Facebook phát sóng trực tuyến Ngoại hạng Anh: Bài toán hóc búa cho các nhà làm chính sách

Việc Facebook sẽ phát sóng Ngoại hạng Anh trên nền tảng Internet đã phát sinh ra một vấn đề chính sách pháp lý mới. Bởi theo quy định, nhà nước chỉ có các chính sách quản lý dịch vụ phát thanh truyền hình. Có thể coi Facebook là dịch vụ truyền hình hay không thì Việt Nam chưa điều chỉnh.

Facebook phát sóng trực tuyến Ngoại hạng Anh: Bài toán hóc búa cho các nhà làm chính sách - 1

Tại Hội thảo bảo hộ quyền của tổ chức phát sóng trong môi trường số diễn ra tại Hà Nội vào sáng 19/9/2018, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông (Hội Truyền thông số Việt Nam) đã đề cập tới việc Facebook mua bản quyền phát sóng trực tuyến giải bóng đá Ngoại hạng Anh ở một số nước trong đó có Việt Nam. Việc Facebook sẽ phát sóng Ngoại hạng Anh trên nền tảng Internet đã phát sinh ra một vấn đề chính sách pháp lý. Bởi vì theo các quy định hiện nay, nhà nước mới có các chính sách quản lý dịch vụ phát thanh truyền hình. Việc có thể coi Facebook là dịch vụ truyền hình hay không thì các quy định pháp lý của Việt Nam chưa điều chỉnh đến vấn đề này.

Theo ông Nguyễn Quang Đồng, một xu thế rõ ràng nhất trong thời gian gần đây là xu hướng xem thể thao trên nền tảng Internet ngày càng tăng, đi kèm với đó là hành vi vi phạm bản quyền thể thao, nhiều nhất là bản quyền bóng đá cũng tăng theo.

Ông Nguyễn Quang Đồng dẫn chứng một nghiên cứu của GlobalWebIndex từ quý 4/2017 tới quý 1/2018 cho thấy, tỷ lệ người sử dụng mạng xã hội để xem các sự kiện thể thao tăng rất mạnh, tăng mạnh nhất là ở Việt Nam và Thái Lan. Theo đó, năm 2016 tỷ lệ xem thể thao qua mạng xã hội của toàn cầu là 15%, Thái Lan là 18%, Việt Nam là 19%. Thì đến năm 2018 đã tăng lên gần gấp đôi: Toàn cầu 27%, Thái Lan 29% và Việt Nam là 32%. Trong đó, số lượng người Việt Nam xem thể thao trên mạng xã hội cao gấp đôi so với trên thế giới.

Nghiên cứu của GlobalWebIndex ở những người có độ tuổi từ 16 trở lên theo dõi Ngoại hạng Anh như thế nào, kết quả cũng khá bất ngờ là có đến 75% người Việt Nam trong nghiên cứu quan tâm theo dõi Ngoại hạng Anh. Việt Nam và Thái Lan là 2 nước xem Ngoại hạng Anh nhiều nhất, Thái Lan là 36%, còn Việt Nam lên tới 75%. Trong số này thì có 35% là xem qua tivi, còn 26% là xem qua Internet.

Cũng theo ông Nguyễn Quang Đồng, việc Facebook mua bản quyền Ngoại hạng Anh thì bên cạnh vấn đề bản quyền trên môi trường số, còn phát sinh vấn đề về chính sách. Việc Facebook phát sóng Ngoại hạng Anh chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới quyền sở hữu phát sóng của các tổ chức truyền hình. Mới đây Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPayTV) đã có văn bản yêu cầu Bộ TT&TT yêu cầu Facebook phải đảm bảo một số điều kiện theo quy định của Nghị định 06/2016/NĐ-CP về quản lý dịch vụ phát thanh truyền hình.

“Tuy nhiên, đề nghị của VNPayTV là vấn đề chính sách pháp lý rất mới. Trong các quy định của Nghị định 06 chỉ quy định chế tài đối với các loại dịch vụ phát thanh truyền hình. Vậy có thể coi Facebook là một loại hình dịch vụ truyền hình hay không. Rất khó có thể gò ép Facebook là đơn vị truyền hình. Như vậy, các quy định pháp lý hiện hữu của Việt Nam chưa cập nhật, chưa  điều chỉnh đến vấn đề này. Và sắp tới đây các nhà làm chính sách của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ TT&TT phải trả lời câu hỏi này. Bài toán này không chỉ hóc búa với Việt Nam mà còn hóc búa với rất nhiều nước trên thế giới nữa”, ông Đồng nhấn mạnh.

Như ICTnews đã đưa tin, mới đây Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPayTV) đã có văn bản gửi Bộ TT&TT đề nghị Bộ cần có các công cụ quản lý nhà nước để bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng và công bằng cho các đơn vị truyền hình trả tiền ở Việt Nam. Cụ thể, là chống lại các hành vi vi phạm Luật Cạnh tranh trong hoạt động kinh doanh dịch vụ OTT, truyền hình trả tiền trên phạm vi cả nước, xem xét ngăn chặn các hoạt động cung cấp dịch vụ theo cơ chế độc quyền của các đơn vị từ nước ngoài vào Việt Nam

Đồng thời, VNPayTV cũng đề nghị Bộ TT&TT tạm thời chưa cấp phép cung cấp dịch vụ OTT của các đơn vị nước ngoài tại Việt Nam như NetFlix, Amazon. Đặc biệt là không cấp phép cho Facebook phát sóng giải Ngoại hạng Anh khi không đảm bảo yêu cầu về Luật Cạnh tranh và yêu cầu về kiểm duyệt, biên tập, biên dịch nội dung Việt hóa bởi một cơ quan báo chí được chỉ định, phải có các chương trình bình luận tiếng Việt đi kèm theo quy định của Luật Báo chí. Đồng thời, vấn đề đảm bảo an toàn an ninh thông tin cũng được đặt ra khi mà Facebook phát sóng trực tiếp giải bóng đá hấp dẫn nhất hành tinh vào Việt Nam.

Hiện Facebook có khoảng 60 triệu người dùng ở Việt Nam, doanh thu quảng cáo tại thị trường Việt Nam đạt khoảng 235 triệu USD mỗi năm. Theo số liệu mới nhất, Việt Nam có 14 triệu thuê bao truyền hình trả tiền và ước tính khoảng 25 triệu hộ gia đình đang xem truyền hình quảng bá.

Facebook phát triển dịch vụ hẹn hò mới, triệu người sẽ thoát kiếp FA

Hàng trăm ngàn người dùng “lẻ bóng“ trên Facebook hiện tại và những người dùng mới nếu có sẽ có cơ hội thoát kiếp FA.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo My Lan ([Tên nguồn])
Mạng xã hội Facebook Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN