ĐT Pháp: Trivote và những "mũi tên vàng"
Để ngăn chặn tiqui-taka của Tây Ban Nha, HLV Blanc đã tính phương án để Pháp đá với sơ đồ 3 tiền vệ trung tâm (trivote).
Thiết lập vành đai Trivote
Tham dự một giải đấu lớn như Euro, việc ĐT Pháp vẫn cứ liên tục xoay tua cầu thủ hay có thể hiểu theo cách khác là chưa có một đội hình tối ưu nhất, quả thật đang mang đến cho người hâm mộ quê nhà những nỗi lo nhất định. Chính điều đó đã khiến Les Bleus phải thua "lấm lưng trắng bụng" trước ĐT Thụy Điển, vốn đã hết mục tiêu (bị loại) trước loạt trận thứ ba của vòng bảng. Phương án xếp Alou Diarra chơi cạnh M'Vila thất bại, Arfa lần đầu được đá chính cũng hoàn toàn mờ nhạt, có chăng chỉ là một vài cú sút xa đưa bóng lên khán đài. Vô hình chung, những thay đổi ấy kéo lối chơi của Pháp vừa thiếu đi sự an toàn cho hàng thủ vừa rời rạc trên hàng công.
3 trận đấu, 3 đội hình xuất phát, và đều cho những kết quả cũng không giống nhau (1 hòa, 1 thắng, 1 thua), thế nhưng rất có thể ĐT Pháp sẽ lần thứ 4 xuất hiện với một bộ khung khác. Vì đối thủ là Tây Ban Nha, Blanc buộc phải hướng tới cách làm – bố trí nhân lực đủ dày ở hàng tiền vệ để hạn chế trò kiểm soát bóng. Italia đã từng thành công một nửa khi sử dụng tới 5 tiền vệ, qua đó tạo tiền đề vững chắc cho cả thủ lẫn công. Như vậy “Ngài tổng thống” buộc phải rút bớt một cái tên trên hàng công, thay vào đó bằng một tiền vệ trung tâm để thiết lập “vành đai trivote”.
Họ sẽ cùng ra sân để tạo nên vành đai trivote?
Trong trường hợp đó, bộ ba Diarra – Cabaye – M’Vila gần như chắc chắn được sử dụng. Từ sơ đồ quen thuộc 4-2-3-1, ĐT Pháp chuyển sang đá 4-3-3, mô hình mà Jose Mourinho từng áp dụng cho Real trong những cuộc đối đầu với Barca mùa trước và đã ít nhiều thu được thành công. Nền tảng thể lực sung mãn và khả năng tranh chấp tay đôi của Diarra – M’Vila sẽ là bước đệm để một cầu thủ có tư duy, óc phán đoán tốt Cabaye phát huy.
Và chờ đợi những mũi tên vàng
Gặp Tây Ban Nha, chỉ dựa vào khâu phòng thủ là chưa đủ. Pháp ngoài việc không có khả năng phòng thủ kiểu xe bus, cũng muốn chứng minh cho nhà ĐKVĐ châu Âu và thế giới thấy rằng tiqui-taka chẳng của riêng ai. Với những bậc thầy về kĩ thuật như Ribery, Nasri, Benzema, ĐT Pháp đủ sức gây khó dễ cho hàng thủ TBN. Họ có thể vừa trải qua 90 phút nhạt nhòa trước Thụy Điển nhưng không thể khẳng định, điều tương tự sẽ tái lập. Thống kê cho thấy, Ribery đang dẫn đầu Euro 2012 về số lần cầm bóng đột phá thành công (xếp sau là Iniesta của chính TBN). Khi Nasri đã bình phục chấn thương đầu gối, người Pháp có quyền mơ tới khoảnh khắc thiên tài của ngôi sao đang khoác áo Man City. Và lớn lao nhất chính là niềm tin nơi Benzema, người quá am hiểu các trụ cột của TBN. “Tôi chỉ có một hi vọng rằng Benzema sẽ không có một ngày thi đấu tốt nhất”, thủ thành Casillas chia sẻ như thế.
Pháp có những cá nhân đủ sức xoay chuyển cục diện trận đấu
Tất nhiên sẽ không ngạc nhiên nếu như TBN vẫn sẽ là những người kiểm soát thế trận tốt hơn. Vấn đề nằm ở chỗ, liệu họ có tạo ra một sự áp đảo đủ lớn để khiến hàng thủ Pháp mắc sai lầm? Trong cách chơi của TBN (giống như Barca), việc hai hậu vệ biên thường xuyên dâng cao tạo thêm sức mạnh cho tuyến trên là điều thường thấy. Tuy nhiên khi phải đối mặt với hai tiền vệ cánh có đẳng cấp cao như Ribery và Nasri (hoặc Menez), Arbeloa và Jordi Alba đâu thể tùy tiện lên xuống. Trong khi đó, sự phiêu lưu và đôi lúc là bặm trợn của Ramos cần hết dè chừng vì sự xuất hiện của Benzema, người đồng đội của anh ở Real.
Pháp sẽ không cố “thi” kiểm soát bóng với TBN “Như đã từng nói, khi bạn không có bóng nghĩa là bạn không có sự lựa chọn, bạn sẽ bị động. Tây Ban Nha dựa trên triết lý đôi chút của Barca luôn giành quyền kiểm soát bóng từ 65-70% và đối thủ của họ luôn trong tình thế chống đỡ. Nhiều HLV đã đi tìm những chiến lược khác nhau nhưng sự thật thì chưa ai khắc chế được hoàn toàn. Chúng tôi vẫn chơi theo phong cách đã lựa chọn dù biết rằng khó thoát ra sự áp đặt của họ. Chỉ cần tập trung trong khoảng 20-30 phút đầu, tôi tin là cơ hội sẽ đến. Dù sao tôi muốn các cầu thủ của mình tạo thế trận với thông số tốt trước TBN”. |