Hậu trường BĐVN: Sự bao che và bất lực?
Bóng đá Việt Nam đang phát triển nóng. Chỉ trong khoảng 10 năm, tất cả đã thay đổi chóng mặt, nhưng công tác giáo dục cầu thủ ở CLB cũng như các quy định, chế tài của đơn vị quản lý bóng đá dường như vẫn như xưa.
Con hư tại mẹ, chính sự bao che và bất lực của những người trong cuộc, gián tiếp khiến không ít cầu sa ngã vào những tệ nạn xã hội.
* Nuông chiều, bao che phải trả giá
Ở mùa giải nào cũng vậy, VFF luôn có những công văn, chỉ đạo xuống các CLB yêu cầu phải làm thật tốt công tác giáo dục cầu thủ. Cấp quản lý bóng đá cho rằng, cầu thủ hư trách nhiệm trước tiên thuộc về CLB bởi đội bóng là môi trường trực tiếp quản lý, giáo dục cầu thủ.
Thực tế, CLB hiện nay nuông chiều cầu thủ một cách thái quá. Rất nhiều chuyện đánh nhau, cờ bạc, dính líu đến ma túy...xảy ra ở mỗi năm, nhưng đều được các CLB “che lại” theo kiểu trong nhà “đóng cửa bảo nhau”. Với sự nuông chiều đó, cầu thủ không mắc bệnh sao và coi thường tất cả mới lạ.
Hầu như đa số các ngoại binh có tài năng đều được các CLB nuông chiều và họ dễ dàng trờ thành những “ngựa chứng” bất trị. Leandro chính là thứ "sản phẩm" của sự nuông chiều ở đội bóng đất Cảng. Thời còn khoác áo Hải Phòng, tiền vệ người Brazil này chẳng khác nào “ông vua con”. Tuy nhiên, sau khi được CLB nuông chiều, được voi đòi tiên, Leandro bắt đầu dở chứng kiêu binh, đòi hỏi số tiền cao còn hơn cả các ngôi sao thế giới cỡ Rivaldo ở quê nhà.
Timothy thường xuyên quậy
Trong các ngoại binh được nuông chiều, nếu nói về độ nổi có lẽ người được tôn lên làm "thủ lĩnh" không ai khác ngoài Timothy. Tiền đạo này sau nhiều năm chinh chiến, đã để lại bảng thành tích “quậy” bất hủ nhất. Theo thống kê sơ sơ, tiền đạo này không dưới chục lần “gây gổ” ngay với đồng đội của mình. Còn thẻ đỏ thì tiền đạo có biệt danh “bò mộng” này có nhiều vô kể, nhưng đa phần không phải do thi đấu máu lửa, mà trong đó có những thẻ đỏ được bình luận là “muốn nhận thẻ” để được ngồi chơi, hay đòi hỏi yêu sách về lương thưởng.
Ở bất cứ đội bóng nào, Timothy không bao giờ muốn mình là ngôi sao số 2. Mùa này, Timothy cũng đã từng “dằn mặt” với cả Công Vinh, Thành Lương và Xuân Thành, những ngôi sao của CLB bóng đá Hà Nội. Chính sự nuông chiều Timothy đã khiến HLV Nguyễn Thành Vinh phải trả giá và ông đã phải ra đi. Với tính cách của mình, Timothy được dự báo sẽ còn mang tới nhiều rắc rối nữa trong những ngày tháng sự nghiệp còn lại ở V-League.
Ngoại binh đã thế, nội binh cũng chẳng kém. Hầu như ở đội nào, các nội binh (nhất là có gán mác tuyển) đều từng “có chuyện”. Nhiều nhóm tha hồ “làm vương làm tướng”, thậm chí sẵn sàng liên kết hất đổ ghế HLV nếu cảm thấy không hợp.
Theo cựu HLV Trần Văn Phúc, một trong những nguyên nhân khiến cầu thủ hư là chính HLV chưa làm gương được cho cầu thủ. “Cầu thủ đủ khôn ngoan để biết HLV của họ có phải là người có tâm và đạo đức hay không”, ông Phúc nói.
Nhằm giúp CLB có được thành tích tốt trong mỗi trận đấu nhiều ông bầu cũng có cách tiêu tiền rất kỳ lạ mà theo ông Phạm Ngọc Viễn (Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn của VFF), không nền bóng đá nào làm như vậy. Cảnh tượng ông bầu rút cả sấp đô la để thưởng nóng cho cầu thủ của mình không phải là chuyện hiếm thấy ở V.League. Có đội bóng cứ sau trận thắng là cầu thủ vây quanh ông bầu nhao nhao … chờ tiền thưởng. Những khoản thưởng nóng được công bố ngay trên sân làm cầu thủ hưng phấn, nhưng cũng khiến họ dễ đánh mất mình khi ra khỏi sân cỏ.
* Trách nhiệm của cơ quan quản lý
Các CLB có trách nhiệm trước tiên nhưng VFF, với vai trò là người chủ cuộc chơi, xây dựng nên các giải đấu cũng không phải là người ngoài cuộc sau sự xuống cấp của bộ phận không nhỏ các cầu thủ.
Thông qua Ban kỷ luật, VFF có thể ra những án phạt vừa để răn đe vừa để giáo dục cầu thủ. Tuy nhiên, một mặt VFF cho rằng việc kiểm soát cầu thủ bên ngoài sân cỏ là điều quá khó khăn, nhưng bản thân cơ quan quản lý này ở một số “sự cố” cũng chưa làm tới nơi tới chốn.
Nghi án Huy Hoàng "phê thuốc" khiến dư luận phát ngán về hậu trường của một số cầu thủ Việt Nam
Cầu thủ hư ở CLB đã đành, lên đến ĐTQG nhiều cầu thủ cũng “giở trò”. Họ có trăm ngàn lý do để “né” nghĩa vụ quốc gia nếu không thấy có lợi; khi thi chấn thương, việc gia đình và thậm chí là… mất hộ chiếu, trong khi đó VFF dù biết nhưng vẫn chưa dám mạnh tay loại bỏ những cầu thủ này để làm gương.
Trường hợp của hậu vệ Q.L mới đây, phải đến khi báo chí, dư luận phản ứng dữ dội, VFF mới ra quyết định loại cầu thủ này, thay vì có sự cương quyết ngay từ đầu với những hành vi thiếu văn hóa rất rõ ràng. Gần nhất, trường hợp của H.H được kết luận “say rượu gây tai nạn” cũng đang có dấu hiệu “chìm xuồng”, sau khi CLB chủ quản liên tục trì hoãn ra án phạt. VFF hoàn toàn có thể mạnh tay xử lý bởi H.H không chỉ tham gia giải đấu của VFF, mà từng là tuyển thủ quốc gia.
Theo chuyên gia Nguyễn Văn Vinh, VFF phải đặt ra quy chế đủ nghiêm khắc cần thiết. Khi cơ quan pháp luật đã có phản ánh chính thức thì VFF phải là tổ chức đứng ra phạt các cầu thủ những vấn đề liên quan đến nghề nghiệp của họ. Những người dính tệ nạn xã hội còn được đá bóng nữa hay không, treo giò trong bao lâu phụ thuộc vào quyết định của VFF. Với quy chế và chế tài trong tay, Liên đoàn có vai trò rất rõ nét trong việc hạn chế tình trạng tệ nạn xã hội tấn công cầu thủ. “Cùng với nạn doping, gian lận trong thi đấu, thể thao thế giới chống tiêu cực xã hội rất mạnh mẽ. Họ có những cách làm rất hay và triệt để. Đã đến lúc, bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam phải học tập và kế thừa những thành tựu của nền thể thao thế giới để làm trong sạch hơn nền thể thao của chúng ta”, ông Nguyễn Văn Vinh nhận định.
Bóng đá Việt Nam đã xảy ra không ít scandal. Việc mổ xẻ nguyên nhân của những “mảng tối”, xử lý đúng người đúng tội, kiên quyết, kịp thời, cũng như làm sạch môi trường bóng đá nước nhà để hướng đến những sân chơi lành mạnh cho các cầu thủ mong muốn thể hiện ở một nền bóng đá chuyên nghiệp thực sự và khán giả mong muốn có những trận đấu hay, trung thực là niềm mong mỏi của hàng triệu người hâm mộ nước nhà. Chỉ có điều người ta muốn thấy hành động thực tế của cả cơ quan quản lý bóng đá, các CLB, các HLV cầu thủ hơn là những lời hô hào, hoặc xử lý nửa vời như nhiều chuyện đã xảy ra.