Trận đấu nổi bật

Xem thêm

Rangers vs Tottenham Hotspur 13/12/24 - Trực tiếp
Logo Rangers - RAN Rangers
0
Logo Tottenham Hotspur - TOT Tottenham Hotspur
0
Porto vs Midtjylland 13/12/24 - Trực tiếp
Logo Porto - POR Porto
0
Logo Midtjylland - FCM Midtjylland
0
Ajax vs Lazio 13/12/24 - Trực tiếp
Logo Ajax - AJX Ajax
0
Logo Lazio - LAZ Lazio
1

Hà Đức Chinh và những cậu con cưng của thầy Park

Có lẽ chưa bao giờ, danh sách sơ bộ chuẩn bị cho một giải đấu mà HLV Park Hang-seo lựa chọn lại gây tranh cãi đến vậy. Đáng chú ý, không phải một cái tên mới mà là một cựu binh đang khiến dư luận dậy sóng. Vì Hà Đức Chinh, thầy Park đã chơi một canh bạc lớn rồi.

Sự ưu ái đặc biệt?

Nếu chỉ một người nói, đó là chuyện quá bình thường. Nếu là mười người nói, chuyện cũng chưa có gì to tát. Nhưng lên đến con số hàng trăm, hàng nghìn ý kiến phản đối chuyện Hà Đức Chinh được triệu tập lên U23 Việt Nam chuẩn bị cho Vòng loại U23 châu Á 2020 thì là điều đáng để bận tâm.

Trong số 37 con người cả cũ và mới mà thầy Park triệu tập lần này, chỉ mình Đức Chinh thành tâm điểm. Đa số những ý kiến đều cho rằng tiền đạo thuộc biên chế SHB Đà Nẵng sở hữu phong độ quá kém cỏi và không đáng được góp mặt. Thống kê về thành tích sẽ là câu trả lời rõ ràng nhất.

Hà Đức Chinh và những cậu con cưng của thầy Park - 1

Thầy Park luôn kiên nhẫn với các học trò.

Dưới thời thầy Park, Đức Chinh đã được thi đấu 15 trận (cả đá chính lẫn vào sân từ ghế dự bị) ở giải U23 châu Á 2018, ASIAD 2018, AFF Cup 2018 và Asian Cup 2019. Đức Chinh thi đấu tổng cộng 649 phút ở các giải đấu kể trên và ghi được đúng 1 bàn thắng, đó là pha lập công vào lưới U23 Iraq ở giải U23 châu Á 2018.

Tính rộng ra từ năm 2016, Đức Chinh có tổng cộng 2 bàn thắng cho các cấp đội đội tuyển Việt Nam. Bàn còn lại của Hà Đức Chinh là bàn thắng vào lưới U19 Triều Tiên ở giải U19 châu Á 2016. Như vậy, Đức Chinh cần đến 22 trận đấu và 1.212 phút trong màu áo các đội U19, U20, U23 và ĐT Việt Nam mới ghi được 2 bàn (trung bình 606 phút/bàn).

Nếu các con số trên làm bạn đau đầu, hãy hiểu đơn giản thế này: Đức Chinh không ghi bàn cho các lứa ĐT Việt Nam suốt một năm qua và cũng “tịt ngòi” suốt 8 tháng trong màu áo SHB Đà Nẵng. Nên nhớ, đây là thông số của một tiền đạo, người thường xuyên được tạo điều kiện thi đấu.

Chuyện Đức Chinh vẫn được lên tuyển bất chấp những thống kê trên càng trở nên nghiêm trọng sau phát biểu không giấu giếm của HLV Lê Huỳnh Đức về cậu học trò: “Đức Chinh hầu như không làm được gì trong 2 trận đấu vừa qua cho Đà Nẵng. Phong độ của cậu ấy không tốt từ khi trở về từ đội tuyển quốc gia. Đức Chinh cũng mới tập cùng đội có 2 tuần sau Tết”.

“Tôi không biết có danh sách U23 Việt Nam chưa, nhưng với phong độ này, Hà Đức Chinh khó lòng được gọi lên tuyển. Hiện một vài chân sút trẻ chơi tốt như Nguyễn Tiến Linh. Tôi thấy Chinh khó cạnh tranh”.

Người trực tiếp giám sát Đức Chinh như Lê Huỳnh Đức còn nói thế, rõ ràng chân sút gốc Phú Thọ thực sự có vấn đề. “Nhẹ nhàng” hơn Đức Chinh một chút, Nguyễn Quang Hải cũng có tên trong lần lên tuyển này bất chấp việc anh đã không ghi bàn trong cả năm trận gần nhất cho CLB Hà Nội, kèm lời nhận xét của HLV Chu Đình Nghiêm: “Quang Hải đang chán bóng”.

Cả hai cầu thủ này đều là trò cưng của thầy Park và nhiều người cho rằng, chiến lược gia người Hàn Quốc đã có sự ưu ái nhất định thay vì đánh giá khách quan về chuyên môn.

Một góc nhìn khác

Nhưng cũng giống như việc VFF bổ nhiệm thầy Park giữ chức HLV ĐT Việt Nam cách đây hơn một năm, dù gặp làn sóng chỉ trích của cộng đồng mạng, giới chuyên môn có cái nhìn của riêng họ. Trên thế giới, có không hiếm trường hợp cầu thủ thi đấu tệ trong màu áo CLB chủ quản nhưng thành công vang dội ở cấp độ quốc gia.

Đơn cử như Lukas Podolski và đặc biệt là Miroslav Klose của ĐT Đức. Bộ đôi này thi đấu hết sức bình thường trong màu áo của Arsenal và Lazio nhưng gần như là cái tên xuất hiện đầu tiên mỗi khi HLV Joachim Loew lên danh sách triệu tập. Kể cả những lúc phong độ của họ xuống thấp thê thảm, phải mài đũng quần trên ghế dự bị hay vừa mới trở lại sau chấn thương, cả Podolski và Klose vẫn xách hành lý lên ăn cơm tuyển bình thường.

Nhiều người nói đùa rằng chỉ khi nào bộ đôi này tuyên bố chia tay ĐT Đức hay giải nghệ, Loew mới thôi gọi học trò. Đúng là có sự ưu ái ở đây, nhưng hãy nhìn vào mặt hiệu quả. Klose là chân sút xuất sắc nhất lịch sử ĐT Đức với 71 bàn thắng, trong khi Podolski đứng thứ ba với 49 bàn. Quan trọng nhất, bộ đôi này góp công to lớn vào chiến tích vô địch World Cup 2014, chấm dứt 24 năm chờ đợi của “Cỗ xe tăng”.

Và khi đã thành công, không ai còn ý kiến về những lựa chọn của Loew. Rõ ràng, cũng giống như Loew, thầy Park cần làm việc với những gương mặt quen thuộc để tạo nên bộ khung của mình. Những người này không chỉ đóng vai trò chuyên môn mà còn là người đi trước, hướng dẫn những cầu thủ lần đầu làm việc với thầy Park lề lối sinh hoạt và cả cách tư duy. Có họ, sự thích nghi trong phòng thay đồ sẽ nhanh hơn rất nhiều.

Riêng trường hợp của Đức Chinh, tầm nhìn của thầy Park còn thể hiện qua phát biểu: “Hầu hết các CLB ở V-League đều sử dụng các tiền đạo ngoại có thể hình to cao trên hàng công. Các cầu thủ trẻ dưới 23 tuổi ở Việt Nam gần như không có cơ hội để đá vị trí tiền đạo. Cứ với đà này, bóng đá Việt Nam trong tương lai sẽ rất khó tìm được các tiền đạo cắm thực thụ”. Rõ ràng, mong muốn của chiến lược gia người Hàn Quốc là bồi dưỡng, đào tạo những tài năng trên hàng công của bóng đá Việt, thay vì tự tay vứt bỏ đi mỗi khi gặp khó khăn. Và cũng như Loew, hãy để kết quả thay cho lời giải thích của thầy Park.

Thầy Park không phải là người duy tình

Chiến lược gia Park Hang-seo tạo nên sự gắn kết ở các cấp độ ĐT Việt Nam thông qua mối quan hệ gần gũi với học trò. Nhưng đừng vì những trường hợp của Đức Chinh hay Quang Hải mà nghĩ ông là người duy tình, đặt tình cảm cá nhân lên trên hết. Hãy cứ nhìn vào Nguyễn Trọng Đại thì biết.

Trọng Đại cũng là một thành viên của U23 Việt Nam thi đấu VCK U23 châu Á 2018. Trọng Đại còn đặc biệt thân thiết với thầy Park khi hình ảnh ông véo má yêu cậu học trò lan truyền trên mạng xã hội. Nhưng khi Trọng Đại đánh mất phong độ và suất đá chính ở Viettel, anh không còn được lựa chọn lên tuyển nữa. Điều này đã diễn ra ở AFF Cup 2018, Asian Cup 2019 và giờ là Vòng loại U23 châu Á 2020.

U23 Thái Lan mang đội hình mạnh nhất đến Việt Nam

Chủ tịch LĐBĐ Thái Lan Somyot Poompanmpoung đã thống nhất với HLV trưởng ĐTQG, U23 và U19 Thái Lan về việc cử đội hình mạnh nhất tham dự Vòng loại U23 châu Á 2020. Trong tháng 3, ĐT Thái Lan và U19 Thái Lan đều thi đấu khá bận rộn, nhưng người đứng đầu bóng đá xứ Chùa vàng vẫn quyết định tập trung lực lượng tốt nhất cho U23.

Thái Lan là nước đăng cai VCK U23 châu Á 2020, nên họ nghiễm nhiên có suất dự giải đấu diễn ra vào đầu năm sau. Nhưng LĐBĐ nước này vẫn đăng ký với AFC được đá vòng loại để các cầu thủ tích lũy thêm kinh nghiệm trận mạc. Tại vòng loại, Thái Lan nằm ở bảng K cùng với Việt Nam, Brunei và Indonesia.

Thầy Park dành sự ưu ái cho U22 Việt Nam

U22 Việt Nam không hoàn thành chỉ tiêu vào đến trận chung kết giải U22 Đông Nam Á 2019 và bị chỉ trích rất nhiều. HLV Nguyễn Quốc Tuấn chỉ dám khiêm tốn tiến cử bốn gương mặt lên U23 Việt Nam: “Bản thân tôi nếu được chọn sẽ là tiền vệ Trần Thanh Sơn, Phan Thanh Hậu; hậu vệ Lê Văn Xuân và tiền đạo có thể là Trần Danh Trung”.

Tuy nhiên, thầy Park tỏ ra rất bao dung với các học trò nhỏ tuổi khi triệu tập tới 13 cầu thủ trong đội hình U22 Việt Nam, trong đó có những cái tên nổi bật như Bùi Hoàng Việt Anh, Trần Danh Trung, Phan Thanh Hậu, Ngô Tùng Quốc, Bùi Tiến Dụng, Lương Hoàng Nam…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà My ([Tên nguồn])
HLV Park Hang Seo Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN