Vì sao FIFA tổ chức trận tranh hạng ba World Cup?
Sau trận thua Argentina ở bán kết, HLV Van Gaal của Hà Lan đã có phát biều gây tranh cãi khi chỉ trích FIFA tổ chức trận tranh giải 3 giữa hai đội thua cuộc trong vòng bán kết. Vậy tại sao FIFA lại tổ chức trận đấu này và tổ chức với mục đích gì?
Để theo dõi chi tiết về các thông số kỹ thuật liên quan đến các trận đấu ở VCK World Cup 2014, bảng xếp hạng, lịch thi đấu… được trình bày chuyên nghiệp bởi hãng tin AFP, mời các bạn BẤM VÀO LINK DƯỚI ĐÂY: |
Sau trận thua Argentina trên chấm luân lưu 11 mét, HLV Van Gaal không ngần ngại lên án FIFA “vớ vẩn” khi tổ chức trận tranh hạng ba ““Tôi nghĩ không cần phải để các cầu thủ chơi trận tranh 3-4 vì tất cả chỉ chiến đấu cho 1 danh hiệu duy nhất: chức vô địch. Tôi đã nói về nó trong suốt 10 năm nhưng rốt cuộc nó vẫn còn tồn tại”.
Không dừng lại ở đó, Van Gaal tiếp tục phân tích “Điều tồi tệ nhất là bạn có thể bại trận 2 lần liên tiếp. Nó khép lại một giải đấu mà bạn đã chơi rất ngoạn mục, nhưng bạn sẽ trở về nhà như một kẻ thất bại chỉ bởi thua ở 2 trận đấu sau cùng. Dưới góc độ thể thao, nó là vô thưởng vô phạt”.
Những phân tích của “giáo sư” Van Gaal là rất chính xác nhưng nhìn lại lịch sử các VCK World Cup, FIFA cũng có lí do xác đáng không kém để tổ chức trận tranh hạng 3.
Van Gaal tỏ ra có lý khi chỉ trích FIFA tổ chức trận tranh hạng 3. Ảnh: Getty Images
FIFA thường tổ chức trận tranh hạng ba trong lịch sử World Cup
Trong lịch sử 20 lần tổ chức giải đấu lớn nhất hành tinh, chỉ có 2 lần FIFA không tổ chức trận tranh hạng 3 đó là World Cup lần đầu tiên năm 1930 và World Cup 1950.
Tại World Cup đầu tiên 1930, dù FIFA không tổ chức trận tranh hạng 3 nhưng FIFA vẫn công nhận Mỹ là đội giành giải 3. FIFA công nhận Mỹ giành hạng 3 và Nam Tư chỉ đứng thứ 4 căn cứ vào thành tích thi đấu trước đó tốt hơn của Mỹ tại giải.
Trong khi đó, tại Wold Cup 1950 do thể thức thi đấu theo kiểu 4 đội mạnh nhất đá vòng tròn một lượt chọn đội cao điểm nhất vô địch nên FIFA đã không tổ chức cả trận chung kết lẫn trận tranh hạng ba.
Ở giải đấu năm đó, trận đấu cuối giữa Brazil và Uruguay mang tính quyết định ngôi vô địch nên đến tận bây giờ người ta vẫn mặc nhiên coi đó là trận chung kết của giải. Năm đó, Uruguay lên ngôi sau khi thắng chủ nhà Brazil, Thụy Điển và Tây Ban Nha lần lượt chia sẻ vị trí thứ 3 và thứ 4.
Trong các kỳ World Cup còn lại, FIFA đều tổ chức trận tranh hạng 3.
Just Fontaine ghi đến 4 bàn thắng giúp Pháp hạ gục Đức 6-3 tại trận tranh hạng ba World Cup 1958.
Lịch sử World Cup là vậy nhưng với người không ủng hộ tổ chức trận tranh hạng ba thì đem lí do lịch sử để tổ chức một trận đấu vô thưởng vô phạt như vậy là không thuyết phục. Trong khi hai đội thua ở bán kết đã đau đớn lắm rồi, tổ chức thêm trận tranh hạng ba để làm gì nữa?
Với lí do đó, họ sẽ nghĩ ngay đến khía cạnh tiền bạc khi FIFA quyết định vẫn duy trì việc thi đấu trận tranh giải ba. Đó có thể là một phần vấn đề nhưng có một thống kê lịch sử khác khiến việc FIFA tổ chức trận tranh hạng ba trở nên thuyết phục hơn: đó là sự hấp dẫn và những bàn thắng.
Thống kê cho thấy các trận tranh hạng 3 thường có tỉ số rất cao. Trong 17 trận tranh hạng ba được tổ chức chỉ có 3 trận kết thúc với 1 bàn thắng còn 14 trận còn lại kết thúc với ít nhất 3 bàn thắng trở lên. Trận đấu có nhiều bàn thắng nhất là trận Pháp thắng Đức 6-3 vào năm 1958. Còn trận đấu gần nhất kết thúc với ít bàn thắng nhất đã diễn ra cách đây chẵn 40 năm, nghĩa là kéo dài đến 10 kỳ World Cup. Đó là trận Ba Lan thắng Brazil 1-0 tại World Cup 1974.
Kể từ VCK World Cup 1978 đến nay, các trận tranh hạng 3 luôn có ít nhất 3 bàn thắng trở lên. Đây là tỉ lệ khá cao nếu biết rằng trong 1 VCK World Cup bình quân mỗi trận đấu chỉ có hơn 2 bàn thắng.
Thoải mái đối đầu với quyết tâm tạo ra nhiều bàn thắng
Còn với các đội bóng những diễn viên chính trên sân khấu lớn World Cup thì sao? Họ đón nhận và tiếp cận với trận tranh hạng ba thế nào?
Đức đã 4 lần giành hạng ba trong 5 trận đã đầu Đức là đội giàu thành tích nhất trong các trận tranh hạng ba. Đức giành đến 4 trận thắng trong tổng số 5 trận ở vòng đấu này.
Đức trong hai lần tham dự trận tranh giải ba gần nhất là điển hình của đội không mặn mà với trận đấu này. Trong trận tranh giải ba World Cup 2006 trên sân nhà, các cầu thủ Đức không có động lực thi đấu nên đã tung vào sân nhiều cầu thủ dự bị trong đó có thủ môn huyền thoại Oliver Kahn và cầu thủ quan trọng nhất của Đức thời điểm đó Michael Ballack.
Tương tự World Cup 2010, trong trận tranh giải ba, Đức cũng để hàng loạt cầu thủ trong đội hình chính trong trận bán kết trước đó với Tây Ban Nha như Lahm, Klose, Neuer, Podolski ở ngoài, thay vào đó là những cầu thủ ít tên tuổi hơn như Cacau, Aogo, Jansen và thủ thành kỳ cựu Butt.
Điểm chung của hai trận đấu này là dù ra sân với đội hình không phải mạnh nhất nhưng Đức đều giành chiến thắng để có trở thành đệ tam anh hào thế giới.
Tuy nhiên, các đối thủ của Đức thì không tiếp cận trận đấu như vậy khi cả Bồ Đào Nha năm 2006 lẫn Uruguay năm 2010 đều tung ra sân đội hình mạnh nhất.
Thêm một thí dụ khác là trận tranh hạng ba giữa Hà Lan và Croatia tại World Cup 1998, các cầu thủ Croatia máu thành tích hơn nên đã tung ra sân đội hình mạnh nhất và thắng Hà Lan với đội hình nhiều cầu thủ dự bị với tỉ số 2-1 giành giải ba.
Trước đó nữa, các trận tranh giải ba giữa những đội chưa có “số má” tại đấu trường World Cup như trận Thụy Điển thắng Bulgaria 4-0 ở World Cup 1994 hay trận chủ nhà Hàn Quốc thua Thổ Nhĩ Kỳ 2-3 ở World Cup 2002 cũng thường diễn ra rất sôi nổi và quyết liệt với nhiều bàn thắng.
Trận đấu giữa Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ năm đó cũng chứng kiến một kỷ lục khác trong lịch sử FIFA World Cup, đó là bàn thắng nhanh nhất lịch sử của Hakan Sukur khi trận đấu mới trôi qua đúng 11 giây.
Như vậy có thể thấy, không có điểm chung nào về việc các đội không coi trận tranh hạng 3 là quan trọng hay không.
Người Đức và Hà Lan luôn ra sân với mục tiêu vô địch nên khi không đạt được họ sẵn sàng tung ra sân đội hình dự bị. Trong khi đó những đội ít danh hiệu như Bồ Đào Nha, Uruguay, Croatia, Thụy Điển, Hàn Quốc,… thì khát khao thành tích hơn nên họ tung ra sân đội hình khá mạnh.
Chủ nhà Hàn Quốc đã có kỳ World Cup 2002 cực kỳ đáng nhớ khi trở thành đội Châu Á đầu tiên và duy nhất đến thời điểm này có trận đấu tranh giải ba.
Có thể thấy rõ, với các đội bóng nhỏ, vị trí thứ ba như một kỳ tích rất khó lặp lại nên họ thường tung ra sân đội hình tốt nhất và thi đấu với quyết tâm cao nhất. Còn các đội bóng mạnh thì thi đấu với tâm lý rất thoải mái, được ăn cả ngã về không. Đó là nguyên nhân khiến các trận tranh hạng ba thường có rất nhiều bàn thắng.
Hiện tại trong ba giải bóng đá quốc tế được coi là lớn nhất thế giới là World Cup, Euro và Copa America chỉ duy nhất Euro là không tổ chức trận tranh hạng ba.
Các nhà tổ chức Euro cho rằng trận tranh hạng ba không mang nhiều ý nghĩa, nó chỉ mang tính chất danh dự là chính nên họ quyết định không tổ chức nữa kể từ Euro 1984 tại Pháp.
Còn các nhà tổ chức World Cup hay Copa America lại lý luận rằng trận tranh hạng 3 cũng rất quan trọng, đặc biệt với những đội yếu thì đó là cơ hội lớn để họ thể hiện mình. Những trận tranh hạng 3 cực kỳ sôi động và máu lửa trong những năm gần đây tại FIFA World Cup đã chứng minh điều đó. Đó là lí do người ủng hộ cho rằng FIFA có lí khi tổ chức trận tranh hạng ba.
Với những dữ kiện trên, cả những người ủng hộ hoặc không ủng hộ đều có lí do có thể tranh luận sòng phẳng với nhau về việc nên hay không nên tổ chức trận tranh hạng ba tại World Cup
Theo bạn thì FIFA có nên tổ chức trận tranh hạng ba tại World Cup hay không?