Những người chắp cánh cho khởi nghiệp công nghệ Việt

Sự kiện: Công nghệ

Gọi họ là những người chắp cánh, bởi nhờ có họ mà rất nhiều khởi nghiệp (startup) công nghệ Việt đã thành công như ngày hôm nay và nhiều startup khác vẫn đang được họ giúp đỡ hết mình.

Lê Hoàng Uyên Vy, Giám đốc điều hành quỹ ESP Capital 

Lê Hoàng Uyên Vy

Lê Hoàng Uyên Vy

ESP Captital (Early stage partner), là một quỹ chuyên đầu tư vào các startup công nghệ tại Việt Nam hiện nay. Điểm đặc biệt của quỹ đầu tư này là họ đầu tư vào startup ngay từ giai đoạn ban đầu thành lập công ty.

Đáng chú ý điều hành ESP Capital tại Việt Nam là một cô gái rất xinh đẹp và nổi tiếng trong giới startup công nghệ. Cô gái này nằm trong danh sách 30 gương mặt trẻ của Forbes U30 tại Việt Nam và châu Á, từng giữ vai trò giám đốc trang thương mại điện tử Adayroi của Vingroup, Lê Hoàng Uyên Vy.

Dưới sự điều hành của Lê Hoàng Uyên Vy, ESP Capital đã giúp cho nhiều startup trong lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam đã khởi đầu thành công, có thể kể đến như Wefit, Elsa, Lusxtay, Ecomobi, Uiza, Jobsgo và MindX. Ngoài ra, cô cũng đang đầu tư vào một startup liên quan đến công nghệ VR có tên gọi Xtreme Studio, trong đó có sản phẩm nổi tiếng là game thực tế ảo Top of Vietnam, chinh phục toà nhà cao nhất Việt Nam Landmark 81 ra mắt vào tháng 5/2019 vừa qua.

Lê Hoàng Uyên Vy cho biết, sở dĩ cô và ESP Capital chọn đầu tư vào giai đoạn đầu của startup công nghệ bởi lúc này cô nhận thấy rằng, ở Việt Nam có tới 3000 – 4000 startup công nghệ cần huy động vốn ngay giai đoạn ban đầu, tuy nhiên lại có rất ít quỹ đầu tư hỗ trợ cho họ lúc này. Đa số các quỹ đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cũng chọn giai đoạn A, B  (giai đoạn công ty bắt đầu mở rộng và tăng trưởng nhanh).

Là những người khởi nghiệp từ những năm 2010, đã từng xây dựng công ty và rời khỏi khi nó thành công, Lê Hoàng Uyên Vy và những người sáng lập ra ESP Capital nhận thấy rằng họ có sứ mệnh giúp đỡ cho các startup thế hệ mới sau này. Mặc dù, theo cô, đây là giai đoạn theo cô rất rủi ro, khi startup mới hình thành từ ý tưởng, nói chung là vẫn còn mơ hồ. Tuy nhiên, cô và ESP Capital chấp nhận đồng hành cùng họ để góp phần tạo nên các startup công nghệ thành công cho Việt Nam.

Theo Lê Hoàng Uyên Vy, để startup công nghệ thành công trong thời gian hiện nay, điều đầu tiên họ phải kiên nhẫn và phải làm rất nhiều. Có thể làm sai và sai nhiều, nhưng từ cái sai nhiều đó sẽ rút ra được bài học và kinh nghiệm để chọn ra được con đường đi đúng. Bên cạnh đó, startup công nghệ cần nhìn vào bức tranh lớn, không nên giới hạn chỉ trong phạm vi Việt Nam, cần mở rộng ra thị trường Đông Nam Á. Tuy nhiên, trước hết phải chinh phục được thị trường trong nước đã sau đó sẽ tiến ra thế giới.

Nguyễn Mạnh Dũng, Giám đốc quỹ đầu tư mạo hiểm CyberAgent Việt Nam

Anh Nguyễn Mạnh Dũng

Anh Nguyễn Mạnh Dũng

Anh Nguyễn Mạnh Dũng, hay giới startup công nghệ còn gọi là Shark Dũng khi anh đang ngồi trên ghế nóng chương trình Shark Tank, một chương trình truyền hình về khởi nghiệp.

Là người đại diện cho quỹ CyberAgent tại Việt Nam, anh đã kết nối và kêu gọi đầu tư cho rất nhiều startup công nghệ trong nước, anh được coi là “người đỡ đầu” cho các startup công nghệ thành công hiện nay như Tiki, Nhacuatui, Vicare, Jupviec, Vexere, CleverAds, Luxstay, Vatgia, Batdongsan, Bảo Kim, Foody…

Anh Nguyễn Mạnh Dũng cho biết, CyberAgent là một quỹ đầu tư mạo hiểm thuộc một tập đoàn công nghệ của Nhật, cho nên ngay từ đầu họ ưu tiên đầu tư vào startup thuộc lĩnh vực công nghệ. Đến cuối năm 2007 đến đầu năm 2008 họ quyết định mở rộng ra thị trường Đông Nam Á ngoài Nhật và Việt Nam là điểm đến đầu tiên của họ. Tại Việt Nam họ gặp anh và xem như đây là một cái duyên để anh bước vào lĩnh vực này.

Đến nay CyberAgent đã đầu tư khoảng 60 công ty tại thị trường Đông Nam Á, trong đó Việt Nam chiếm một nửa trong số đó. Bên cạnh hỗ trợ về tài chính cho các công ty khởi nghiệp công nghệ, CyberAgent còn tư vấn chiến lược, cũng như sản phẩm, kết nối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước…để giúp startup ngày càng phát triển hơn.

Theo anh Nguyễn Mạnh Dũng, ngay từ ban đầu khi tiến hành đi tìm kiếm và kết nối startup công nghệ để đầu tư anh đã gặp rất nhiều khó khăn. Bởi lúc CyberAgent vào Việt Nam là đầu năm 2008, ngay sau đó là khủng hoảng thị trường tài chính toàn cầu, nền kinh tế thế giới lúc này chao đảo và Việt Nam cũng bị cuốn theo sự khủng hoảng đó. Lúc này các nhà đầu tư trên thế giới cũng tiến hành co cụm lại nên việc huy động vốn là rất khó khăn.

Anh Dũng nhớ lại, thị trường Việt Nam lúc đó rất bi đát, khi nói về khởi nghiệp hay quỹ đầu tư mạo hiểm nhiều người cũng không hiểu. Thực tế lúc đó nhiều người chưa đánh giá cao thị trường Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực khởi nghiệp công nghệ, nó vẫn còn rất mới, chưa được nhiều quan tâm. Anh đi huy động vốn đầu tư tại Việt Nam thì chưa có ai hay quỹ đầu tư nào làm việc này, trong khi đó đi huy động vốn nước ngoài lại gặp khó do khủng hoảng ở trên. Một điều nữa là các startup công nghệ lúc ấy cũng không hiểu việc anh và CyberAgent đang làm, thậm chí là nghi ngờ, bởi đang khủng hoảng kinh tế như thế tự nhiên có một người mang tiền về đầu tư vào công ty của mình.

Tuy nhiên, lúc đó anh nghĩ nếu không có ai làm và không làm bây giờ thì đợi đến bao giờ, nên đã quyết định đi hỗ trợ và đầu tư vào các startup công nghệ trong nước. Điều anh rất vui là đến năm 2013-2014 mọi thứ đã trở nên khởi sắc và đến năm 2017 các quỹ đầu tư công nghệ vào Việt Nam nhiều hơn và truyền thông cũng bắt đầu nói về khởi nghiệp nhiều hơn và tích cực hơn.

Đối với các khởi nghiệp công nghệ hiện nay muốn thành công, theo anh Nguyễn Mạnh Dũng là họ không nên đi theo trào lưu, nên tập trung khởi nghiệp ở các lĩnh vực mà tìm thấy nỗi đau của thị trường, xem đâu là vấn đề của khách hàng và doanh nghiệp để từ đó có lựa chọn tốt nhất cho mình. Và khi đã chọn được lĩnh vực thì khởi nghiệp cần phải có 4T: Tiên phong, Tập trung, Tốc độ và dám Thay đổi. Phải đi đầu trong lĩnh vực, tập trung cao và đẩy nhanh tốc độ bởi startup càng ngày càng khó khăn, đối thủ không phải là ở thị trường trong nước nữa mà cả quốc tế, không chỉ là startup mà còn có các tập đoàn lớn họ nắm bắt rất nhanh lĩnh vực mình làm. Và startup phải dám thay đổi, chứ không cứng nhắc, để có thể tìm ra con đường đi đúng nhất cho mình.

Mai Duy Quang, Giám đốc Topica Founder Institute

Anh Mai Duy Quang

Anh Mai Duy Quang

Nói Topica Founder Institute là cái nôi của khởi nghiệp công nghệ Việt Nam có lẽ không sai.

Topica Founder Institute là một vườn ươm doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ, được bắt nguồn từ Founder Topica, tổ hợp công nghệ giáo dục lớn nhất Đông Nam Á, do tiến sĩ Phạm Minh Tuấn và anh Trần Mạnh Công thành lập, với mục đích giúp cho các thế hệ những startup đi sau tránh được những sai lầm của những lớp đàn anh đi trước. 

Anh Mai Duy Quang, hiện đang là Giám đốc điều hành của Topica Founder Instute, là người giữ vai trò quan trọng trong việc phát triển chương trình này. Anh cho biết, kết hợp với Founder Institute tại thung lũng Silicon Valleys, Topica đã mang chương trình huấn luyện khởi nghiệp về Việt Nam từ 2011, đã thực hiện đào tạo hàng trăm Founder đến từ các startup công nghệ trong nước, trong đó có 70 startup tốt nghiệp, đồng thời giúp gọi vốn được 40 triệu USD. Đáng kể phải kể đến như Appota, Kyna, Monkey Junior, Beeketing, Logivan, TelePro…

Đây là chương trình bao quát đầy đủ một vòng đời startup, từ việc đặt tên, làm sản phẩm cho đến cả kỹ năng gọi vốn. Những người hướng dẫn là các Founder của các đàn anh đi trước, các chuyên gia đầu ngành các lĩnh vực và đông đảo các quỹ đầu tư quốc tế tham gia vào 14 tuần huấn luyện chuyên sâu cho startup mỗi khoá. Từ khoá 7, Topica Founder Institute bên cạnh việc hướng dẫn còn phối hợp với Insignia Ventures Partners hỗ trợ cấp vốn ban đầu 50.000 cho mỗi startup khi tốt nghiệp chương trình huấn luyện.

Bên cạnh là Giám đốc của Topica Founder Institute, anh Mai Duy Quang còn là phó chủ tịch của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), phụ trách xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam, đồng thời cũng là CEO của startup công nghệ AZStack. Ngoài ra, anh cũng luôn hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước khao khát thành công trên khắp thế giới để xây dựng các công ty bền vững.

Theo anh, để startup công nghệ Việt thành công hiện nay họ cần bám sát nhu cầu thị trường và phải kiểm định rõ rang bằng con số để đưa ra các bài toán giải quyết. Đồng thời các startup cần cẩn trọng và chuẩn bị kỹ về việc kiểm soát dòng tiền một cách hiệu quả trong hoạt động của mình.

Phan Minh Tâm, Chủ tịch STI Holding

Anh Phan Minh Tâm

Anh Phan Minh Tâm

Trong những người chắp cánh cho startup công nghệ tại Việt Nam, anh Phan Minh Tâm, Chủ tịch của công ty đầu tư STI Holding, là một người khá kiệm lời và ít xuất hiện trên truyền thông nhất. Nhưng hiện anh đang đầu tư tới 15 startup công nghệ lớn, nhỏ tại Việt Nam. Trong đó, STI Holding do anh sáng lập đang sở hữu các công ty như Công ty cổ phần quảng cáo trực tuyến 24H, công ty chuyên về tuyển dụng Siêu Việt, công ty chuyên kinh doanh xe đã qua sử dụng Anycar và chuỗi cửa hàng cắt tóc công nghệ 30shine. Ngoài ra, anh còn tham gia đầu tư các startup công nghệ khác cùng với các quỹ đầu tư nước ngoài, ngay giai đoạn ban đầu như: công ty về môi giới bất động sản Rever, nền tảng bán hàng trực tuyến Ecomobi, startup về giáo dục trực tuyến Kyna và Ants, công ty chuyên cung cấp giải pháp marketing tích hợp tổng thể đa kênh truyền thông tại Đông Nam Á…

Anh Phan Minh Tâm cho biết, sở dĩ anh đầu tư và chắp cánh cho các startup công nghệ tại Việt Nam, do xuất phát của anh là một lập trình viên, bên cạnh đó là sáng lập của một số công ty công nghệ, nên sở trường của anh là lĩnh vực này. Ngoài ra, anh nhận thấy công nghệ có nhiều tiềm năng tạo đột phá về giá trị, dù còn nhiều rủi ro.

Tuy nhiên, anh cũng gặp không ít khó khăn, bởi thực tế nền tảng công nghệ, kinh doanh và quản lý của Việt Nam còn quá yếu. Yếu từ cách quản trị con người, nguồn lực, trình độ công nghệ, tài chính, làm việc nhóm…Nhưng với anh khó khăn cũng là cơ hội, bởi có nhiều cơ hội vào thị trường hơn mặc dù rất khó làm lớn.

Theo anh, để một startup công nghệ thành công hiện nay, điều đầu tiên cần chọn những người tham gia sáng lập một cách kỹ lưỡng, lựa chọn các nhà đầu tư chất lượng và kinh nghiệm. Nhà đầu tư không chỉ giúp họ về mặt tài chính, mà còn giúp nhiều thứ khác ngay khi startup lúc ban đầu còn yếu.

“Hãy mơ lớn và hành động nhỏ, kiên nhẫn và liên tục học hỏi để hoàn thiện thì có thể có cơ may dù nhỏ nhưng vẫn tận dụng được. Hành động là của cả đội ngũ chứ không phải riêng một cá nhân nào vì sự cạnh tranh ở lĩnh vực này đang rất nhanh trong thời gian tới”, anh Tâm đưa ra lời khuyên.

Nguồn: [Link nguồn]

Shark Hưng tiết lộ startup ”siêu ngáo giá” bị cắt sóng tại Shark Tank mùa 3

Một startup đã vào vòng ghi hình chính thức, nhưng sau đó phải cắt sóng vì nhiều lý do.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Lê Mỹ ([Tên nguồn])
Công nghệ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN