Trường hợp đặc biệt của Arsenal
Vào đầu tháng Hai, Arsenal của Arsene Wenger đã bị loại khỏi tất cả các giải đá Cúp, thậm chí văng ra khỏi tốp dự Cúp châu Âu mùa sau, và tấm biểu ngữ “In Arsene we trust” (Ở Arsene, chúng ta tin tưởng) bị gỡ xuống. Nhưng bây giờ, họ lại hồi sinh.
Kỷ nguyên Wenger vẫn là kỷ nguyên thành công
Chiến thắng 3-1 trước Norwich trên sân nhà vào đêm thứ Bảy là thắng lợi thứ 7/8 trận gần đây của Arsenal, đưa thầy trò Arsene Wenger lên vị trí thứ ba ở Premier League, đồng nghĩa với một suất dự Champions League mùa sau. Một cuộc phản kích khó tin từ trong những chỉ trích và hoài nghi.
Và chúng ta cũng phải kinh ngạc khi nhận ra rằng dù đã trắng tay 8 năm, nhưng nếu giữ được vị trí thứ ba từ nay cho đến hết mùa, Arsenal sẽ dự Champions League mùa thứ 16 liên tiếp.
“Chi phí” cho 16 suất dự Champions League liên tiếp ấy khá... rẻ: Arsenal chỉ xếp thứ năm trong danh sách các đội tiêu tiền nhiều nhất trong lịch sử Premier League (tính từ mùa 1992-1993), sau Chelsea, Man City, Liverpool, MU, Tottenham Hotspur.
Wenger vẫn đang nỗ lực chèo lái con thuyền Arsenal
Nếu tính chi phí thực đã tiêu bằng cách lấy số tiền chi cho việc mua cầu thủ trừ đi số tiền thu lại từ việc bán cầu thủ, điều thú vị là Arsenal tiêu còn ít hơn cả những đội làng nhàng như Stoke hay West Brom. Vỏn vẹn... 30,2 triệu bảng trong 20 năm qua, tức là trung bình chỉ 1,4 triệu bảng/ mùa.
Vậy mà chỉ với 1,4 triệu/ mùa ấy, Arsenal đã giành hơn tá danh hiệu lớn nhỏ, trong đó đáng kể nhất là 3 chức vô địch Premier League và 5 FA Cup (trong đó có 4 giành được dưới triều đại Arsene Wenger). Hơn thế, họ còn tạo dựng được một phong cách thi đấu đã được thừa nhận rộng rãi vào những năm đầu thế kỷ mới, mà đỉnh cao là mùa 2003-2004 bất bại: Hào hoa, lịch lãm, mà cũng nhiệt tình, và không kém phần dữ dội.
Các CĐV Arsenal hiện tại có thể cảm thấy bực mình vì tình trạng trắng tay kéo dài quá lâu, nhưng nếu nhìn lại lịch sử đội bóng họ yêu mến, thì kỷ nguyên Wenger không những là kỷ nguyên thành công rực rỡ về mặt danh hiệu, mà còn là kỷ nguyên ổn định chưa từng có trong lịch sử.
Ngoài thành tích dự Champions League 15 lần liên tiếp (13 lần liên tiếp vượt qua vòng bảng), hãy nhìn vào biểu đồ vị trí ở hạng đấu cao nhất bóng đá Anh của Arsenal từ sau Thế chiến thứ hai đến nay, chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng trong 17 năm dưới sự dẫn dắt của ông Wenger, trừ năm đầu tiên tiếp quản CLB (1996), CLB luôn giữ được một vị trí trong tốp bốn.
Vị trí của Arsenal tại Premier League qua các mùa giải
Những giá trị bền vững
Trong gần hai thập niên ấy, Arsenal còn được coi là kiểu mẫu quản trị của bóng đá Anh: Họ kinh doanh bóng đá một cách xuất sắc và ổn định. Mùa 2006-2007, CLB chuyển từ sân Highbury chật hẹp sang Emirates với sức chứa hơn 6 vạn khán giả, một bước ngoặt khác trong lịch sử CLB.
Arsenal đã xây dựng được một mạng lưới tài năng phủ khắp thế giới (trong đó, có cả một chi nhánh ở Việt Nam, là học viện bóng đá HA.GL Arsenal JMG), nhờ công Arsene Wenger. Ông cũng là người đã từng mang đến cho bóng đá Anh những kiến thức mang tính khai phá: Sự quan trọng của dinh dưỡng trong thể thao, và áp dụng các thống kê vào công tác huấn luyện. Một ví dụ: Arsene Wenger đếm từng giây giữ bóng của các cầu thủ trên sân, và Gilberto Silva đã bị bán đi sau khi thời lượng giữ bóng của anh vượt quá yêu cầu cho phép trong một thời gian dài.
Arsenal đang trở lại
Nhưng cũng như các nhà tiên phong khác, ông Wenger trở thành nạn nhân của sự sao chép. Trong khi cơ chế tài chính luôn phải đảm bảo sự cân bằng của Arsenal sau này còn trở thành thứ trói buộc họ. Ví dụ: Wenger là người phát hiện ra Cristiano Ronaldo, nhưng M.U lại là đội mua được anh, vì trả giá cao hơn. Thêm vào đó, ông cũng mắc phải một sai lầm mà hầu hết những nhà quản lý theo xu hướng bao trùm đều mắc phải: Sự độc đoán. Wenger không còn lắng nghe nhiều, và thậm chí lờ đi những vấn đề rõ ràng của đội bóng: Thiếu những cầu thủ có tính chiến đấu, hoặc chuyền quá nhiều, nhưng không biết ghi bàn.
Nhưng dù thế nào, con đường Wenger và Arsenal đang đi vẫn là lựa chọn đúng đắn. Hãy nhớ là Man City đã bị loại từ vòng bảng Champions League cả hai mùa gần đây (Arsenal đều đi đến vòng 1/8), dù đầu tư tốn kém hơn rất nhiều. Hiện tại, Arsenal còn xếp trên cả Chelsea, một trong những đội bóng tiêu biểu của thời đại tài phiệt nhúng tay vào bóng đá.
Một Don Quixote của bóng đá
Những gì đang diễn ra ở châu Âu cho thấy cách làm bóng đá ngắn hạn đang trở nên ngày một phổ biến, nhưng thành công thì không còn quá phổ biến. Chelsea đang mất phương hướng, sau nhiều năm sử dụng việc sa thải HLV như một “phương pháp thành công”. Man City sa sút quá nhanh sau chức vô địch Premier League mùa trước, và vẫn là con số không của châu Âu. PSG, dù có nhiều tiềm năng, vẫn đang ở trong giai đoạn định hình.
Trong bối cảnh ấy, Arsenal của ông Wenger thực sự là một trường hợp đặc biệt. Chưa thể trở lại với đỉnh cao, nhưng thành công của họ đã là đáng mơ ước đối với rất nhiều đội bóng đang mơ đổi đời chỉ trong một đêm. Và sự kiên định của họ không những đã gìn giữ những giá trị bền vững của bóng đá, mà còn soi đường cho bất cứ CLB nào muốn đi tìm thành công từ những giá trị cốt lõi ấy.