giỏ hàng lên trên hệ thống của OHIO.

Nhận thấy đây không phải là lĩnh vực thế mạnh của mình và cho rằng khả năng mở rộng mô hình kiếm tiền cũng khó, shark Phú là vị “cá mập” đầu tiên từ chối đầu tư. Tiếp theo, shark Hùng Anh cũng từ chối đầu tư vì nghi ngại OHIO khó kiểm soát được nền tảng của mình. Không có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực bất động sản, shark Liên cũng quyết định rút khỏi deal này.

Shark Bình tại Shark Tank mùa 5 tập 4.

Shark Bình tại Shark Tank mùa 5 tập 4.

Shark Bình cho biết, mô hình liên kết mà startup đang làm có một nguy cơ rất lớn là khi doanh thu bắt đầu tăng, các công ty môi giới sẽ phát triển các ứng dụng tương tự mà không tiếp tục thông qua nền tảng của OHIO. Vì vậy, mô hình của OHIO rất khó, có khả năng bị loại bỏ bởi các công ty môi giới. Tuy nhiên, shark Bình đã có ý tưởng cho OHIO có “long mạch” riêng, và để biết được “long mạch” đó là gì, shark Bình sẽ đồng hành cùng OHIO bằng cách đầu tư 100.000 USD đổi lấy 33% cổ phần.

Đồng tình với nhận định của shark Bình, shark Hưng đánh giá, những gì mà Hà Dương chia sẻ gần như rất “ngây thơ” trong lĩnh vực môi giới bất động sản. Nhưng là người đi lên từ công nghệ và thích áp dụng công nghệ trong lĩnh vực bất động sản, shark Hưng tin cả hai sẽ có cùng tiếng nói với nhau. Vì vậy ông đề nghị đầu tư 100.000 USD đổi lấy 36% cổ phần của OHIO. 

Cả shark Hưng và shark Bình liên tục “tung chiêu” để chiêu mộ startup này về với hệ sinh thái của mình. Sau khi phân tích và suy nghĩ, startup xin phép deal với shark Bình con số 100.000 USD cho 20% cổ phần, tuy nhiên không nhận được sự đồng ý của vị “cá mập công nghệ”. 

Sau cùng, cả hai đồng ý với mức 100.000 USD cho 30% cổ phần, và shark Bình sẽ tư vấn và bàn bạc thêm với đội ngũ sáng lập về việc thay đổi định hướng để “trở thành một nhà môi giới trên nền công nghệ thực sự khác biệt và có giá trị để tồn tại”.

Sau khi nhận được cam kết đầu tư của Shark Bình, Hà Dương hào hứng chia sẻ anh sẽ cùng Shark Bình lên kế hoạch để phát triển đột phá trong năm nay vì “mục tiêu năm nay của mình là phải lên tới 50.000 người dùng và tăng trưởng gấp 5 lần so với 2021”.

Nguồn: [Link nguồn]

Bị chê ”ngáo giá nhất 5 mùa Shark Tank”, startup hẹn hò online Fika nói gì?

Fika đã định giá mình lên tới 150 triệu USD khi tới Shark Tank mùa 5 gọi vốn 3 triệu USD cho 2% cổ phần.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Phạm ([Tên nguồn])
Startup công nghệ tại Shark Tank - Thương vụ bạc tỷ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN